Hợp tuyển Box Lịch sử- Văn hoá
Thursday, February 03, 2005
 
Hồ Quý Ly và nhà nước Đại Ngu
Hồ Quý Ly và nhà nước Đại Ngu
Username: Trinity


Hồ Quý Ly, đánh giá con người này như thế nào, đó có phải là một người sinh nhầm thời? Điều đó đã gây ra bao cuộc tranh cãi đến tận ngày nay. Dưới đây là quan điểm của Trinity về những cải cách của họ Hồ.

Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế

Quảng Hàn cung lý nhất chi mai

Đôi câu đối tuyệt hay này, tương truyền là cuộc xướng tác bất ngờ giữa vua Trần Minh Tông và chàng trai trẻ Hồ Quý Ly, năm ấy còn là một chức quan nhỏ vô danh. Cành mai trong cung Quảng Hàn để đem đối lại ngàn cây quế, với Quý Ly không phải ai khác ngoài ái nữ của vua, công chúa Huy Ninh. Mối tình vô vọng, vì luật nội hôn Trần triều cấm ngặt con gái tôn thất thành thân với ngoại tộc. Sao đổi ngôi, đò sang sông, sự đời biến thái không ngừng, hoa muộn cuối cùng cũng kết nhụy khi mái đầu sắp bạc.

Đường sự nghiệp của họ Hồ không quá gian truân như đường tình duyên, nhưng cả hai đều có kết cục buồn. Cành mai nhỏ sớm tàn để lại cho Quý Ly đứa con trai Hồ Hán Thương. Những biện pháp cải cách đảo lộn nhân tâm góp phần đưa Quý Ly lên ngôi cao nhưng chúng cũng góp phần làm ông mất nước. Ông kết thúc cuộc đời trong vai trò một người lính thú già miền viễn biên Trung Quốc, song có sách chép: "Ông và Hồ Hán Thương bị Minh Thành Tổ ra lệnh hành hình ngay trong tháng 10 năm 1407". Đoạn kết như thế có khi lại hay hơn.

Có nhiều nhân vật lịch sử không dễ dàng bình công tội, họ như những khối đa giác góc cạnh mà sự đánh giá còn tùy thuộc vào phía nhìn của người đời. Hậu thế sẽ còn dai dẳng tranh luận về Hồ Quý Ly: đại gian thần hại nước hay bậc thức giả thời loạn không chịu câu thúc trong vòng ngu trung để giúp đời, thực tâm chấn hưng xã tắc hay không từ thủ đoạn nào để ngoi lên đỉnh quyền lực...

Điều tai hại là những cải cách của họ Hồ có thể được đời sau diễn giải và hiểu theo nhiều nghĩa. Không sai, nếu bảo chúng thực chất có lợi cho một đất nước đang kiệt quệ cả vật chất lẫn niềm tin. Nhưng không phải không có lý nếu nói đó là phương thức để thâu tóm quyền lực cá nhân và triệt hạ đối thủ. Những biện pháp được tính toán khôn khéo để một mũi tên đi trúng nhiều đích.

Lấy ví dụ về chính sách hạn điền (ban hành năm 1397) và liền sau đó là giải phóng gia nô. Một mặt, nó là cú đánh chí mạng vào thế lực và ảnh hưởng lâu đời của quý tộc họ Trần - lực lượng có quyền lợi gắn bó trực tiếp với sự tồn vong của vương triều. Ruộng đất bao la của tôn thất nay được khoanh lại ở con số 10 mẫu tối đa, trừ Đại vương và Trưởng Công chúa. Ruộng thừa biến thành ruộng công. Số gia nô nhiều không đếm xuể trước kia giờ phải giới hạn tùy theo phẩm trật. Việc này càng có ý nghĩa trong hoàn cảnh một phần đáng kể sức mạnh quân sự quý tộc họ Trần là các đội gia binh tuyển từ gia nô trong nhà. Mặt khác, số ruộng công chẩn cấp cho dân nghèo có giá trị như một phương thuốc hạ hỏa đúng lúc, khi cùng đinh lang thang, nạn dân lưu tán và nô lệ bỏ trốn tụ tập làm loạn trong xã hội đã vượt quá mức báo động. Cuộc khởi nghĩa của nhà sư Phạm Sư Ôn là sự bùng phát mạnh mẽ nhất. Trước khi bị dập tắt năm 1390, đạo quân ô hợp của vị “yêu tăng” Sư Ôn từng chiếm cứ Thăng Long tới 3 ngày.

Chính sách tiền giấy cũng có thể coi là một ví dụ minh họa cho tính hai mặt của cải cách. Khi cuộc chiến dai dẳng với Chiêm Thành kết thúc bằng cái chết bất ngờ của Chiêm vương Chế Bồng Nga năm 1390, nước Đại Việt đã loạng choạng như người lâm bạo bệnh. Hùng khí quân dân từ thuở đánh Nguyên đã suy sụp từ sau trận thua Chiêm đau đớn tại thành Đồ Bàn (1377), ngốn phần lớn 12 vạn binh tướng, vua Duệ Tôn tử trận. Mất mùa, nội loạn, giặc Chiêm liên tục cướp phá, sự phình to và kê biên nhập nhằng của ruộng đất tôn thất khiến kho đụn nhà nước chóng cạn kiệt. Sự ra đời của thuế thân thời kỳ này (đánh thuế 3 quan tiền mỗi suất đinh bất kể sống chết) là một sự bất đắc dĩ tuyệt vọng. Ban hành và cưỡng bức dùng tiền giấy trong những năm phục hồi sau chiến tranh, vì thế có thể xem là một giải pháp mang tính tình thế ngắn hạn hơn là một cải cách có ý nghĩa lâu dài của Hồ Quý Ly. Cùng một lúc, nó giải quyết nạn khan hiếm tiền tệ và đồng thời thu hút tài nguyên về quốc khố (thông qua việc cưỡng bức đổi tiền: một quan tiền đồng ăn một quan hai tiền giấy). Trớ trêu là do biện pháp thi hành cứng nhắc của chính quyền, chất lượng giấy của tiền, sự mai một niềm tin vào triều đình, nạn làm tiền giả hoành hành và tập quán tiêu tiền đồng bao đời của dân đã chất thêm vào “tội trạng” của Quý Ly nhiều lời ta oán. Một giải pháp thông minh nhưng không hợp thời.

Bi kịch của Hồ Quý Ly là dạng bi kịch của nhà kỹ trị. Ông quá chú tâm mục đích mà thiếu đi sự ôn nhu rất cần thiết trong thực hiện. Trước một đất nước tan hoang như con bệnh nặng, ông mạnh tay dùng phương thuốc đắng. Bạo y trị bạo bệnh! Nhưng kỷ cương khắc nghiệt của Nho giáo đâu dễ ngày một ngày hai đem áp dụng với đám dân đã quen với sự khoan thai của nhà Phật. Những lợi ích cải cách, nếu có, không át nổi nhân tâm xao động vì Quý Ly bức hại vua tôi nhà Trần. Lòng người chưa nguôi lưu luyến những võ công hiển hách của vương triều này. Bài học dân vận xương máu từ các triều đại trước đã không được Quý Ly vận dụng triệt để.

Chỉ tiếc một điều là thời gian! Năm xưa Trần Thủ Độ dấy nghiệp nhà Trần, đánh Đoàn Thương, Nguyễn Nộn, chôn sống một mẻ 370 tôn thất nhà Lý, giết vua Huệ Tông,... bắt họ Lý trong nước đổi hết ra họ Nguyễn để lòng dân tuyệt đường thương nhớ vua cũ, so về mức độ tàn ác và gây thất nhân tâm thì chưa chắc Quý Ly đã sánh bằng. Nhưng Trần triều có tới hơn 30 năm để củng cố sức mạnh và thu phục lòng dân - một thứ vốn dĩ rất tương đối - trước khi Mông Cổ kéo sang. Hồ Quý Ly sau khi chính thức dứt nghiệp nhà Trần suy vi thì chỉ còn 7 năm trước khi chống Minh, một khoảng thời gian đủ dài để xây thành trì mộ quân lương nhưng quá ngắn ngủi để đoàn kết nhân tâm. Rốt cục, vận đúng vào câu nói của Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo!”.

- Như nhiều anh hùng nước Nam khác, Quý Ly có họ xa bên phương Bắc. Ông tổ của Quý Ly là Hồ Hưng Dật, người tỉnh Chiết Giang, sang đất Việt làm Thái thú Diễn Châu thời Trung Quốc có loạn Ngũ Quý (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) đầu thế kỷ thứ X. Họ Hồ bám rễ sinh sôi ở đất Diễn Châu (nay là Nghệ An) đến đời cháu thứ 12 của Hưng Dật là Hồ Liêm thì dời ra Thanh Hóa. Liêm làm con nuôi của quan tuyên úy Lê Huấn nên cải họ Lê. Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Huấn, là con quan Kinh lược sứ Lê Quốc Kỳ, sau này lên ngôi mới lấy lại họ cũ.

- Quốc hiệu Đại Ngu gây nhiều thắc mắc và dị ứng cũng liên quan đến gốc gác của họ Hồ. Tương truyền, Ngu Yên có con là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương nhà Chu phong ở đất Trần, thường gọi là Hồ Công. Sau Mãn lấy luôn làm họ, đổi thành Hồ Công Mãn. Quý Ly cho mình thuộc dòng dõi Hồ Công Mãn, nên đặt quốc hiệu Đại Ngu, hàm ý mình là con cháu dòng Ngu Thuấn.


Comments: Post a Comment

<< Home

Powered by Blogger