Hợp tuyển Box Lịch sử- Văn hoá
Thursday, February 03, 2005
 
Mục lục Hợp tuyển Lịch sử- Văn hoá mạng TTVNOL 07/2002

Phần thứ nhất- Giới thiệu Box LS - VH

Phần thứ 2 : Tìm hiểu lịch sử Việt Nam

Phần thứ 3 : Tìm hiểu lịch sử thế giới

Phần thứ 4 : Góc nhìn văn hóa

Phần thứ 5- Diễn đàn

Thay cho lời kết



 
Phần thứ nhất- Giới thiệu Box LS - VH
Hợp tuyển Box LS-VH
Kỷ niệm Ðại Hội TTVNONLINE lần thứ I
Tháng 8 / 2002
Tổng biên tập: NguCong
Phó tổng biên tập: Yasunari
Biên tập viên: Annonymous, Codet, Desert Roses,Ghen, Mystery_aries
Kỹ thuật: Mystery_aries
Trình bày bìa: Egoist, Daysleeper

Phần thứ nhất
Giới thiệu Box LS - VH


Lời nói đầu

Mở cuốn sách này, bạn sẽ có cảm tưởng như bước vào một căn phòng kính dưới đáy biển. Chính ở đây bạn sẽ phần nào thấy được một thế giới khác với những sắc màu riêng biệt - thế giới của kiến thức lịch sử và văn hoá.
Lịch sử - văn hoá, đối với tôi, Yasunari, và nhiều bạn khác, thật là một thế giới rộng lớn và đầy bí ẩn. Trước đây, khi lần đầu tiên tiếp xúc với những môn học này, trí óc non nớt của tôi cứ quan niệm một cách hình ảnh rằng Lịch sử là một anh chàng râu quai nón lầm lì còn Văn hoá là một anh chàng già dặn, khô khan và gầy khẳng khiu - Nhưng theo tháng năm, hình ảnh ấy ngày càng thay đổi. Khuôn mặt của Lịch sử trở nên dễ mến hơn còn Văn hoá thì hay cười duyên. Thậm chí bây giờ tôi lại nghĩ Văn hoá là một cô gái. Dần dần, Lịch sử - Văn hoá có nhiều khuôn mặt hơn, nhiều tính cách hơn. Ðó là khuôn mặt của những nhân vật có thật nổi tiếng trong lịch sử ; là chân dung các nghệ sĩ và những tác phẩm của họ; là hình ảnh các cụ già, các em nhỏ, các chàng trai, cô gái trong ngày hội làng - Hẳn các bạn cũng như tôi cảm nhận được sự tồn tại của họ khi đọc từng cuốn sách, khi chạm tay vào những bức tường rêu phong cổ kính hay đơn giản chỉ là khi mở cuốn gia phả. Lịch sử - Văn hoá thật giống một bức tranh hoành tráng mà lại sâu sắc !
Ðây chỉ là những cảm nhận chủ quan của tôi, một thành viên của box LS - VH. Mỗi người trong số chúng tôi đều sẽ có những cảm nhận khác biệt, tuy nhiên, qua cuốn sách nhỏ này, chúng tôi hy vọng sẽ được chia sẻ với các bạn niềm say mê đối với Lịch sử và Văn hoá.
Vì vậy, được sự đồng ý của các tác giả cùng sự ủng hộ của các thành viên trong và ngoài box, Ban Biên tập chúng tôi đã gắng sức tuyển chọn những bài viết hay, hấp dẫn được nhiều người đọc của box LS - VH trong hai tháng đầu thành lập và có cả những bài viết trước ngày lập box đưa vào Hợp tuyển với mong muốn làm các thành viên TTVNONLINE xích lại gần nhau !!!
Thân ái
Yasunari
(đại diện BBT)



AI? AI? VÀ AI?


Box lịch sử Văn hoá là một trong những box mới toanh của ttvnonline.com. Box mới chỉ được thành lập cách đây hơn 2 tháng do ý tưởng của Yasunari.Thực ra nhu cầu hiểu biết về lịch sử của giới trẻ Việt Nam là rất lớn, nhưng vấn đề đặt ra là hiện có một sân chơi nào mang tính học thuật nghiêm túc, lại vừa trang nhã, vừa gần gụi để có khả năng khơi gợi sự ham muốn hiểu biết đó không? Sự nỗ lực không ngừng của Yasunari cùng với trên 50 thành viên ủng hộ đã tạo nên một kết quả tuyệt vời: box Lịch sử Văn hoá ra đời. Bây giờ ta thử lướt qua một số thành viên trong box.
Trước hết là 4 Mod: Cuoihaymeu (Kiến thức ca, một con người bí ẩn, chưa bao giờ offline, sao vậy bác Cười hay mếu?); VNHL (điềm đạm, tự tin, offline đủ nhưng thời gian chỉ vừa hết cốc nước), cdtphuc (1 mod ở thành phố Hồ Chí Minh giấu mình trong một kho tài liệu mà ối người mong muốn- có vẻ hơi nóng nhưng rất bản lĩnh); yasunari (thành viên “hùng hục” của Box) và mới đây thêm một Mod mới toanh (vì chưa được ăn mừng chính thức) hơn nữa lại có duyên ngầm (theo ý kiến của codet)........NguCong. Bây giờ chúng ta hãy dùng “kính lúp” để tìm hiểu thêm !!!!!!!!
1. Yasunari: Là sáng lập viên và moderator của Box. Đây là một tấm lòng từ thiện của box. Anh chàng rất nhạy cảm, các bài viết của hắn do vậy thường rất mềm mại. Nhưng đừng tưởng hẳn bẽn lẽn và uỷ mị, khi cần, hắn vẫn có thể đanh đá như... bà bán cá. Là một người nhiệt tình, thẳng thắn và không vụ lợi, hắn xứng đáng là thủ lĩnh của box lịch sử văn hoá.
2.VNHL: Moderator. Chuyên gia chăn dắt. Rất phong độ và chững chạc. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì khó mà đánh giá độ tuổi của anh. Với những hiểu biết sâu sắc trong nhiều lĩnh vực như lịch sử văn hoá, kinh tế chính trị... cùng với phong cách nói chuyện từ tốn, bình dị, anh đã gây được nhiều thiện cảm đối với các thành viên (nhất là các em _ Nguy hiểm !!!)
3.Cdtphuc: Moderator. Nhà ngoại giao của box Lịch sử văn hoá. Mặc dù ở thành phố Hồ Chí Minh xa xôi nhưng Cdtphuc rất nhiệt tình tham gia mọi hoạt động của box. Nghiêm túc, quyết liệt, bản lĩnh trong công việc, anh xứng đáng được coi như một Bao Công của box Lịch Sử Văn Hoá.
4. Cuoihaymeu: Moderator. Tổng biên tập báo Địa Phủ Cười. Là một người có vốn kiến thức uyên thâm, sâu sắc và rộng rãi bậc nhất của box. Anh cũng là người có uy tín cao trong cộng đồng TTVNonline. Các bài viết của anh chứa đựng những thông tin chính xác và sự đánh giá sắc sảo, cùng với lối diễn đạt hài hước, anh được các thành viên rất thán phục. PS: Theo thông tin chúng tôi mới nhận được vào lúc 0 giờ 30 phút đêm nay, một nhóm thành viên nữ của TTVNonline, đứng đầu là tiểu thư SongMinh, bông hoa héo một thời của box lịch sử văn hoá, đã đệ đơn lên ban quản trị diễn đàn xin thành lập cuoihaymeu crazy fan club. Chúng tôi sẽ nhanh chóng thu thập thông tin về sự kiện này và có lẽ sẽ tiếp tục cập nhật tới các bạn trong.. hợp tuyển lần sau.
5. Lehongphu: Anh cả của box Lịch Sử Văn Hoá, đồng thời là Mạnh Thường Quân của box. Với vốn kiến thức dày và sâu của một con người từng trải, các bài viết của anh thường rất chất lượng và trí tuệ, nhưng, không vì thế mà mất đi tính trẻ trung, tươi... mát. Có lẽ bởi vì tâm hồn anh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi đời.
6. Desert Rose: Em út của box Lịch Sử Văn Hoá. Cô nàng nhiều lần gây ngạc nhiên cho các thành viên lớn hơn mình gần chục tuổi bởi những bài viết chứng tỏ một vốn kiến thức rất rộng và sâu so với tuổi đời và kỹ năng tổng hợp thành thạo của mình. Cô nàng xứng đáng là một đại diện tiểu biểu cho một lực lượng trẻ sẽ gáng vác trọng trách phát triển và gìn giữ box Lịch Sử Văn Hoá sau này, khi các thành viên cốt cán hiện nay đã... lấy vợ.
7. Mystery_aries: Bộ trưởng bộ tài chính. Thành viên rất nhiệt tình, vui vẻ và thân thiện của box. Là người đóng góp rất nhiều công sức (có lẽ là nhất) cho việc xuất bản hợp tuyển. Chị là người rất đáng tin tưởng để trao trọng trách giữ "tay hòm chìa khóa" của box.
8.NguCong: Tổng biên tập hợp tuyển. Đẹp "rai", hơi già dặn so với tuổi đời. Là sinh viên thuộc khối chuyên ngành kỹ thuật... chân tay, cụ thể là xây cầu, xây cống, nhưng hắn cũng rất quan tâm tới các vấn đề về lịch sử văn hoá. Y là một trong số rất ít sinh viên hiện nay có một kiến thức toàn diện.
9. Annonymous: Hoa khôi của box. Người tình trong mơ của VNHL. Nguyên nhân trực tiếp gây ra những cuộc bút chiến kịch liệt trên box Lịch Sử Văn Hoá mà mục đích duy nhất của các địch thủ là chiếm được trái tim trong trắng của nàng. Nàng xinh !!! Điều này hiển nhiên ! Nhưng khác với đa phần các hoa khôi Việt Nam, nàng cũng rất uyên bác. Giống như NguCong, nàng là sinh viên trường kỹ thuật, và cũng là thanh niên thế kỉ 21 (đúng nghĩa). Nàng thực sự là làn gió tươi trẻ và mát mẻ (tất nhiên rồi) mà ông trời đã ưu ái dành riêng cho box lịch sử văn hoá.
10. Ghen: Một chàng Ghen có ghen điên cuồng không? Tiếp xúc với Ghen thì cái title đó chẳng đúng tẹo nào. Ðây là một biên tập viên hăng hái hết mình vì công việc chung !
Và ai nữa? Một nhà biên kịch từng trải hơi hào phóng - đó là La Trung. Tiếc thay box LS-VH không có mỹ nhân để đóng Dương Vân Nga nên ta đành ngậm ngùi giã từ... vở kịch !
Còn những ai nữa? Ðó là Hector, Yahaha22, yuyu, codet, là........(Tự thêm vào nhé!...........) và rất nhiều thành viên khác. Nhìn chung sự nhiệt tình là điều không thể thiếu được ở các mod nói riêng, ở toàn bộ thành viên và những người yêu thích lịch sử nói chung.
Trong những ngày cuối tháng 7 năm 2002, lượng người tham gia truy cập vào box LS-VH ngày càng tăng (càng về khuya theo giờ Việt Nam càng đông người online!). Các chủ đề mới không quá nhiều nhưng có thể nói là đạt chất lượng (Tất nhiên là trong khuôn khổ!). Ða số các cuộc tranh luận đều tuân theo tiêu chí nôi quy của box và của TTVN. Các mod cũng hoạt động hết công suất kịp thời đưa box LS - Vh đi đúng hướng. Ðặc biệt là sự ra đời hợp tuyển đầu tiên - đánh dấu một bước trưởng thành của box.
Trên đây là nhận xét sơ lược một số gương mặt của box. Hy vọng mọi người sẽ hiểu nhau hơn và hãy cố gắng vì một box LS - VH đúng nghĩa!


Hà nội, mùa thu, 11.8.2002
PhantinCodet, NguCong & Ghen thực hiện.


 
Những mốc lịch sử quan trọng nhất của Hà Nội

Những mốc lịch sử quan trọng nhất của Hà Nội
Username: Koibeto81


Câu "Hà Nội ngàn năm văn vật" chắc ai cũng biết và cũng có thể nói ra được, vậy mà chẳng mấy ai nhớ nổi những thời khắc quan trọng nhất mà Hà Nội đã trải qua.
Cái tên Hà Nội thực ra xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1831 nhân một cuộc cải cách hành chính lớn thời Minh Mạng. Lúc đó nhà Nguyễn gọi là tỉnh Hà Nội, Hà Nội của nhà mình được gọi là thành phố khi Pháp thành lập "thành phố Hà Nội" vào năm 1886 sau khi chiếm được tỉnh Hà Nội vào năm 1883. Còn bà con mình thì vẫn cứ gọi là Hà Nội cho ngắn gọn.
Nhưng theo tớ nếu tính lịch sử Hà Nội từ năm nào thì nên tính từ khi Hà Nội bắt đầu đóng vai trò quan trọng nổi bật trong đời sống kinh tế, văn hoá, chính trị của nước mình, do đó tớ thấy bắt đầu từ năm 1010 là được, giống bác cuoihaymeu.
Đúng là kể từ thời điểm đó Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi xảy ra những sự kiện quan trọng đối với mệnh hệ của dân tộc mình.
Vua Lý Thái Tổ khi dời đô về Đại La, rồi như chúng ta vẫn biết là dựa vào truyền thuyết "rồng bay lên" mà sinh ra cái tên Thăng Long. Chuyện có thể không thật nhưng các cụ nghĩ ra chuyện đó chắc không phải đề loè ai cả mà có lẽ chỉ là một niềm tin, một dự đoán, một mong muốn rằng từ đây Thăng Long rồi Hà Nội sau này, đi vào lịch sử như là trái tim của dân tộc Việt.
Tớ xin được nhắc lại một số mốc quan trọng trong lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trong 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông, Thăng Long đã 3 lần thành "vườn không nhà trống" làm cho quân giặc lâm vào cái cảnh "lui thì không xong mà đánh thì chẳng biết đánh nhau với ai" rồi cuối cùng cũng bị đánh cho chạy mất dép.
Đến thời Lê Lợi, Nguyễn Trãi đánh giặc Minh. Thăng Long trở thành chiến trường cuối cùng khi quân giặc, khiếp sợ trước sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn, đã phải thề ở cổng thành phía Nam (không biết là cửa ô nào trong năm cửa ô), xin đầu hàng.

Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Thăng Long lại trở thành nơi chứng kiến thiên tài quân sự của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, bằng một cuộc cuộc hành quân thần tốc (tớ không rõ nó diễn ra trong bao lâu mà chỉ biết điểm đến là Thăng Long và vào ngày mồng 5 Tết) đã đánh tan 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh.
Dưới triều Nguyễn (kể từ Nguyễn Ánh) tuy không còn là thủ đô nữa nhưng Thăng Long - Hà Nội vẫn là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của thời đó.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi Mỹ, Thăng Long - Hà Nội vẫn xứng đáng là trái tim của cả nước. Nổi bật là trong Cách mạng tháng Tám, Hà Nội là một trong những địa phương nổi dậy giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, và đến ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa..., rồi đến ngày 19/12/1946, Hà Nội lại là nơi mở đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm của cả dân tộc. Đến thời chống Mỹ thì Hà Nội cùng với các tỉnh miền Bắc trở thành hậu phương lớn của miền Nam ruột thịt. Rồi trong 12 ngày đêm ác liệt năm 1972 nhân dân Hà Nội đã làm lên một Điện Biên Phủ trên không, buộc Mỹ phải ký hiệp ước Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Ha... Hà Nội nhà mình cũng anh hùng ra phết đấy chứ nhỉ.

 
Phần thứ 2 : Tìm hiểu lịch sử Việt Nam

Trong cuộc sống, chúng ta luôn quan tâm đến nguồn gốc của mình. Chúng ta thường tự hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Tổ tiên chúng ta đã làm gì để tồn tại?.....vân vân và vân vân.... Những câu hỏi đó luôn làm bận tâm nhiều thế hệ, thậm chí cả giới mê Internet, đặc biệt là các thành viên mạng TTVNONLINE. Cũng vì thế, có biết bao người, sau cả cuộc đời bôn ba nơi hải ngoại, lại muốn tìm về cội nguồn dù cội nguồn thì khác xa nơi họ sống. Lại có những người phải xa quê hương vì nhiều lý do cũng đau đáu nhớ về Tổ Quốc. Có những thanh niên còn rất trẻ, tay múa trên keyboard chơi games và lang thang Internet nhưng thực sự ham hiểu biết và tràn đầy nhiệt huyết với Lịch sử...Tất cả họ đã tìm thấy ở TTVNONLINE và đặc biệt là box LS-VH, một địa chỉ đáng tin cậy để cùng tìm về nguồn cội bởi một lẽ đơn giản - chỉ khi nhìn lại quá khứ, chúng ta mới có thể tìm được hướng đi đến tương lai.


 
Tản mạn về kiến trúc lăng tẩm Huế
Tản mạn về kiến trúc lăng tẩm Huế
Username: NguCong


Người du khách đã từng một lần đến với Huế, nơi dòng sông Hương lững lờ chảy, tất không tránh khỏi ngỡ ngàng. Là một trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, thế nhưng, khác với các thành phố phát triển anh em, ở Huế, ta bắt gặp một nhịp sống nhẹ nhàng, thanh thản. Con người Huế ung dung, tự tại. Cảnh sắc Huế dịu dàng, thơ mộng. Kiến trúc Huế độc đáo và tinh tế. Ba yếu tố đó hoà quyện với nhau, nâng đỡ nhau và nuôi dưỡng lẫn nhau tạo nên một miền đất cố đô xinh xắn. Huế đẹp và ngây thơ như một cô gái đương thì.
Nói đến Huế là nói đến cả chiều dài của một nền phong kiến Việt Nam. Huế là mảnh đất cuối cùng lưu lại được những đường nét kiến trúc độc đáo, đặc trưng cho một nền quân chủ đã tồn tại trên đất nước ta suốt hơn một nghìn năm lịch sử. Thế nên, nghiên cứu lịch sử kiến trúc Việt Nam mà không tìm đến với Huế là một thiếu sót lớn. Và sẽ lại càng thiếu sót hơn nếu nghiên cứu kiến trúc Huế mà không cảm được con người Huế, thiên nhiên Huế.
Trong bài viết nho nhỏ này, tôi không hề có ý định trình bày tất cả đặc điểm kiến trúc Huế. Việc đó vượt xa khả năng của một bài báo. Chỉ xin mời bạn cùng tôi tìm đến và cảm nhận một loại hình kiến trúc rất đặc trưng cho Huế. Đó là kiến trúc lăng tẩm.
Theo quan điểm của triết học phương Đông, vua là biểu trưng của mặt trời cao cả, là đấng chí tôn của muôn vật. Hình ảnh mặt trời lặn biểu thị khái niệm vua băng hà. Thế nên, các vua triều Nguyễn trước khi mất đều chọn cho mình mảnh đất an nghỉ tại vùng đồi núi tĩnh mịch nằm khá biệt lập ở phía Tây và Tây Nam kinh thành. Trải qua 13 đời vua, nhưng do điều kiện lịch sử có nhiều biến động của đất nước ta dưới thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, tại Huế hiện nay chỉ có 7 khu lăng tẩm. Đó là các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh và Khải Định.
Xây dựng lăng tẩm cho nhà vua, các nhà kiến trúc thời Nguyễn phải triệt để tuân thủ yếu tố phong thuỷ. Âm phần nhà vua, hậu vận của hoàng tộc tốt hay xấu đều phụ thuộc vào sự lựa chọn đất để xây lăng, sự định đặt phương hướng và ngày khởi công xây dựng. Lăng tẩm nào cũng phải theo đúng các nguyên tắc phong thuỷ phương Đông như sơn triều, thuỷ tụ, tiền án, hậu chẩm, tả long hữu hổ, huyền thuỷ minh đường... và "huyền cung", nơi trung tâm điểm của kiến trúc, phải toạ lạc đúng long mạch. Để tìm được một mảnh đất hội đủ những yếu tố như vậy, các nhà địa lý giỏi nhất thời bấy giờ đã phải bỏ công sức hàng tháng, thậm chí cả năm trời đi khắp vùng đồi núi phía Tây kinh thành. Thế nên, đến thăm lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn, ta không thể chỉ quan tâm đến những công trình kiến trúc ngay trước mặt mà phải phóng tầm mắt ra rất xa. Có như vậy, ta mới thấy hết được thực thể địa lý thiên nhiên gắn liền với nó, mới thưởng thức được sự hoà quyện tuyệt vời giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Ít ai ngờ rằng, tổng diện tích lăng Gia Long lên tới 2875 ha, có đến 42 ngọn núi chầu vào trung tâm điểm là mộ địa. Vùng lăng Triêu Trị rộng tới 475 ha, phía trước, bên phải có đồi Vọng Cảnh, bên trái của núi Ngọc Trản đứng thành thế "tả long hữu hổ", ngọn núi Chằm đứng làm tiền án cách xa tới 8m. Còn trước mặt lăng Khải Định là dòng khe Châu Ê chảy khuất khúc từ trái sang phải rồi rẽ lại theo thế "chi huyền thuỷ". Ở đây, mọi chi tiết của thiên nhiên đều đã được các nhà kiến trúc thời Nguyễn khai thác một cách triệt để, tận dụng và chỉnh trang lại để phục vụ cho ý tưởng của mình, tạo ra bối cảnh cho kiến trúc lăng. Sự hoà hợp ở đây đã đặt tới mức tuyệt diệu. Có thể nói là kiệt tác nhân tạo nằm trong lòng kiệt tác thiên nhiên vậy. Bảy lăng tẩm, mỗi lăng một tên gọi, và mỗi lăng lại cho ta một kiến trúc độc đáo, khác biệt.

Tại lăng Minh Mạng, các công trình kiên trúc được bố trí đối xứng từng cặp qua một trục chính đi xuyên qua tâm lăng, thưa ở phần đầu và dày dần lên ở phần cuối trục. Cách bố trí này tạo nên một bố cục chặt chẽ, thống nhất. Xen kẽ giữa các các công trình kiến trúc là hai hồ lớn được uốn nắn, điều chỉnh, tạo cho lăng sự cân đối về âm dương. Sụ kết hợp hài hoà của kiến trúc lăng đem đến cho du khách một cảm giác thành kính, nghiêm cẩn nhưng vẫn rất bình ổn trong tâm hồn.

Trái ngược lại với phong cách kiến trúc chặt chẽ của lăng Minh Mạng là phong cách kiến trúc hết sức phóng khoáng của lăng Tự Đức. Tại đây, mô hình đối xứng trong nghệ thuật kiên trúc cổ điển phương Đông bị phá vỡ. Mỗi công trình đều mang một đường nét khác nhau về nghệ thuật tạo hình, không hề trùng lặp, hết sức sinh động nhưng vẫn đảm bảo được tính nhất quán, gần gũi của một thực thể thống nhất. Các nhà kiến trúc thời Tự Đức đã khéo léo lợi dụng nguồn nước tự nhiên của một con suối nhỏ để nới rộng, đào sâu và uốn nắn các thế đất, tạo nên hồ Lưu Khiêm và đắp thành đảo Tịnh Khiêm thơ mộng, tạo ra những con đường uốn lượn mềm mại như dải lụa phất phơ trước gió. Tại đây, ta nhận thấy một sự hoà quyện tuyệt vời giữa kiến trúc nhân tao và kiến trúc thiên nhiên."Lăng Tự Đức trở thành một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, gợi cho du khác một hồn êm thơ mộng"(Phan Thuân An).

Nội thất lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn thực sự là những viện bảo tàng vô giá. Nơi đây lưu giữ những kiệt tác của dân tộc về hội hoạ, về trang trí, về gốm, sứ... phản ánh bàn tay tài hoa và bộ óc nghệ thuật tinh tế của các nghệ nhân nước ta qua hai thế kỉ. Đỉnh cao của sự xa hoa và hoành tránh trong trang trí nội thất lăng tẩm phải kể đến lăng Khải Định, vị vua được biết đến do tính cách thích trưng diện, do tác phẩm "Con rồng tre" nhiều hơn là do tài năng cai trị đất nước. Theo một số tư liệu còn lưu giữ được đến nay thì để có tiền xây lăng cho mình, nhà vua đã quyết định tăng thuế trên toàn quốc lên thêm 30%. Một con số cho thấy tính xa hoa đến kì lạ của con người đứng đầu đất nước này. Trên các bức tường trong cung Thiên Định, công trình kiến trúc chủ yếu của lăng, các nghệ nhân đầu thế kỉ hai mươi đã dùng hàng vạn mẩu sành, sứ, thuỷ tinh đủ màu sặc sỡ để đắp nổi thành hàng ngàn hình ảnh, hoạ tiết sống đông, vui mắt, và hết sức tinh xảo. Đặc biệt trên nóc trần của cung Thiên Định, còn lưu lại bức hoạ long vân độc đáo với diện tích hàng chục mét vuông, do cụ Phan Văn Tánh, một nghệ nhân nổi tiếng trong " Nê ngoã tượng cuộc" ở Huế thời đó tạo thành bằng cả... chân và tay.

Bức hoạ dùng màu xanh sẫm vẽ lên nền chất liệu ximăng trông như làm từ cẩm thạch, đến nay vẫn được coi là bức hoạ hoành tráng có giá trị mĩ thuật cao nhất của nền hội hoạ nước nhà.

Xuất phát từ quan điểm "sống gửi thác về" của con người thời bấy giờ, mà theo đó, cuộc sống dù có dài đến trăm năm thì cũng sẽ qua đi như một giấc mộng, chết không phải là hết, mà chết tức là bước vào một cuộc sống vĩnh hằng. Quan điểm này ta có thể tìm thấy ở hai câu thơ trong bài "Ngẫm sự đời" của Tự Đức, vị vua thứ tư và cũng đồng thời là vị vua thi sĩ bậc nhất trong các vua triều Nguyễn.

Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê
Sống gửi rồi ra thác lại về

Thế nên, các ông vua triều Nguyễn đều có ý định xây lăng cho mình ngay từ lúc còn sống. Nhà vua chính là người phê duyệt việc chọn đất, tự lựa chọn kiến trúc và cũng là người trực tiếp đôn đốc việc thi công lăng tẩm cho mình. Điều đó lý giải tại sao, sau này, khi nhìn vào toàn bộ quy hoạch, kiến trúc và nội thất của lăng, ta như thấy thấp thoáng tính cảch, phẩm chất của từng ông vua trong đó. Lăng Gia Long hoành tráng, uy nghiêm mà thanh thản như cuộc đời một võ tướng đã công thành, danh toại. Lăng Minh Mạng chặt chẽ, hệ thống và đường bệ. Lăng Tự Đức phóng khoáng, hữu tình phản ánh tâm hồn lãng mạn của một ông vua thi sĩ. Lăng Khải Định xa hoa tráng lệ mà thô cứng...

Cũng chính xuất phát từ quan niệm về sự sống, cái chết rất phóng khoáng, nhẹ nhàng ấy mà đến với lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn, ta không hề nhận thấy cảm giác ảm đạm, tang tóc. Trái lại, du khách như đặt chân đến chốn bồng lai tiên cảnh, để hồn khơi lên những cảm xúc lâng lâng, nhẹ nhõm. Làm cho cái tang tóc biết cười, e rằng chỉ đây mới có...



 
Sự phân tranh Trịnh - Nguyễn
Sự phân tranh Trịnh - Nguyễn
Username: Trinity

Đây là những nguyên nhân sâu xa và quá trình phân tranh Trịnh - Nguyễn, một giai đoạn lịch sử thể hiện rõ tính phong kiến trong các triều đại Việt Nam.
Duy về cái sự Trịnh - Nguyễn thì tôi xin phép bàn thêm và mở rộng ngọn nguồn nó ra một tí.
Chắc các bạn vẫn còn nhớ chuyện triều Lê Sơ sau thời vua Lê Thánh Tông thì dần dà suy yếu dẫn đến nội loạn, đến Lê Cung Hoàng (Lê Xuân) thì mất nuớc vào tay Mạc Ðăng Dung. Dung là nguời khôn ngoan, mưu luợc, giữ tới chức Thái phó, từng buớc đoạt quyền bính để thoán ngôi. Năm 1527, sau khi bức tử Lê Cung Hoàng khi ấy mới 21 tuổi, Dung lập ra triều Mạc.
Triều Mạc thực ra cũng chẳng đến nỗi nào. Tương đối thịnh trị! Mạc Ðăng Dung theo lối nhà Trần, sớm thoái vị để nhuờng ngôi cho con là Mạc Ðăng Doanh, còn mình làm Thái thuợng hoàng nhưng vẫn quán xuyến những công việc trọng đại của quốc gia. Cứ 3 năm mở một kỳ thi hội và thi đình. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm -Trạng Trình của chúng ta đã đỗ Trạng Nguyên và rất đuợc vị nể duới triều Mạc. Ân tình ấy, Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này có lẽ đã báo đáp bằng cách mách nuớc cho Mạc Hậu Hợp “Cao Bằng tuy tiểu, khả dung sổ thế” (Cao Bằng nhỏ nhưng cũng nương thân được vài đời).
Ðến thời Mạc Ðăng Doanh, ở khu vực rừng núi hiểm trở Thanh Hóa giáp biên giới Việt Lào, một lực luợng mới đang ầm thầm nổi lên mà sau này sẽ kết liễu họ Mạc. Nguyễn Kim, cựu thần trung thành của nhà Lê, tích cực mộ quân, quy tụ anh hào các nơi dể khởi phục tiên triều. Ðến năm 1533 thì Kim lập Lê Duy Ninh, hạt giống còn rơi rớt của nhà Lê lên ngôi, Ninh lấy hiệu Lê Trang Tông, mở đầu thời kỳ Lê Trung Hưng (các bạn còn nhớ chuyện Chúa Chổm không?) Nguyễn Kim có nguời con rể tên là Trịnh Kiểm và con trai tên là Nguyễn Hoàng.
Lực luợng nhà Lê Trung Hung ngày càng lớn mạnh. Năm 1543 Nguyễn Kim chiếm Tây Ðô (Thanh Hóa), cho đóng đô ở đấy, hình thành nên cục diện Nam-Bắc triều. Cung mở khoa thi đàng hoàng như ai, năm 1554 khoa thi đầu tiên tuyển mộ đuợc khá nhiều nhân tài phò tá. Nhiều văn nhân võ tướng trong thiên hạ bỏ Mạc mà phù Lê. Năm 1545, Nguyễn Kim không may bị hàng tuớng của nhà Mạc đánh thuốc độc chết, con rể Trịnh Kiểm lên nắm quyền, bắt đầu thời kỳ “vua Lê-chúa Trịnh”. Năm 1577 Mạc Kính Ðiển đem quân tiễu phạt, không ngờ thua to phải nhảy xuống sông mới thoát. Trịnh Kiểm lại khôn khéo cho quân băng rừng vuợt núi, vòng ra sau lưng Kinh thành mà đánh vào hậu phương nhà Mạc như Tuyên Quang, Sơn Tây,…, tạo thành thế gọng kìm. Mạc ngày càng lụn bại, thêm nỗi đến đời vua Mạc Hậu Hợp thì ông này sa vào gái gú, ruợu chè suốt ngày nên lòng nguời chán nản. Ðến 1592, thuỷ quân Lê Trung Hung đánh tổng lực vào Hải Dương, áp sát Kinh thành, truy đuổi bắt giết gần hết tôn thất nhà Mạc. Những nguời sống sót chạy lên Cao Bằng. Nhà Mạc-Cao Bằng còn kéo đuợc thêm 5 đời nữa, đến 1677 (đời vua Mạc Kính Vu) mới chịu dứt bóng. Tuởng từ nay sẽ chỉ còn một nhà Lê, song đất nuớc ta vẫn chua hết cảnh phân tranh…
Sau khi lên nắm quyền, Trịnh Kiểm bắt đầu ngấm ngầm hãm hại con cháu Nguyễn Kim để độc tôn quyền lực. Nguyễn Ương, con truởng Nguyễn Kim là nạn nhân đầu tiên. Truớc tình cảnh ấy, để tìm cách thoát thân, năm 1558, Nguyễn Hoàng mới vận động chị mình là Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho Hoàng vào trấn thủ vùng Thuận Hóa, khi ấy còn là miền viễn biên hoang dã, rừng rú. Kiểm vờ nghe vợ nhưng ý thực là nghi Nguyễn Hoàng sẽ gục truớc vô vàn gian khổ, giặc giã trong ấy. Lệnh ban ra, cơ hội sống sót đã mở rộng truớc mắt, dù đang giữa ngày đông tháng giá, Nguyễn Hoàng tức khắc lên thuyền vuợt biển vào Nam. Cùng đi là khá nhiều thân thích, họ mạc (chủ yếu có gốc ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa) cùng rất nhiều quân thần trung thành với triều Lê, ước lên đến nghìn người. Ðến Quảng Trị, Nguyễn Hoàng cho đóng thuyền vào cảng Cửa Việt, lập dinh thự ở Ái Tử thuộc huyện Ðang Xương, Quảng Trị. Tiếc là không có cái đài kỷ niệm nào ở nơi này, bởi Ái Tử đã ghi dấu một cột mốc rất lớn trong hành trình Nam tiến của dân tộc Việt.
Thế kỷ XVII đáng phải đuợc coi là một trong những thế kỷ đặc sắc nhất trong lịch sử dân tộc. Ðặc sắc, bởi cha ông chúng ta - những nguời có khi suốt đời không ra khỏi luỹ tre làng, lên đến huyện có khi đã coi là sự kiện lớn trong đời, đứng truớc biển nhưng chua bao giờ có nổi đội thuyền vuợt biển xa... - mà nay lại ở trong vai trò của những nhà thám hiểm (bất đắc dĩ), đi vào một vùng đất lạ đầy bất trắc và hiểm nguy.
Có ba vấn đề sống chết đối với Nguyễn Hoàng lúc này là khẩn trương xây dựng lực luợng quân sự, thu hút thêm càng nhiều càng tốt dân định cư và mở rộng lãnh thổ. Có thể nói ông cũng như một vài đời chúa Nguyễn về sau đã giải quyết cả ba vấn đề này một cách xuất sắc.
Không có quân đội vững mạnh thì Nguyễn Hoàng không thể đối phó với Trịnh Kiểm cũng như những sắc dân Chămpa địa phương đang tức giận vì bị mất đất. Về mặt số luợng quân, rõ là Ðàng Trong không thể ganh đua với Ðàng Ngoài có dân số vuợt trội. Vậy là chỉ còn một con đường xây dựng lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến và phải chuyên nghiệp, tận dụng những khí tài quân sự hiện đại và hữu hiệu nhất để gia tăng thương vong cho phía đối phương. Cho nên không có gì lạ khi các chúa Nguyễn rất chú trọng vào pháo binh và tượng cơ.
Tôi đọc được một số tài liệu cho biết khoảng giữa thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã có trong tay hơn 200 trọng pháo, chủ yếu là nhờ các thương gia và giáo sĩ Tây phương mua về từ Macao. Nửa sau thế kỷ XVIII, số trọng pháo đã lên tới 1200 khẩu, áp đảo hỏa lực của Ðàng Ngoài. Lính Ðàng Trong cũng nổi tiếng là những tay súng thiện xạ, bách phát bách trúng. Tượng cơ thì vô tư bởi voi ở Ðàng Trong rất sẵn. Báo cáo của một thương gia Hà Lan nói là năm 1642, đội tượng cơ của chúa Nguyễn đã có khoảng 600 thớt voi.
Pháo binh và voi rất phát huy tác dụng khi giao chiến trên địa hình tương đối bằng phẳng. Với hai bửu bối này, lực luợng quân sự Ðàng Trong đã đẩy lùi những đợt tấn công của quân Trịnh có quân số gấp đôi, thậm chí gấp bốn.
Nói thêm với các bạn một chút về chế độ binh dịch của Ðàng Trong. Tất cả thanh niên trai tráng từ 16 tuổi trở lên đã có nghĩa vụ tòng quân, đến 60 tuổi mới được về nhà (chẳng biết còn sống đuợc mà về không?). Khác với chúa Trịnh gọi dân là “bách tính” (trăm họ), chúa Nguyễn gọi dân là “quân dân”. Bởi quân với dân thì cũng gần như là một. Tuy vậy, để đảm bảo dân số vẫn sinh sôi đều đặn, chúa cho phép binh lính mang vợ vào ở cùng doanh trại…
Có thể các bạn sẽ thắc mắc rằng các chúa Nguyễn lấy đâu ra tiền để trong một thời gian ngắn xây dựng một lực luợng quân sự tinh nhuệ như thế? Phi thương bất phú. Chủ yếu là nhờ thương nghiệp cả thôi. Nhờ mở rộng cửa buôn bán với nuớc ngoài, quan hệ tốt với thương nhân và giáo sĩ Tây phương, Nhật Bản, Trung Hoa…, chưa kể Ðàng Trong khi ấy lại đóng cả vai trò điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực, nên những khoản thuế vào túi chúa Nguyễn thật nhiều không tả xiết (chuyện này trong chủ đề “Ðã có truyền thống trọng tín nghĩa?” bác cuoihaymeu và tôi cũng có đề cập đến).
Thu hút dân đến định cư cũng nằm trong chiến luợc tạo nguồn nuôi và bổ sung quân đội, đồng thời tạo sức ép lấn thêm đất của Chămpa và các tộc nguời thiểu số khác. Chúa Nguyễn có những chính sách rất cởi mở dành cho dân tứ xứ, trong dó có một bộ phận lớn Hoa kiều “phục Minh phản Thanh” (như Mạc Cửu) đến khai hoang. Dân khai hoang được sở hữu đất của họ. Không phải đóng thuế trong ba năm đầu tiên, thậm chí một số vùng được miễn thuế hoàn toàn. Ngoài ra, nạn đói và giặc giã khủng khiếp ở Ðàng Ngoài thời Nam-Bắc triều cung góp phần thúc đẩy một bộ phận lớn nông dân (đặc biệt ở hai tỉnh Thanh, Nghệ) rời bỏ quê hương chạy vào Ðàng Trong. Ðàng Trong khi ấy có sức quyến rũ như một miền đất hứa, nơi nguời nông dân không phải è cổ gánh sưu cao thuế nặng (nhất là thời kỳ đầu), nơi họ đuợc tự do khai khẩn và canh tác trên những thửa ruộng thẳng cánh cò bay…
Về chính sách mở rộng lãnh thổ, phải nói chúa Nguyễn đã gặp đuợc cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Thiên thời vì khi ấy Chămpa đã rệu rã lắm, hơn nữa Chămpa không phải là một khối thống nhất mà là liên minh của nhiều bộ tộc, dễ bị “chia dể trị”. Nguời Chămpa còn chủ động dời thủ phủ của họ lùi dần về phía Nam, ảnh huởng và quyền lực của chính quyền trung ương lên vùng giáp ranh vì thế mà cũng nhạt đi. Ðịa lợi vì địa hình suốt một dải miền Trung không nối liền mà bị cắt khúc bởi các con sông đâm ra biển, thuận cho chiến thuật “cắt từng miếng bánh”. Nhân hòa vì bản tính mềm mỏng, khôn khéo và dễ thích ứng của dân Việt ta. Cho nên suốt mấy thế kỷ “mở rộng cương vực”, không xảy ra đánh nhau lớn giữa dân bản địa và dân di cư, kể cũng là một điều thần kỳ.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì cách đây chưa lâu, cô bé Roses xinh đẹp của chúng ta có thắc mắc tại sao chuyện Nam tiến và các chúa Nguyễn ít được nhắc đến và đề cao trong chính sử. Roses đã thắc mắc đúng. Nguyên nhân thì các bác đã nêu ra nhiều, nhưng tôi cũng mạn phép đưa ra thêm một lý giải nữa.
Trong tâm thức của nguời Việt (đặc biệt là nguời Bắc), có hai diều thiêng liêng và rất nhạy cảm. Thứ nhất là truyền thống chống ngoại xâm và đi kèm với nó đôi khi là tình cảm thù ghét ngoại bang. Thứ nữa là ý thức coi trọng sự đoàn kết và thống nhất, mà cụ thể với nguời nông dân là đoàn kết và thống nhất trong họ mạc và làng xóm.
Thế mà hành trình Nam tiến đã phá vỡ mối liên kết cộng đồng trong làng xóm và tai hại thay, gắn liền với cục diện phân chia đất nuớc. Nguyễn Ánh, hậu duệ các chúa Nguyễn, thì liên kết với ngoại bang để giành lại quyền lực, liên kết hết với quân Xiêm lại đến quân Pháp.
Phạm vào hai điều thiêng ấy nên không tránh khỏi khuynh hướng coi nhẹ lịch sử Ðàng Trong trong chính sử…
Xin được tạm dừng ở dây. Lần sau tôi sẽ xin tiếp tục hầu chuyện các bác về sự hòa nhập văn hóa của nguời Việt ta ở Ðàng Trong.

Hai nhân vật quan trọng nhất của nhà Nguyễn, chúa Nguyễn Hoàng và Hoàng đế Nguyễn Ánh:
- Nguyễn Hoàng là con thứ của Nguyễn Kim (người có công đánh Mạc phục hưng nhà Lê, chính thức mở ra đời Lê Trung Hưng. Nguyễn Kim sau được con cháu truy tôn là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế).
Nguyễn Hoàng sinh năm 1525 (tháng 8 năm Ất Dậu).
Vào trấn thủ Thuận Hoá năm 1558 (tháng 10, Mậu Ngọ), 12 năm sau (1570) chính thức cai quản toàn bộ vùng phía Nam (trước đó ngoài Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hoá còn có trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Bá Quýnh).
Năm 1593 (Quý Tỵ) được phong làm Thái Uý, Đoan Quốc Công. Trong thời gian ở ngôi, Nguyễn Hoàng chỉ một lần đánh lớn với Chiêm Thành (lúc này đã tan rã thành các tiểu quốc), trận đánh xảy ra vào năm 1611 (Tân Hợi), biên cương được mở rộng đến Phú Yên ngày nay.
Ông ở ngôi chúa 55 năm, được dân sùng bái gọi là chúa Tiên. Mất tháng 6 năm Quý Sửu (1613) thọ 88 tuổi. Sau được con cháu truy tôn làm Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế.
Trừ hai cha con Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, còn lại tất cả các vua chúa Nguyễn đều mang đệm là Phúc.
Có hai điều thú vị liên quan đến Nguyễn Hoàng mà nay trở thành 1 nét văn hoá phổ biến của người miền Nam. Thứ nhất là chữ Hoàng phải kiêng đi mà gọi chệch thành Huỳnh trong mọi trường hợp giao tiếp, dù văn bản hay ngôn bản. Thứ hai là vì Nguyễn Hoàng là con thứ nên người miền trong gọi con cả của mình là Hai (anh Hai) chứ ko gọi là nhất hay một, con thứ gọi là anh Ba,...
Hiện nay Nguyễn Hoàng chưa được coi là danh nhân thì phải. Ở Huế nay có một bến xe nhỏ nằm ngay dưới chân Kinh thành Huế mang tên Nguyễn Hoàng. Tôi ko rõ liệu có đại lộ hay một công viên, quảng trường nào trên đất nước Việt Nam này mang tên ông chưa, nhưng ai mà chẳng biết một câu nói nổi tiếng của nhà thơ người Đa-ghet-xtan A-bu-la-tip: "Nếu ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào ta bằng đại bác". Các bác nhỉ.
- Nguyễn Ánh (Nguyễn Thế Tổ) họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Chủng, tự là Phúc Ánh, sinh ngày 15-1-Nhâm Ngọ (1762).
Ông là con thứ 3 của Nguyễn Phúc Luân (tức Nguyễn Phúc Kỳ), cháu của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Nguyễn Phúc Luân bị Trương Phúc Loan hại chết vào năm 1765, 4 anh em của Nguyễn Ánh cũng mất sớm, cả nhà chỉ còn duy nhất Nguyễn Ánh.
Năm 1774, quân Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, Nguyễn Ánh theo chú ruột là chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định. Năm 1777, Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn đánh đuổi ở Gia Định, trên đường rút lui bị Tây Sơn giết.
Năm 1780, Nguyễn Ánh chính thức lên ngôi vương (chứ ko lên ngôi chúa), quy tụ lực lượng chống Tây Sơn.
Nguyễn Ánh lần lượt đánh bại các lực lượng Tây Sơn, năm 1802 (ngày 2-5, Nhâm Tuất) Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long.
Ông ở ngôi 17 năm, mất ngày 19-5-Kỷ Mão (1819) thọ 57 tuổi.
Nguyễn Ánh rất được dân miền Trong sùng bái, cũng như triệu tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Hoàng vậy. Chính vì được nhân dân che chở nên Nguyễn Ánh nhiều lần thoát khỏi tay Tây Sơn chỉ trong gang tấc. Và cũng rất nhiều lần Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ đánh cho tơi bời đến nỗi chỉ còn một mình một ngựa chạy tháo thân, nhưng ngay sau khi Nguyễn Huệ rút về thì chẳng bao lâu Nguyễn Ánh lại mộ đủ lực lượng tiếp tục chiến đấu chống Tây Sơn. Cho nên nhiều người đã nói Trời giúp Nguyễn Ánh làm vua. Vở tuồng cổ nổi tiếng Gia Long phục nghiệp cũng có đoạn nói về Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đuổi gấp đến nỗi cưỡi ngựa lao cả xuống sông bỏ chạy, lao ra đến giữa dòng thì bỗng có cá thần xuất hiện đưa sang sông giúp.
So với nhà Trịnh thì nhà Nguyễn sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt hơn. Cuộc đấu tranh sinh tồn đã khiến các đời chúa Nguyễn ra sức chăn dân mở nước thay vì ăn chơi hưởng lạc, cho nên những thế kỷ chúa Nguyễn trị vì ở đàng Trong là một giai đoạn khá thịnh trị. Ngoài việc mở rộng lãnh thổ, các chúa Nguyễn đã có công thúc đẩy sự phát triển của thương nghiệp, tức là mở cánh cửa cho một phương thức sản xuất mới mẻ và tiến bộ vào VN.
4 đời vua đầu (1802-1884), triều Nguyễn là một vương triều hùng mạnh vào hàng bậc nhất trong lịch sử phong kiến, sau đó là một giai đoạn gần 200 năm làm bù nhìn yếu ớt.
Nói chung dưới triều Nguyễn lần đầu tiên cả nước thống nhất dưới một chính quyền, bao trùm cả lãnh thổ 2 đàng. Quốc hiệu Việt Nam cũng chính thức được dùng vào thời này. 1802 Nguyễn Ánh đặt tên nước là Nam Việt, 1804, nhà Thanh đổi lại thành Việt Nam và tên này chính thức dùng từ đó. Đến Minh Mạng lại đổi thành Đại Nam, nhưng cuối cùng thì 2 từ Việt Nam vẫn thông dụng hơn cả. (Đấy là nói về sử dụng quốc hiệu chính thức thôi, còn tên VN có từ bao giờ thì cho đến nay còn chưa tranh cãi xong thì phải).
Lãnh thổ, năm 1848 Tự Đức trả lại Chân Lạp 5 châu mà năm 1757 vua Chân Lạp là Nặc Tôn đã cắt tặng cho Mạc Thiên Tứ (Tướng của chúa Nguyễn đã giúp Nặc Tôn lên ngôi), phần đất này nằm ở cực nam Campuchia, giáp mấy tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bản đồ nước ta ngày nay định hình từ năm 1848.


 
Hồ Quý Ly và nhà nước Đại Ngu
Hồ Quý Ly và nhà nước Đại Ngu
Username: Trinity


Hồ Quý Ly, đánh giá con người này như thế nào, đó có phải là một người sinh nhầm thời? Điều đó đã gây ra bao cuộc tranh cãi đến tận ngày nay. Dưới đây là quan điểm của Trinity về những cải cách của họ Hồ.

Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế

Quảng Hàn cung lý nhất chi mai

Đôi câu đối tuyệt hay này, tương truyền là cuộc xướng tác bất ngờ giữa vua Trần Minh Tông và chàng trai trẻ Hồ Quý Ly, năm ấy còn là một chức quan nhỏ vô danh. Cành mai trong cung Quảng Hàn để đem đối lại ngàn cây quế, với Quý Ly không phải ai khác ngoài ái nữ của vua, công chúa Huy Ninh. Mối tình vô vọng, vì luật nội hôn Trần triều cấm ngặt con gái tôn thất thành thân với ngoại tộc. Sao đổi ngôi, đò sang sông, sự đời biến thái không ngừng, hoa muộn cuối cùng cũng kết nhụy khi mái đầu sắp bạc.

Đường sự nghiệp của họ Hồ không quá gian truân như đường tình duyên, nhưng cả hai đều có kết cục buồn. Cành mai nhỏ sớm tàn để lại cho Quý Ly đứa con trai Hồ Hán Thương. Những biện pháp cải cách đảo lộn nhân tâm góp phần đưa Quý Ly lên ngôi cao nhưng chúng cũng góp phần làm ông mất nước. Ông kết thúc cuộc đời trong vai trò một người lính thú già miền viễn biên Trung Quốc, song có sách chép: "Ông và Hồ Hán Thương bị Minh Thành Tổ ra lệnh hành hình ngay trong tháng 10 năm 1407". Đoạn kết như thế có khi lại hay hơn.

Có nhiều nhân vật lịch sử không dễ dàng bình công tội, họ như những khối đa giác góc cạnh mà sự đánh giá còn tùy thuộc vào phía nhìn của người đời. Hậu thế sẽ còn dai dẳng tranh luận về Hồ Quý Ly: đại gian thần hại nước hay bậc thức giả thời loạn không chịu câu thúc trong vòng ngu trung để giúp đời, thực tâm chấn hưng xã tắc hay không từ thủ đoạn nào để ngoi lên đỉnh quyền lực...

Điều tai hại là những cải cách của họ Hồ có thể được đời sau diễn giải và hiểu theo nhiều nghĩa. Không sai, nếu bảo chúng thực chất có lợi cho một đất nước đang kiệt quệ cả vật chất lẫn niềm tin. Nhưng không phải không có lý nếu nói đó là phương thức để thâu tóm quyền lực cá nhân và triệt hạ đối thủ. Những biện pháp được tính toán khôn khéo để một mũi tên đi trúng nhiều đích.

Lấy ví dụ về chính sách hạn điền (ban hành năm 1397) và liền sau đó là giải phóng gia nô. Một mặt, nó là cú đánh chí mạng vào thế lực và ảnh hưởng lâu đời của quý tộc họ Trần - lực lượng có quyền lợi gắn bó trực tiếp với sự tồn vong của vương triều. Ruộng đất bao la của tôn thất nay được khoanh lại ở con số 10 mẫu tối đa, trừ Đại vương và Trưởng Công chúa. Ruộng thừa biến thành ruộng công. Số gia nô nhiều không đếm xuể trước kia giờ phải giới hạn tùy theo phẩm trật. Việc này càng có ý nghĩa trong hoàn cảnh một phần đáng kể sức mạnh quân sự quý tộc họ Trần là các đội gia binh tuyển từ gia nô trong nhà. Mặt khác, số ruộng công chẩn cấp cho dân nghèo có giá trị như một phương thuốc hạ hỏa đúng lúc, khi cùng đinh lang thang, nạn dân lưu tán và nô lệ bỏ trốn tụ tập làm loạn trong xã hội đã vượt quá mức báo động. Cuộc khởi nghĩa của nhà sư Phạm Sư Ôn là sự bùng phát mạnh mẽ nhất. Trước khi bị dập tắt năm 1390, đạo quân ô hợp của vị “yêu tăng” Sư Ôn từng chiếm cứ Thăng Long tới 3 ngày.

Chính sách tiền giấy cũng có thể coi là một ví dụ minh họa cho tính hai mặt của cải cách. Khi cuộc chiến dai dẳng với Chiêm Thành kết thúc bằng cái chết bất ngờ của Chiêm vương Chế Bồng Nga năm 1390, nước Đại Việt đã loạng choạng như người lâm bạo bệnh. Hùng khí quân dân từ thuở đánh Nguyên đã suy sụp từ sau trận thua Chiêm đau đớn tại thành Đồ Bàn (1377), ngốn phần lớn 12 vạn binh tướng, vua Duệ Tôn tử trận. Mất mùa, nội loạn, giặc Chiêm liên tục cướp phá, sự phình to và kê biên nhập nhằng của ruộng đất tôn thất khiến kho đụn nhà nước chóng cạn kiệt. Sự ra đời của thuế thân thời kỳ này (đánh thuế 3 quan tiền mỗi suất đinh bất kể sống chết) là một sự bất đắc dĩ tuyệt vọng. Ban hành và cưỡng bức dùng tiền giấy trong những năm phục hồi sau chiến tranh, vì thế có thể xem là một giải pháp mang tính tình thế ngắn hạn hơn là một cải cách có ý nghĩa lâu dài của Hồ Quý Ly. Cùng một lúc, nó giải quyết nạn khan hiếm tiền tệ và đồng thời thu hút tài nguyên về quốc khố (thông qua việc cưỡng bức đổi tiền: một quan tiền đồng ăn một quan hai tiền giấy). Trớ trêu là do biện pháp thi hành cứng nhắc của chính quyền, chất lượng giấy của tiền, sự mai một niềm tin vào triều đình, nạn làm tiền giả hoành hành và tập quán tiêu tiền đồng bao đời của dân đã chất thêm vào “tội trạng” của Quý Ly nhiều lời ta oán. Một giải pháp thông minh nhưng không hợp thời.

Bi kịch của Hồ Quý Ly là dạng bi kịch của nhà kỹ trị. Ông quá chú tâm mục đích mà thiếu đi sự ôn nhu rất cần thiết trong thực hiện. Trước một đất nước tan hoang như con bệnh nặng, ông mạnh tay dùng phương thuốc đắng. Bạo y trị bạo bệnh! Nhưng kỷ cương khắc nghiệt của Nho giáo đâu dễ ngày một ngày hai đem áp dụng với đám dân đã quen với sự khoan thai của nhà Phật. Những lợi ích cải cách, nếu có, không át nổi nhân tâm xao động vì Quý Ly bức hại vua tôi nhà Trần. Lòng người chưa nguôi lưu luyến những võ công hiển hách của vương triều này. Bài học dân vận xương máu từ các triều đại trước đã không được Quý Ly vận dụng triệt để.

Chỉ tiếc một điều là thời gian! Năm xưa Trần Thủ Độ dấy nghiệp nhà Trần, đánh Đoàn Thương, Nguyễn Nộn, chôn sống một mẻ 370 tôn thất nhà Lý, giết vua Huệ Tông,... bắt họ Lý trong nước đổi hết ra họ Nguyễn để lòng dân tuyệt đường thương nhớ vua cũ, so về mức độ tàn ác và gây thất nhân tâm thì chưa chắc Quý Ly đã sánh bằng. Nhưng Trần triều có tới hơn 30 năm để củng cố sức mạnh và thu phục lòng dân - một thứ vốn dĩ rất tương đối - trước khi Mông Cổ kéo sang. Hồ Quý Ly sau khi chính thức dứt nghiệp nhà Trần suy vi thì chỉ còn 7 năm trước khi chống Minh, một khoảng thời gian đủ dài để xây thành trì mộ quân lương nhưng quá ngắn ngủi để đoàn kết nhân tâm. Rốt cục, vận đúng vào câu nói của Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo!”.

- Như nhiều anh hùng nước Nam khác, Quý Ly có họ xa bên phương Bắc. Ông tổ của Quý Ly là Hồ Hưng Dật, người tỉnh Chiết Giang, sang đất Việt làm Thái thú Diễn Châu thời Trung Quốc có loạn Ngũ Quý (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) đầu thế kỷ thứ X. Họ Hồ bám rễ sinh sôi ở đất Diễn Châu (nay là Nghệ An) đến đời cháu thứ 12 của Hưng Dật là Hồ Liêm thì dời ra Thanh Hóa. Liêm làm con nuôi của quan tuyên úy Lê Huấn nên cải họ Lê. Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Huấn, là con quan Kinh lược sứ Lê Quốc Kỳ, sau này lên ngôi mới lấy lại họ cũ.

- Quốc hiệu Đại Ngu gây nhiều thắc mắc và dị ứng cũng liên quan đến gốc gác của họ Hồ. Tương truyền, Ngu Yên có con là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương nhà Chu phong ở đất Trần, thường gọi là Hồ Công. Sau Mãn lấy luôn làm họ, đổi thành Hồ Công Mãn. Quý Ly cho mình thuộc dòng dõi Hồ Công Mãn, nên đặt quốc hiệu Đại Ngu, hàm ý mình là con cháu dòng Ngu Thuấn.


 
Tản mạn về quá trình mở mang bờ cõi đất nước Việt Nam qua các thời kỳ
Tản mạn về quá trình mở mang bờ cõi đất nước Việt Nam qua các thời kỳ
Username: ctdphuc


Tranh giành quyền lực luôn đi đôi với xâm chiếm và cát cứ đất đai, đó là đặc điểm chung của thời kỳ phong kiến ở bất cứ nước nào. Để có được một cơ đồ như ngày hôm nay, cha ông ta đã trải qua biết bao gian nan đi chinh phục các miền đất. Quá trình đó diễn ra như thế nào? Mời các bạn theo dõi.

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

A. Vài lời nhận xét:

Tử thuở xưa, các dân tộc Việt chưa có một vùng lãnh thổ xác định, đất nước tồn tại chủ yếu dưới hình thức các bộ lạc. Tiếp sau đó lại rơi vào cảnh bị các triều đại Trung Quốc nhòm ngó, thôn tính, xen lẫn với các cuộc đấu tranh, khởi nghĩa. Đất nước vì thế cứ hết bị sáp nhập lại tách ra... nên chưa thể gọi là có một vùng lãnh thổ xác định rõ ràng. Vậy ta sẽ lấy mốc là thời kỳ đất nước đã bước vào thời đại tự chủ, tức là từ nhà Ngô (938) để xem xét quá trình "mang gươm đi mở cõi" của cha ông ta ngày xưa.

Thực ra cũng chưa có một tài liệu lịch sử nào xác định rõ ràng cương giới của Việt Nam trong và sau thời kỳ Bắc thuộc (những năm đầu) (hoặc có mà tôi ko biết!). Tuy nhiên, dựa vào một số mốc ta có thể tạm suy đoán như sau (hì hì, "suy luận" và "đánh giá" cũng là một trong những cách học sử, phải không các bác nhể?): Trong Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) có nói rằng năm Kỷ Mão (678) Đường Cao Tông bên Trung Quốc đã "quy hoạch" lại Việt Nam thành 12 châu, 59 huyện. Trong đó có các châu Giao Châu (Hà Nội, Nam Định), Lục Châu (Quảng Yên, Lạng Sơn), Ái Châu (Thanh Hoá), Hoan Châu (Nghệ An),....

Như vậy, có thể nói rằng trong những năm (cuối) của thời kỳ Bắc thuộc đến các triều đại sau của Việt Nam, biên cương lãnh thổ nước ta đã được định hình một cách tương đối, kéo dài từ vùng rừng núi phía Bắc (Lạng Sơn) đến Bắc Trung Bộ (Nghệ An).

Đất nước từ thời còn manh mún, rời rạc cho đến lúc ấy đã có sự phát triển đáng kể. Tuy nhiên, sự mở rộng lãnh thổ trong thời kỳ đó còn mang tính tự phát (di dân..) hoặc do ý muốn của các quan Tàu muốn sáp nhập các vùng lại để cai trị cho "gọn" hơn. Ý thức mở mang bờ cõi (một cách chủ động) trong thời kỳ này hầu như chưa xuất hiện. Phải bắt đầu bước vào thời đại tự chủ sau hơn một ngàn năm đằng đẵng đau khổ dưới ách ngoại xâm, công cuộc mở mang bờ cõi mới đuợc chú ý thực sự. Cha ông ta đã có ý thức tự lực tự cường rất cao. Một mặt lo quan sát, đề phòng Bắc phương, mặt khác không ngừng ra sức mở mang bờ cõi để đất nước ngày một giàu mạnh, ít lệ thuộc vào ông hàng xóm khổng lồ kia.

Cũng xin nói rằng quá trình mở rộng bờ cõi của đất nước trong tất cả các thời kỳ đều chỉ gói gọn trong hai chữ: Nam tiến. Có thể các bạn sẽ thắc mắc hỏi rằng tại sao chúng ta không phát triển một cách "đồng đều" cho đất nước nó vuông vuông một tí, khôn phải "dẹt " như hình dáng ngày nay. Xin thưa rằng không phải cha ông ta không muốn nhưng do hoàn cảnh "khách quan" mà điều đó không thể thực hiện được. Phía Đông ta giáp biển, dĩ nhiên là không thể "mở" gì được cả. Phía Bắc thì lại "đụng" anh Trung Quốc, lo thủ chưa xong làm gì mà dám lấn tới! (Coi trong Lịch sử Việt Nam chỉ có vua Quang Trung Nguyễn Huệ là dám có tư tưởng Bắc tiến táo bạo, nhưng hỡi ôi, trời chẳng chiều người). Phía Tây thì gặp phải địa hình rừng núi, thung lũng,... đầy hiểm trở, cũng không thể "xơ múi" gì nhiều. Vậy thì chỉ còn lại phía Nam: đất đai bằng phẳng, nhân tình ôn hoà, lại toàn là các nước nhược tiểu (dĩ nhiên là so với Việt Nam) nên cha ông ta cứ thế mà thẳng tiến. Và quá trình Nam tiến liên tục được tiếp nối cho đến khi gặp phải mũi Cà Mau thì (đành) dừng lại.

Nhân đây cũng xin nói thêm về vấn đề "chính nghĩa" của quá trình mở cõi. Một số sử gia có khuynh hướng cho rằng việc mở mang bờ cõi của VN ta là điều "tất yếu" phải xảy ra, bởi lẽ dân số ngày một nhiều mà đất đai thì có hạn. Nhưng nếu "ní nuận" theo kiểu đó thì té ra anh Trung Quốc cũng có lý lẽ để thôn tính nước ta, và thậm chí ngay cả Chiêm Thành cũng có thể làm điều đó nhưng không có đủ thực lực (và thực tế là họ đã "thử" nhưng không được). Theo tôi thì việc xâm chiếm, thôn tính lẫn nhau là lẽ đương nhiên, nhất là trong thời kỳ loạn lạc bấy giờ. Trong LS thế giới đã có biết bao những cuộc sát nhập, phân khai giữa các vùng lãnh thổ, có những cuộc thành công cho đến tận bây giờ, nhưng cũng có những cuộc thôn tính bất thành. Lý lẽ ở đây là mạnh được yếu thua. Dân tộc nào còn giữ được bản sắc văn hoá thì còn có thể khôi phục, còn không sẽ bị đồng hoá và trở thành một bộ phận của nước đi thôn tính. Bởi thế, theo quan điểm của tôi, chúng ta nên cho điều đó là tự nhiên, không cần biện hộ một cách khiên cưỡng làm gì.

Sau đây xin đi vào một số mốc cụ thể của quá trình mở đất của cha ông ta từ thuở xưa cho đến những năm sau này của thời kỳ cận đại (Chẹp, đã định nói phần này "ngăn ngắn" một tí mà té ra lại thành dài thế này, thôi thì các bác chịu khó đọc vậy).



Một số mốc cụ thể trong quá trình Nam tiến, mở rộng bờ cõi của đất nước:

Như đã nói ở trên, khi đất nước bắt đầu bước vào độc lập thì ý chí và hoạt động mở mang lãnh thổ đã được "liên tục phát triển". Lãnh thổ được mở rộng dần theo kiểu "tằm ăn dâu", tuy nhiên vẫn có một số mốc cụ thể để ta xác định các bước của quá trình Nam tiến (sẽ được đề cập sau). Nói ngắn gọn thì quá trình mở nước của cha ông ta chỉ gồm 2 bước:

1. Xâm chiếm và "nuốt dần" nước Chiêm Thành cho đến khi nước này mất hẳn.

2. Xâm chiếm và chiếm của Chân Lạp (Campuchia) một vùng đất rất "đáng kể", trong đó có đồng bằng Sông Cửu Long (vựa lúa lớn nhất nước của VN ngày nay).

Tuy nhiên, các bước trên được tiến hành dần dần, mỗi triều đại góp một chút công, để cuối cùng, đến triều Nguyễn, khi dấu chân của người Việt Nam đã đặt lên mảnh đất địa đầu Cà Mau thì nhiệm vụ cao cả đã được xem như hoàn thành. (Ngoài ra ta cũng đã xâm nhập một tí (gọi nôm na là "chấm mút") lãnh thổ của anh bạn láng giềng "dễ thương" là nước Ai Lao (Lào) nhưng nói chung là không đáng kể.)



B. Giai đoạn đánh chiếm Chiêm Thành:



Dưới thời nhà Đinh:

Như trên đã nói khi nước ta bước vào thời kỳ tự chủ, bắt đầu từ nhà Ngô thì lãnh thổ đã kéo dài từ miền Lạng Sơn phía Bắc đến Nghệ An phía Nam, giáp ranh với Chiêm Thành. Sau đó đất nước không may rơi vào thời kỳ loạn lạc 12 sứ quân, lãnh thổ lại bị chia năm xẻ bảy. Đến năm 968 Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lãnh thổ bao gồm cả miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cho đến Hoành Sơn.

Giai đoạn này, đất nước ta mới thống nhất, quan hệ với Chiêm Thành nói chung là "êm đẹp".



Dưới thời nhà Tiền Lê:

Năm 981, dưới thời Lê Hoàn, nước ta lần đầu tiên đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành, chiếm được Địa Lý Châu (gồm Quảng Ninh, Quảng Bình). Chiêm Thành đã phải dời kinh đô (Yudrapura) từ miền Trà Kiệu vào thành Phật Thệ (Vijaya, tức Bình Định ngày nay). Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt: Chiêm Thành từ trước vẫn là một nước lớn (đối với Việt Nam) nhưng từ sau sự kiện này đã trở thành một "tiểu quốc", chịu thần phục Đại Việt, và có thể nói là đã tạo "tiền đề" cho các cuộc Nam tiến của các triều đại sau này.



Dưới thời nhà (Hậu) Lý:

Sau khi chiếm được Địa Lý Châu, Lê Đại Hành đã trả lại cho Chiêm Thành, nhưng công cuộc Nam tiến thì vẫn được nhà Lý tiếp nối mạnh mẽ.

Năm 1044, vua Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành, giết được vua Chiêm là Sạ Đẩu, chiếm được kinh đô, bắt cả vợ cả và vợ lẽ của Sạ Đẩu (!!!) nhưng sau đó lại rút về.

Năm 1068, vua Lý Thánh Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Nhưng khác với các lần chinh phạt trước (quân ta chỉ lo đánh thắng Chiêm Thành rồi "trưng dụng" của cải, bắt vua Chiêm phải cống nộp chứ không có ý muốn lấy đất), lần này, dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt, quân ta không chỉ chiến thắng vẻ vang mà còn bắt Chiêm Thành phải nộp cống, không chỉ của cải mà còn là ba châu: Địa Lý (nay thuộc Quảng Bình), Ma Linh (Quảng Trị) và Bố Chính (Quảng Bình). (Lý Thường Kiệt là người có cái nhìn chiến lược. Ông đã nhận thấy sự chật hẹp của đồng bằng Bắc Bộ và nhận định rằng muốn phát triển đất nước hùng mạnh, bắt buộc phải mở rộng bờ cõi về phương Nam. Ông là người có công lớn trong việc thu phục lãnh thổ của Chiêm Thành).

Năm 1103, nhân vụ Lý Giác làm phản chạy sang Chiêm Thành, xúi giục vua Chiêm tiến quân đòi lại 3 châu, Chiêm Thành bèn rục rịch kéo quân nhưng đã bị Lý Thường Kiệt đánh cho một trận đại bại, không còn dám "đòi" lại nữa. (Nhân đây cũng xin nói thêm rằng nước ta từ thời ấy, sau nhiều sự kiện "oanh liệt" với Chiêm Thành, đã trở thành một "tiểu đế quốc" ở phương Nam. Các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, Ai Lao,... đều "xưng thần" và hàng năm triều cống rất chu đáo! Tất nhiên, tiểu quốc mà lơ là thì đại quốc phải đem quân sang hỏi tội thôi. (Kể cũng oai ra phết!).



Dưới thời nhà Trần:

Thời nhà Trần có thể được xem là giai đoạn thịnh nhất trong lịch sử nước ta thời phong kiến (giống như nhà Đường được xem là thời kỳ rực rỡ nhất của chế độ phong kiến ở Trung Quốc). Tuy nhiên, đáng tiếc là trong thời kỳ này nước ta phải nhiều phen anh dũng chống ngoại xâm (Mông Cổ) nên công cuộc Nam tiến không "phát huy" được nhiều.

Năm 1306 vua Trần Anh Tông thực hiện một cuộc "đổi giai nhân lấy đất" không tiền khoáng hậu, tạo nên một trong những giai thoại "hấp dẫn" nhất của lịch sử Việt nam. Nhà Trần gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy 2 châu: châu (???) và châu Lý. Đến năm 1037 Việt Nam chính thức tiếp quản 2 châu này: đưa dân vào, thiết lập chính quyền và đổi lại tên thành Thuận Châu và Hoá Châu.

Sau đó nhà Trần trở nên suy yếu dần, các vua đời sau chỉ lo ăn chơi hưởng lạc. Trong các năm 1353 và 1367 dưới thời Trần Dụ Tông nước ta đã hai phen đem quân chinh phạt Chiêm Thành nhưng đều thu lấy thất bại nặng nề, làm ảnh hưởng đến uy tín với các nước lân bang. Lại "không may" cho ta là lúc này Chiêm Thành có một vị vua rất giỏi là Chế Bồng Nga. Nhân lúc nhà Trần ngày càng suy vi, Chế Bồng Nga không những đã đem quân đòi lại các châu bị mất ở các thời vua trước mà còn nhiều lần đem quân đến tận Thăng Long, tàn phá kinh thành, làm vua tôi nhà Trần phải trốn chạy rất vất vả, quả là một hình ảnh không đẹp chút nào.



Dưới thời nhà Hồ:

Tuy Hồ Quý Ly tại vị không được lâu và nói chung trong thời nhà Hồ, nội tình trong nước còn nhiều rối ren, nhưng Hồ Quý Ly cũng đã kịp ghi cho mình một số chiến công trong việc chinh phục lãnh thổ của Chiêm Thành.

Năm 1402 tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn cử binh sang đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm là Ba Địch Lại phải dâng đất Chiêm Động (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) để được yên. Tuy nhiên, nhà Hồ còn "vòi" thêm cả đất Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) nữa rồi di dân vào, đặt nền hành chính của nước ta ở các nơi mới thu phục.

Sau đó nhà Hồ bị sụp đổ. Đất nước lại rơi vào tay Bắc phương. Công cuộc Nam chinh xem như bị đình lại.



Dưới thời nhà Hậu Lê:

Dưới thời nhà Hậu Lê, nước ta đã tiến một bước khá dài trong công cuộc Nam tiến.

Sau những năm đầu lo ổn định tình hình chính trị, kinh tế (và cả lo diệt trừ công thần, bè phái, đấu đá lẫn nhau nữa!), đến thời Lê Thánh Tông, nước ta đã có những cuộc chinh phạt Chiêm Thành mới.

Năm 1470, nhân chuyện Chiêm Thành "khiêu khích" trước, vua Lê Thành Tông thân chinh đem 26 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Quân Chiêm đại bại. Quân ta đánh rốc vào tận kinh đô Đồ Bàn, giết được vua Chiêm. Nhằm làm cho Chiêm Thành yếu đi, Lê Thành Tông thực hiện chính sách "chia để trị" (xem ra không chỉ người Pháp mà cả người Việt ta cũng rành món này!), chia nước Chiêm Thành 3 phần: Chiêm Thành, Hoá Anh và Nam Phan, giao cho các cựu thần của nước Chiêm cũ cai trị. Đồng thời vua "thu hồi" lại các đất Đồ Bàn, Đại Chiêm và Cổ Luỹ, lập ra đạo Quảng Nam để "nhập" vào nước ta. Trận đánh này làm nước Nam lừng danh, khôi phục lại uy tín cũ, các nước lân bang lại tới tấp sang chầu và xưng thần!

Sau chiến công oanh liệt này, Chiêm Thành đã đi vào chỗ suy vi, không còn cơ hội cường thịnh trở lại. Vì vậy, các triều đại sau, tuy không thật mạnh nhưng công cuộc chinh phạt Chiêm Thành vẫn được tiến hành từng bước vững chắc, và cho đến các đời sau này, Chiêm Thành cứ mất dần mất dần cho đến khi bị tiêu diệt hẳn vào đời chúa Nguyễn.



Thời kỳ loạn lạc:

Nhà Lê, sau các triều vua đầu anh minh, đã trở nên suy vi với các vị vua kém tài kém đức, dẫn đến việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi, đẩy đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng triền miên, sự nghiệp Nam tiến một lần nữa lại bị đình lại.



Dưới thời chúa Nguyễn:

Sau khi sự nghiệp "Diệt Mạc phù Lê" thành công thì hai họ Trịnh Nguyễn lại quay sang đấu đá lẫn nhau. Trịnh ở phía Bắc, Nguyễn ở phía Nam. Để khuếch trương lực lượng nhằm "chiến đấu lâu dài" với họ Trịnh hùng mạnh ở Bắc Hà, chúa Nguyễn đã tiến hành "mở rộng" lãnh thổ về phương Nam.

Năm 1611, Nguyễn Hoàng đem quân vào đánh Chiêm Thành, chiếm đất lập ra phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hoà.

Năm 1617, chúa Nguyễn chiếm thêm đất Chiêm Thành, lập ra dinh Trấn Biên.

Năm 1653, Chiêm Vương là Bà Thấm "không biết điều", đem quân quấy nhiễu phủ Phú Yên, bị quân Nguyễn đánh bại. Nhà Nguyễn, nhân cơ hội đó tiếp tục lấy thêm đất của Chiêm Thành, lập ra phủ Diên Khánh (nay thuộc tỉnh Khánh Hoà).

Năm 1693, Chiêm vương Bà Tranh bỏ tiến cống. Nhà Nguyễn không bỏ lỡ cơ hội này. Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai tổng binh Nguyễn Phúc Kính đem quân "hỏi tội", bắt được vua Chiêm. Đất đai của Chiêm chiếm được bị đổi thành phủ Thuận Thành, sau đổi lại thành phủ Bình Thuận, lại lấy đất Phan Lý (Phan Tri), Phan Lang (Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và huyện Hoà Đa. Từ đó Chiêm Thành xem như mất hẳn.

Như vậy trong khoảng chưa đến một thế kỷ mà nhà Nguyễn đã thôn tính được hoàn toàn Chiêm Thành, điều mà những triều đại trước tốn bao công sức mà không gặt hái được nhiều thành công. Điều này có nguyên do rất lớn từ bản thân Chiêm Thành. Thực ra quân lực chúa Nguyễn không phải là quá mạnh, nhưng kể từ sau thất bại trước vua Lê Thánh Tông nhà Lê, rồi bị chia thành 3, Chiêm Thành đã ngày càng suy yếu, không thể gượng dậy được và chỉ còn chờ ngày diệt vong.



C. Giai đoạn đánh chiếm Chân Lạp:

Các cuộc xâm chiếm đất Chân Lạp (Campuchia) để mở mang bờ cõi về phương Nam của người Việt diễn ra có phần êm thắm hơn. Nguyên do dải đất miền Trung của cúa chúa Nguyễn vốn không được màu mỡ. Đất đai cằn cỗi, làm ăn khó khăn, lại thêm hoạ chiến tranh Trịnh-Nguyễn nên người dân dần dần di cư vào Nam, lúc ấy còn thuộc Chân Lạp, rất nhiều.

Cả miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long bấy giờ thời ấy còn khá hoang vu, đất rộng người thưa. Đất đai lại trù phú, màu mỡ, thành ra người Việt di cư vào đó ngày càng đông.

Trong những năm 1658 đến 1674, Chân Lạp có nạn tranh giành quyền lực, có phe lại "mời" chúa Nguyễn vô "giải quyết dùm". Nhà Nguyễn được thể cứ kéo binh vào "bình định", mỗi năm lại mở rộng thêm tầm ảnh hưởng của mình ở đấy.

Năm 1679, có quan nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến vì bất mãn nhà Thanh nên theo về. Chúa Nguyễn nhân cơ hội đó muốn khai khẩn thêm đất ở Chân Lạp, bèn cho họ vào ở đất Đông Phố, đất Lộc (nay thuộc Gia Định, Đồng Nai), Mỹ Tho,...

Năm 1698, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông phố ra làm dinh, huyện, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Nhà Nguyễn bắt đầu củng cố địa vị và quyền lực của mình ở rẻo đất phía Nam màu mỡ này.

Thời bấy giờ có người Trung Quốc là Mạc Cửu, nhân vì hoạ nhà Thanh, lưu lạc sang đất Chân Lạp. Ông chiêu mộ lưu dân, lập nên 7 xã gọi là Hà Tiên.

Năm 1708, Mạc Cửu xin thuộc về nhà Nguyễn. Lãnh thổ nước ta lại được mở rộng thêm một phần.

Trong khoảng thời gian đó nước Chân Lạp xảy ra biến luôn, các vua tranh giành quyền lực rồi lại chạy sang nhờ chúa Nguyễn hay Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên. Sau mỗi lần bình ổn ta lại được vua Chân Lạp "tạ ơn", mỗi lần vài huyện... Cuối cùng đất đai 6 tỉnh Nam Kỳ đều thuộc về ta.

Đến sau khi Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn thì ta còn có nhiều dịp "can thiệp vào nội bộ" của Chân Lạp, nhưng tiếc là các quan ta hành xử không khéo nên không "mở" thêm được bờ cõi mấy.

Đến đây, công cuộc "mang gươm" đi mở cõi của cha ông ta có thể xem như đã hoàn thành.

Nhìn chung cuộc Nam tiến chiếm đất của Chân Lạp được diễn ra tương đối thuận lợi. Bởi lẽ Chân Lạp thời ấy đã suy vi, các triều vua lo tranh giành quyền lực, không ngó ngàng gì đến lãnh thổ đất nước. Các vua được nước ta đưa về nắm chính quyền thì lại sung sướng, sẵn sàng "tặng" đất để tỏ lòng biết ơn. Có thể nói ta đã có những cơ hội "trời cho" hết sức quý giá để mở rộng được lãnh thổ về phương Nam. Trong đó đáng kể nhất là miền Đông Nam Bộ (nay là đầu tàu của nền công nghiệp Việt Nam) và ĐBSCL (mà theo một số chuyên gia, nếu quy hoạch khéo có thể trở thành vựa lúa của cả khu vực Đông Nam Á.



D. Đôi điều nhìn lại:

Đến đây xin mời các bác chúng ta cùng nhìn lại quá trình Nam tiến từ thuở xưa cho đến thời Cận đại một lần nữa.

Lãnh thổ nước ta từ thuở Bắc thuộc chỉ là một dải đất chật hẹp ở đồng bằng Bắc Bộ, cho đến thời kỳ Cận đại, vươn dài đến tận mũi đất Cà Mau, đã trải qua một quá trình phát triển rất dài và nhiều biến động. Cuộc Nam tiến vĩ đại đó đã chứng tỏ một tinh thần anh dũng, quật cường và ý chí vươn lên của dân tộc ta.

Ta hãy nhớ lại. Từ thời nước ta vẫn còn là những miền đất manh mún, chia cắt và bị đè nặng dưới ách ngoại xâm thì Chiêm Thành đã là một nước lớn ở phía Nam. Ấy thế mà theo thời gian Việt Nam ta đã lớn mạnh dần và ngày càng cường thịnh còn Chiêm Thành ngày càng lụn bại, và cuối cùng bị Việt Nam thôn tính. Như vậy, chúng ta có quyền tự hào về sức sống mãnh liệt của dân tộc, về các võ công oai hùng của cha ông thuở trước.

Có thể có người còn thương xót luyến tiếc cho Chiêm Thành một thuở oanh liệt với lầu son gác tía, với đền đài lộng lẫy của một nền văn hoá rực rỡ. Có thể có người đứng nhìn những tháp Chàm đổ nát trơ gan cùng tuế nguyệt mà cảm khái, không khỏi cảm thấy cha ông ta ngày xưa đã có phần "quá đáng" (?!). Một trong những người tỏ lòng luyến tiếc với quá khứ "tiêu biểu" nhất có lẽ là nhà thơ Chế Lan Viên. Trong tập thơ Điêu tàn nổi tiếng với sắc màu đầy vẻ huyền bí, hư ảo của mình, ông đã bộc lộ một tâm trạng nhớ thương, đồng cảm với nỗi đau mất nước của một trong những dân tộc đã có thời mạnh mẽ, lẫy lừng vào bậc nhất Đông Nam Á như dân tộc Chămpa.

Vâng, tất cả những điều đó dường như rất đáng để chúng ta mủi lòng. Nhưng..., hãy thử nhìn nhận vấn đề dưới một khía cạnh khác xem sao. Thực ra, việc Chiêm Thành bị tiêu diệt không hẳn chỉ do "dã tâm" của dân tộc Việt. Bản thân họ đã phải trả giá cho những sai lầm của chính họ. Ngay từ thời nước ta còn đang trong vòng nô lệ của giặc Hán, Chiêm Thành đã không ít lần "thừa nước đục thả câu", sang quấy nhiễu, cướp bóc nước ta, thậm chí đã có lần táo gan "đề nghị" phía Trung Quốc cho nước ta trở thành một vùng nội thuộc của Chiêm Thành để...dễ "quản lý"! Cho đến khi nước ta giành được độc lập thì Chiêm Thành vẫn không để yên, thường sang quấy nhiễu biên giới ta luôn. Hầu hết những cuộc chinh phạt Chiêm Thành của các triều đại Việt Nam đều bắt nguồn từ những vụ xâm phạm, cướp bóc biên giới của phía Chiêm Thành. Có một điều rất lạ là đã bao lần quân Chiêm bị quân ta đánh cho đại bại, nhiều lần bị đánh đến tận kinh đô, không ít lần vua bị giết, bị bắt sống. Ấy thế nhưng họ vẫn không "tỉnh ngộ", vẫn không chịu "thần phục" để đến nỗi rước lấy cái hoạ mất nước (thậm chí đến thời chúa Nguyễn, lãnh thổ chỉ còn một tẹo, vậy mà vua Chiêm vẫn còn đem quân quấy nhiễu Phú Yên (!), để rước lấy nhục vào thân và phải dâng gần hết đất, dẫn đến việc kết thúc sự tồn tại của nhà nước Chiêm Thành). Sử xưa có chép, người Chiêm Thành vốn tính tình hung dữ, ngang tàng... phải chăng đó là nguyên do cho sự tàn lụi của họ?!

Về Chân Lạp, dù có cùng kết cục với Chiêm Thành nhưng thực ra "ân oán" với nước Đại Việt có thể nói là chưa nhiều. Tuy nhiên, do thời thế mà miền đồng bằng trù phú phía Nam đã trở thành một phần của lãnh thổ Việt Nam. Phải chăng, đó là một hình thức đền bù của trời đất, muốn dành cho cho Việt Nam mảnh đất giàu có này để thay thế cho miền Lưỡng Quảng rộng lớn đã bị mất về tay Trung Quốc (?).

Dẫu sao đi nữa thì lãnh thổ của Việt Nam, cùng với các nước xung quanh, ngày nay cũng đã định hình (và được quốc tế thừa nhận!), và trong tương lai cũng khó có thể biến cải gì lớn. Nhắc lại chuyện xưa chỉ như để hồi tưởng lại một thời quá khứ hào hùng của dân tộc, cái thuở ngàn năm "đem gươm đi mở cõi" ấy.





Vịnh bức dư đồ rách

Tản Đà



Nọ bức dư đồ thử đứng coi

Sông sông núi núi khéo bia cười

Biết bao lúc mới công vờn vẽ,

Sao đến bây giờ rách tả tơi?

Ấy trước cha ông mua để lại

Mà sau con cháu lấy làm chơi!

Thôi thôi có trách chi đàn trẻ,

Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.


 
Làng hay phố ?
Làng hay phố ?
Username: cuoihaymeu


Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Hà Nội đã xóa dần những ngôi làng, vốn là bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, đây đó trong Hà Nội hiện nay vẫn còn sự hiện hữu của những giá trị văn hóa đó.

Cho đến tận thế kỷ XXI này một trong những nét đặc thù của Hà Nội là vẫn đang trong quá trình chuyển hoá từ làng sang phố. Hà Nội ngày nay có sự tồn tại của các làng ngay trong thành phố - làng nội thành, theo các nhà nghiên cứu văn hoá điều này là rất hiếm trên thế giới.

Chẳng hạn như các làng Hào Nam - phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, (nằm theo phố Hào Nam dọc theo cạnh phải mương Hào Nam, đối diện Nhạc viện Hà Nội, một đầu là đường La Thành, đầu kia nối vào ngõ 325 Cát Linh đâm thẳng ra khách sạn Horizon, xưa thuộc trại Thịnh Hào, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ), làng Thịnh Quang - phường Thịnh Quang, Đống Đa (nằm ở khu vực tam giác Tây Sơn, Thái Thịnh và đường Láng. Xưa thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ), làng Nam Đồng - quận Đống Đa (gồm phố Nguyễn Lương Bằng, ngõ Xã Đàn, một đoạn La Thành, phố Hồ Đắc Di), làng hoa Ngọc Hà (từ vườn Bách Thảo cắt ngang ngã tư đầu phố Đội Cấn, đến phố Sơn Tây, quận Ba Đình),...

Hiện nay các làng đã được hành chính hoá thành các tổ dân phố và phường thành thị và nhiều làng đã được nhà tầng, mái bằng hoá tương đối, nhưng dẫu sao đi vào khu ấy vẫn có một "cảm giác làng" khá rõ.

Với tốc độ mở rộng thành phố về phía Nam và Tây Nam như hiện nay nhiều làng ngoại thành cũng đang vặn mình trong dòng chảy đô thị hoá. Các vùng vốn là làng nguyên chất nay đã phần nhiều lai phố như Ngũ Xã, Láng, Cót, Phú Thượng,... Danh sách "làng trong phố" rồi sẽ tiếp tục dài ra. Bên cạnh sự phát triển thấy rõ của kinh tế - xã hội cũng đã thấp thoáng thấy nỗi lo về một bản sắc văn hoá làng đang ngày một hư hao. Những giá trị này dẫu khó mà đánh đổi được với sự ngày một văn minh, hiện đại hơn của thủ đô, nhưng cũng không thể quên rằng chúng đã và vẫn đang góp phần quan trọng trong việc hình thành một bản sắc văn hoá Thăng Long - Hà Nội.

 
Nhỏ nhoi cái húng, cái hành
Nhỏ nhoi cái húng, cái hành
Username: cuoihaymeu



Phải chăng sự đô thị hóa và những giá trị văn hóa truyền thống không thể dung hòa lẫn nhau? Đâu là câu trả lời cho câu hỏi này? Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây sẽ mãi mãi chỉ còn xuất hiện trong những câu ca dao, liệu húng Láng cũng sẽ phải chịu chung số phận?

Đất này vốn trồng rau, giờ nhà cửa cao quá nên nó thành chỗ chứa nước thải, đành xin phường làm cái sân chơi cho trẻ. Dự án chợ cấp II Láng Hạ, đường C2 Thái Hà và chợ mới cấp III Láng Thượng bắt đầu thực thi, húng Láng, hành Láng cũng theo luôn vào cổ tích – Thành phố quyết định rồi, chưa thấy cái gì dính đến rau được nhắc tới cả. Đó là một vài câu nói chúng tôi ghi lại từ Láng, vùng đất của thứ rau gia vị húng Láng và hành Láng đệ nhất Kinh kỳ thuở trước.

Qua Láng bây giờ, cả ba HTX nông nghiệp chỉ còn khoảng 5ha đất (trước là hơn 30ha) gọi là để làm nông nghiệp, phần lớn là ao hồ dùng để thả muống, liệu ai còn nhớ về sản vật đã từng được tiến vua ấy không?

Người làng Láng vốn tự hào thế này:

Ở đâu thơm húng thơm hành

Có về làng Láng cho anh theo cùng

Theo ai vai gánh vai gồng

Rau xanh níu gót bóng lồng sông Tô…


Húng Láng, hành Láng, cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì,… vốn là những sản vật của riêng kinh thành Thăng Long. Vậy mà lúc nãy, đi qua cái hẻo đất teo teo trồng rau cạnh đường Láng, ông bạn phàn nàn: Đất ngay trung tâm, sao không xây lên mà kinh doanh nốt?. Chợt chạnh lòng. Người ta hầu như không biết nơi ấy là một trong những chỗ hiếm hoi còn sót lại của thứ sản vật càng ngày càng xa xăm: húng Láng và hành Láng.



Tìm cái tinh của đất:

Láng là tên Nôm của xã Yên Lãng, làng cổ ven thành Thăng Long, một trong 61 phường của Thăng Long thời Trần. Theo Việt điện u linh, thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), ở hương Yên Lãng có người con gái tên là Tăng Thị Loan lấy đạo sỹ Từ Vinh, sinh ra Từ Đạo Hạnh. Thôn Thượng nay còn di tích chùa Nền (vốn là nền nhà ông bà Vinh ngày trước). Như vậy, ít nhất làng Láng cũng có người ở cách đây hàng chục thế kỷ.

Xã Yên Lãng có ba thôn là Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ, giờ là ba phường cùng tên chạy theo chiều dài hơn 3 km trên dải đất bờ Bắc sông Tô Lịch. Đây là vùng đất duy nhất trồng được thứ rau húng (tên gốc là rau thơm Láng) và hành hoa thơm ngon không đâu bằng.

Bà Nguyễn Thị Tâm, 65 tuổi, tóc vấn tròn, miệng tươi trầu tự hào nói với VASC Orient: “Thơm Láng bao giờ lá, cọng cũng gầy hơn những loại thơm vùng khác, cọng tía sẫm, lá ít răng cưa và mỏng, thả ra tay còn nguyên mùi thơm dịu, rất đậm đà, không gắt quá mà cũng không vương mùi bạc hà. Chẳng riêng những người làm rau, những ai sành ăn đi đâu cũng nhận ra thơm Láng…".

Dù có mua cùng rau giống ở chợ Bưởi, chợ Mơ… Nhưng chỉ khi trồng ở Láng, rau thơm mới có những đặc tính quý hiếm trên. Làng Đăm (Tây Tựu) và một số nơi ở Thanh Trì đều trồng nhiều húng nhưng không đâu được thơm ngon như húng Láng. Không biết bao người đã về làng, mang giống đi với tâm nguyện nhân rộng, giữ gìn giống rau quý, nhưng cây đều biến giống, giảm chất lượng dù có được chăm sóc cẩn thận bao nhiêu. Ngay như Yên Hoà, cách Láng có vài chục bước chân qua sông Tô Lịch mà cũng chẳng trộm được thứ húng này. Chưa kịp qua sông, húng đã mất vị rồi.

Tất nhiên, có được thứ rau ngon bởi một phần nhờ công người chăm bón. Các rẻo đất trồng rau thấm hết cái vất vả, công phu của người làng Láng. Vì thu nhập? Cũng chỉ một phần. Bởi nguồn thu 200.000-300.000 đồng từ cây rau thấp hơn nhiều so với nghề tay trái của những dân cư khu vực đô thị hoá tự lúc nào này. Nhưng họ vẫn yêu cây rau, vẫn trồng rau như muốn giữ gìn một cái gì xưa cũ. Bởi từ sâu trong tâm khảm họ, cây húng đã thành hồn vía của quê hương.

Nói đến húng Láng mà không nói đến hành là một thiếu sót lớn. Trăm thứ canh không có hành không ngon, ai đã từng ăn phở mà không có hành mới thấy nó vô vị biết chừng nào. Thứ hành Láng nhỏ cọng, nhỏ củ, ngắn rễ, có mùi thơm đăc trưng này đã góp phần tạo nên hồn của vị phở Hà Nội. Chả trách các hàng phở nổi tiếng ở hàng Bông, Khâm Thiên, Bà Kiệu xưa kia đều lặn lội về tận Láng lấy hành.

Hành và húng đều không ưa trồng chung với bất cứ giống rau nào khác, cứ phải một mình một luống. Chẳng ai dám bỏ quên chúng đến 3-4 ngày. Cỏ dại mà tốt lên, chúng đã giận dỗi mà bớt đậm đà rồi. Húng Láng không trồng bằng hạt như các nơi khác. Vụ thu đông thì giâm bằng ngọn bánh tẻ, hè thu thì giữ lại rễ từ vụ trước, để ẩm cho mọc mầm trắng rồi đem rải xuống rãnh, gơ đất lên, ngọn sẽ tự bung ra.

Lạ cái giống này chỉ ưa ăn bã khô dầu, rơm mục, trấu, bùn ao, phân chuồng và đặc biệt là nước giải pha loãng, nhưng phải bón trước khi hái một thời gian đủ để không mất vệ sinh. Rau ngon cũng vì không có những phụ gia công nghiệp thời kinh tế thị trường. Và người làng Láng cũng không vì năng suất mà bón bừa cho rau quý.

Húng mà “ăn” thuốc, phân hoá học sẽ bạch tạng mà chết hay xanh um lên, nhạt thếch… coi như hỏng. Ngày nào cũng phải tưới nhẹ một lượt trước khi mặt trời mọc và một lượt trước khi mặt trời lặn. Nhổ cỏ, làm đất, cấu ngọn có cỡ tuỳ theo mùa … Rồi lại cấu dài, cấu ngắn… Ai bảo đó không phải là thứ công nghệ trồng rau - thứ công nghệ được tạo ra bởi những con người còn mang nguyên dáng dấp nông thôn giữa lòng Hà Nội?

Ngoài cái tâm của người trồng húng, cái chất đất Láng, căn nguyên của sự độc đáo trong húng Láng còn được lý giải bằng cơ sở khoa học. Năm 1978, Bộ môn Rau quả của Đại học Nông nghiệp I đã có một đề tài nghiên cứu về cây húng Láng. Kết quả chỉ ra rằng yếu tố thổ nhưỡng và vùng tiểu khí hậu khác biệt là nguyên nhân tạo cho cây húng ở đây có địa vị độc tôn.

Cụ Lộc (70 tuổi), cụ Phát (70 tuổi), cụ Cẩn (85 tuổi) đều đồng tình rằng, ông bà chúng họ ngày trước cũng đã dặn lại, đất Làng chỉ để trồng cây hành, cây húng. Bà Lược, Chủ nhiệm Hợp tác xã Láng Trung nói: "Đó là cái tinh của đất, vốn quý cha ông để lại cho Làng, vậy mà bây giờ…". Bà bỏ lửng câu nói, thở dài.

Đâu rồi “Rau xanh níu gót bóng lồng sông Tô”?

Vừa đóng cửa HTX để về thì bị chúng tôi đến quấy, ông Phó Chủ nhiệm HTX Láng Hạ kêu ồi ồi: “Hỏi làm gì? Còn đất đâu mà hỏi.”. Nói vậy nhưng ông vui ra mặt, sốt sắng mở cửa mời khách vào. Chưa kịp ngồi, ông đã hào hứng: “Mấy cái khoanh đất trồng rau mà các cô trông thấy cạnh đường Láng rồi sẽ thành chợ cấp II Láng Hạ. Dự án đã đi vào thực hiện rồi đấy. HTX chúng tôi mất đi hơn 7.000m2 trồng rau.

Chợ mọc lên, khu A một bên, khu B một bên, đúng vừa. Cái tên cũng sẽ được thay cho hợp thời - Chẳng lẽ chợ không còn cách nào tránh rau?” – Thành phố đã quyết định rồi, chưa thấy cái gì liên quan đến rau được nhắc tới cả, chúng tôi cũng đã đề cập mãi. Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp I, về HTX từ năm 21 tuổi, nay đã 44 năm, ông Vượng đành ngậm ngùi nhìn cây rau mình gắn bó cả đời mai một.

Không riêng phường Láng Hạ, hai phường còn lại cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Khi thành phố quy hoạch, đất trồng rau thành đất làm nhà, làm đường gần hết. Chỗ đất còn lại cũng đang bị tấn công từng ngày. Ông Châu, chủ nhiệm HTX Láng Thượng, quần xắn tận đầu gối đang chỉ đạo mấy tài xế xe ben đổ đất trước cửa HTX hổn hển nói: “Đất này vốn trồng rau, giờ nhà cửa cao quá nên nó thành chỗ chứa nước thải, đành phải xin phường làm cái sân chơi cho trẻ".

Đất trồng rau bây giờ chỉ còn là những miếng nhỏ, bị xé lẻ, bằm nát bởi nhà cao tầng ngang dọc. Cả ba HTX nông nghiệp còn hơn 5ha đất gọi là để làm nông nghiệp. Năm 1973, HTX Láng Hạ còn hơn 2ha, đến nay chỉ còn chưa đầy 1ha. Láng Trung trước có 27ha nay còn hơn…1ha (phần lớn là ao hồ dùng để thả muống).

Đến Láng bây giờ khó mà bói ra kẻ trồng rau. Họ thích làm nghề khác hơn. Mà vẫn thích làm rau cũng khó vì cả ba HTX đều ngừng nhận xã viên từ năm 1991. Bây giờ, bên những luống rau chỉ còn lại mấy ông mấy bà ngoại tứ, ngũ tuần. Phải chăng chính yếu tố này cũng thúc giục sản vật nổi tiếng một thời của kẻ Láng nhanh trôi vào quá khứ hơn?

Chỉ cần 1-2 trận mưa thôi, hầu hết các vườn đều úng ngập. Khi thiên hạ đua nhau lên tầng, thứ rau thanh khiết kia phải tập bơi. Dự án chợ cấp II Láng Hạ, đường mới C2 Thái Hà và chợ mới cấp III Láng Thượng bát đầu thực thi, húng Láng, hành Láng cũng theo luôn vào cổ tích. Liệu ai còn nhớ về cái sản vật đã từng được tiến vua ấy không?



Nỗi niềm người kẻ Láng:

Cả buổi sáng, bà Đức mới bó được 40 cặp húng, tính ra chưa được 5.000 đồng cho rổ rau đầy ắp. Bà cụ ngậm ngùi: “Húng nào mà chả giá ấy, chỉ những người sành ăn mới chọn húng Láng, còn thì nháo nhào cả. Chúng tôi còn khốn đốn vì cái đận Truyền hình về quay ruộng rau rồi đưa lên phê phán đây không phải là rau sạch. Hôm sau, chẳng ai đến lấy hàng…"

Nhưng những người trồng rau kẻ Láng lại thua người mua một cách thảm hại bởi có trồng cầu kỳ như thế chứ có hơn thế nữa cũng chỉ đổ buôn được 50 đồng/mớ. Nhưng lạ cái là đi hàng rau thơm nào, người bán cũng khăng khăng đấy là húng Láng. Chẳng lẽ người Láng trồng rau du kích trong nhà?

Nhưng vượt lên thói thường, người kẻ Láng ai cũng mong có được một diện tích đất dù nhỏ để làm nơi cho rau Láng, đặc biệt là húng, hành tồn tại với đời. Cái gì đã mất thì không bao giờ lấy lại được, chi bằng chúng ta hãy giữ nó khi còn chưa muộn. Chẳng có bảo tàng nào giữ được giống rau ấy bằng một bảo tàng sống. Chẳng lẽ chúng ta không xót xa khi nhìn húng Láng, hành Láng sắp làm bạn đồng hành cùng cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây trong quá vãng hay sao?


 
Châu Âu thời Trung cổ
Phần 3: Tìm hiểu Lịch sử thế giới

Châu Âu thời Trung cổ

Username: Mystery_aries

(tổng hợp từ các ý kiến của Paladin, VHNL, Yasunari, Hector, NguCong,…)


Trong suốt một nghìn năm thời Trung cổ, toàn bộ châu Âu như bị bao trùm bởi một bóng đen kìm hãm sự phát triển về nhiều mặt. Bài viết này sẽ giúp bạn nhìn rõ vào bóng đen đó, nó ẩn chứa một thời kỳ đầy biến động mang đậm màu sắc phong kiến.

Giai đoạn này được các nhà sử học quốc tế cho là bắt đầu từ khoảng năm 350 cho tới năm 1453. Tuy không có cột mốc thời gian xác định nhưng người ta cho rằng thời kỳ này bắt đầu từ sự sụp đổ của Rome (thủ đô của đế quốc Tây La Mã) và kết thúc khi Constantinople (thủ đô đế quốc Tây La Mã - nay là Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ) sụp đổ.

Có một sự trùng hợp là thời Trung Cổ bắt đầu và kết thúc đều từ những cuộc tấn công từ bên ngoài. Khởi đầu là người Visigoth, người Anglo-Saxon,… và kết thúc là người Ottoma. Sau cuộc tấn công năm 1453, Constantinople thất thủ, các học giả Hy Lạp từ Byzantium chạy nạn sang Tây Âu đã mang theo các tác phẩm nghệ thuật và triết học cổ đại Hy Lạp khiến Châu Âu kinh ngạc, làm dấy lên cuộc tìm kiếm các giá trị cũ rực rỡ và khao khát sáng tạo những giá trị mới ở tầng lớp trí thức, nghệ sĩ Châu Âu.

Trước cuộc hồi sinh ngoạn mục đó là thời kỳ dài hơn nghin năm đen tối. Triết học chỉ vẻn vẹn có giáo lý Thần học của các tu sĩ mang nặng tính giáo điều và khắc kỷ. Nghệ thuật chỉ hoàn toàn phục vụ Nhà thờ mà thôi. Về Văn học, chỉ có những trường ca kể lại cuộc chiến đấu chống lại quỷ cám dỗ hoặc chiến đấu vì nhà vua, tiêu biểu nhất là trường ca Roland, một hiệp sĩ của Hoang đế Charlemagne. Về Thi ca, chỉ có Kinh thơ (thơ tụng kinh) trang nghiêm tuyệt đối. Về Kiến trúc, chỉ có kiến trúc tôn giáo phát triển, mới đầu là phong cách Roman nặng nề biểu hiện uy quyền to lớn của Chúa, sau đó là phong cách Gothique nhẹ nhàng hơn, với xu thế vươn lên cao hướng tới Thiên đường. Hội hoạ phụ thuộc kiến trúc vì chỉ được sử dụng với mục đích trang trí nhà thờ và minh hoạ các tích trong Thánh Kinh. Âm nhạc cũng rất đơn giản chỉ có Thánh ca. Ðiêu khắc kém nhất, chỉ có các tượng rước được sử dụng trong các ngày lễ.

Thời Trung Cổ là thời chiến tranh cát cứ. Các vua chúa Châu Âu phải tìm cách tập trung quyền lực vào tay mình trong khi đó thế lực của Giáo hoàng gần như bao trùm tất cả. Giáo hoang cai quản hoàn toàn miền Nam Italy (cả về thế tục lẫn tinh thần). Bên ngoài lãnh địa của mình, Giáo hoàng vẫn có thể với tay đến khắp Châu Âu, nắm quyền lực tinh thần, là người cai quản phần hồn của dân chúng Châu Âu trong khi các vua chúa là người nắm quyền lực thế tục.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về thời kỳ này. Phần lớn chúng ta coi thời Trung Cổ là khoảng thời gian tăm tối nhất của Châu Âu với sự biến mất của triết học để nhường chỗ cho sự bành trướng của đạo Thiên chúa. Trong thời Trung Cổ, nền văn hoá - văn minh phương Tây chưa có được những thành tựu to lớn và rực rỡ như Trung Hoa và các nước Hồi giáo. Nhiều giá trị văn hoá thời Hy Lạp - La Mã còn sót lại chính là nhờ sự bảo tồn của người Arập. Nhưng cũng có người cho rằng đây là thời kỳ định hình cả về địa lý và văn hoá của Châu Âu. Ảnh hưởng tích cực nhất của thời kỳ này đối với văn hoá Châu Âu có lẽ là sự phát triển tinh thần dân chủ (do chưa hình thành khái niệm Tổ quốc một cách rõ rệt) cùng với sự phổ cập các giá trị tinh thần của Thiên chúa giáo. Nhưng ảnh hưởng tiêu cực của thời kỳ này hẳn phải lớn hơn nhiều so với những ảnh hưởng tích cực đến nỗi các triết gia và các nhà sử học đã gọi thời kỳ này là "đêm trường Trung cổ".



Sự sụp đổ của Ðế quốc Tây La Mã - The Fall of Rome:

Ðế chế La Mã có lãnh thổ rất rộng lớn kéo dài từ Châu Âu và Ðịa Trung Hải (Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, England (không có Ireland và Scotland),…) sang Bắc Phi (Maroc, Tunisie, Algerie, Ai Cập,…) tới tận Vùng Cận Ðông (Tiểu Á, Palestine, bán đảo A Rập,…). Biên giới phía Bắc là sông Rhine và sông Danube, giáp với các bộ tộc có nguồn gốc từ bán đảo Scandinavia, thường được gọi là các bộ tộc German. Ðế quốc La Mã hưng thịnh trong gần 1000 năm, đem lại sự ổn định, thịnh vượng và trật tự cho thế giới phương Tây. Những con đường nhằm đưa quân từ Rome đến các vùng lãnh thổ ở biên giới La Mã đồng thời cũng được dùng để thông thương giữa các vùng thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, chính vì quá rộng lớn, nên đến năm 284, hoàng đế Diocletian quyết định tách La Mã làm 2 phần Ðông và Tây, mỗi phương có một vị hoàng đế (Augustus) và một vị phụ tá (Ceasar). Hệ thống này gọi là Tứ đầu chế (tetrachy). Vào năm 323, sau một cuộc nội chiến, Constantine trở thành hoàng đế và xây dựng thủ đô của Ðông La Mã tại Bizantium, sau đó đổi tên thành Constantinople. Hai đế chế dần dần tách riêng và độc lập với nhau, mặc dù trên danh nghĩa vẫn nằm trong cùng một La Mã. Người Latin sống ở Tây La Mã, còn người Hy Lạp chiếm số đông ở Ðông La Mã. Ðến đầu thế kỷ V, tại Tây La Mã, người German vượt sông Tibet, người Vandanle chiếm Nam Italy và Bắc Phi, người Ostrogoth, người Visigoth chiếm cứ một phần Italy và phía nam xứ Gaule dến tận sông Loire, Burgonde chiếm cứ lưu vực sông Rihne, người Frank chiếm cứ toàn nước Bỉ. Ðất đai của Tây La Mã vụn ra thành từng mảnh. Năm 451, đạo quân phối hợp giữa La Mã, Goths và Pháp đánh bại quân Hung Nô ở Chalaons, Pháp. Năm 453, Attila, thủ lãnh vĩ đại của người Hun (có nguồn gốc Mông Cổ) qua đời làm đế quốc Hung Nô tan rã nhưng quá trình tiến về phía Tây của họ đem theo những đám dân bán khai như Lombards, Vandals và nhiều dân tộc khác tản mát khắp Tây Âu. Ðến năm 476, Romolus Augustus, hoàng đế cuối cùng của Tây La Mã, bị hạ bệ và ngai vàng của ông ta bị Odoacer chiếm đoạt. Ðó là giai đoạn cáo chung của Ðế quốc Tây La Mã.



Thời kỳ chuyển tiếp:

Sau khi Tây La Mã sụp đổ, vùng tây châu Âu tách ra làm nhiều vương quốc nhỏ. Vào cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI, Clovis, một ông vua của nhóm người Frank từ Bỉ xua quân qua đánh chiếm xứ Gaule, thống nhất một vùng rộng lớn từ dãy Pyrenees đến sông Weser bao gồm cả xứ Thuringen kể cả vương quốc Burgonde. Chính từ đây bắt nguồn cho sự thống trị của tôn giáo trong thời kỳ Trung Cổ. Clovis thành công được dễ dàng là nhờ có sự hỗ trợ của Thiên chúa giáo. Năm 768, Charlemagne, cháu của Charles Martel, trở thành vua của người Pháp. Trong khi mở rộng đế quốc của mình, ông đồng thời cũng mở rộng Kitô giáo. Sau cái chết của Charlemagne vào năm 814, Tây Châu Âu mất đi sự thống nhất. Nhiều quốc gia nhỏ nổi lên do các lãnh chúa có quân đội riêng cai quản. Do bị chia rẽ về mặt chính trị, châu Âu trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ xâm lăng tàn bạo. Những cuộc tấn công liên tục của người Vickings đi mãi tới vùng sâu trong đất liền. Người Magyars từ Hungary và Rumania cướp phá Ðức, bắc Italy và Pháp. Năm 955, Otto, vua nước Ðức đánh tan người Magyars trong trận Lechfield gần Augsburg. Còn ở Anh, người Vickings bị những thủ lãnh kiên cường đánh bại để củng cố các vương quốc Scotland, Wales và Anh. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, thương mại gia tăng ở châu Âu, một phần do những cuộc Thập tự chinh đã huy động toàn bộ các tầng lớp xã hội trong xã hội Kitô giáo châu Âu chống lại Hồi giáo. Rất nhiều Kitô hữu thực hiện những cuộc hành trình dài tới những địa danh có chứa các di tích thánh của Ðức chúa Jesus Kitô hay các vị thánh đầu tiên. Họ hy vọng nhận được sự tha thứ cho các tội lỗi và được khỏi các thứ bệnh. Sau khi người Thổ Seljuk chiếm Palestine vào cuối thế kỷ XI, họ bắt đầu tấn công những người Kitô hữu đi hành hương tới các thánh địa. Ðiều này làm cho các Giáo hội thiên chúa cả Ðông lẫn Tây bực tức. Hoàng đế Byzantine kêu gọi sự hậu thuẫn để chống lại sự áp bức của người Thổ. Năm 1095, Giáo chủ kêu gọi một cuộc Thập tự chinh hay cuộc thánh chiến chống người Hồi giáo. Hàng ngàn người dân bình thường hưởng ứng lời kêu gọi. Một thầy giảng lang thang, Peter thầy tu (Peter the Hermit), dẫn dắt một đoàn Thập tự chinh gồm toàn dân quân đã bị người Seljuk ở Tiểu Á tàn sát. Một số người cho rằng Thập tự chinh không có nguyên nhân tôn giáo mà chỉ là vì lợi nhuận và quyền lực. Quyền lực của Giáo hoàng sẽ tăng lên khi thế giới Thiên chúa mở rộng về phía Ðông. Các quốc gia khi ấy vẫn còn nhiều lãnh chúa, chưa có sự thống nhất. Việc tập hợp các lãnh chúa dưới ngọn cờ chung Thánh chiến sẽ có lợi cho uy thế của nhà vua. Các lãnh chúa thì muốn mở rộng thêm lãnh địa của mình. Nhưng sau nhiều nỗ lực và bao nhiêu thập niên xung đột, năm 1192, Richard I nước Anh buộc phải ký Hoà ước với Saladin - thủ lãnh Hồi giáo nổi tiếng không chỉ nhờ tài năng quân sự và lòng quả cảm mà còn ở sự khoan dung với kẻ thù và các tôn giáo khác - qua đó người Kitô giáo kiểm soát những thành phố gần biển và khách hành hương có thể đến các thánh địa một cách an toàn. Phần lớn vùng đất Palestine vẫn nằm trong tay người Hồi giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lấy cách suy luận của thời nay để đánh giá, nhận xét chuyện thời xưa. Thập tự chinh kéo dài gần 300 năm, hàng trăm ngàn người đã chết nhưng không phải tất cả vì lợi nhuận. Khi Giáo hoàng Urban II kêu gọi Thập tự chinh, rất nhiều người hầu như không biết gì về Jerusalem, tất cả những gì họ biết về đất thánh chỉ qua Kinh giảng mà thôi. Nhưng họ sẵn sàng bán nhà cửa, tài sản, bỏ lại gia đình để đi chinh chiến hàng nghìn dặm với tinh thần Tử vì đạo. Hẳn nhiên người thời đó tin đạo và coi sự hiện diện của Chúa là hiển nhiên. Còn những người tham gia Thập tự chinh vì lợi nhuận chỉ có thể là số ít mà thôi.

Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV, Thành Cát Tư Hãn và gia tộc chế ngự Châu Âu và châu Á, mở ra những con đường buôn bán từ Á sang Âu. Niềm hăng say về những cuộc Thập tự chinh phai nhạt dần khi người châu Âu bị người Thổ Ottoma đánh đuổi khỏi vùng Tây Á lần cuối cùng. Trong thời kỳ này, người Thổ Ottoma nổi lên như một thế lực lớn, đe dọa đế quốc Byzantine. Vào năm 1348, dịch hạch (Thần chết Ðen) tàn sát gần 1/3 dân số châu Âu. Cuộc sống khó khăn suy sụp dẫn đến những cuộc nổi dậy của nông dân Anh và Pháp. Năm 1422, sau khi Henry V qua đời, sự cai trị của người Anh trên nước Pháp suy yếu trầm trọng. Những chiến công vĩ đại của Jeanne d'Arc (1412-1431) và trên hết là cái chết đầy dũng khí của bà trong tay quân Anh đã nung nấu tinh thần yêu nước của người Pháp. Năm 1453, nước Pháp tách khỏi Anh quốc. Cùng năm đó, đế chế Byzantine sụp đổ, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ Trung Cổ và thời kỳ Phục Hưng bắt đầu.



Sự sụp đổ của đế quốc Byzantine - The Fall of Constantinople:

Ðế quốc Ðông La Mã - Byzantine tồn tại được lâu hơn đế quốc Tây La Mã rất nhiều, đến tận thế kỷ XV, vì nhiều lý do. Mặc dù cũng được gọi là đế quốc La Mã nhưng Byzantine được thành lập khi Tây La Mã bước vào thời kỳ suy tàn. Vừa kế thừa được những giá trị tốt đẹp của Rome, Byzantine còn kết hợp được những giá trị tốt đẹp của Hy Lạp và đạo Hồi, kết hợp giữa châu Âu và châu Á. Kỷ cương và những hoàng đế tốt, cùng vị trí địa lí thuận lợi (nằm giữa các eo biển miền Bosporus và biển Bắc Hải cùng các tuyến phòng thủ dày đặc) đã biến Constantinople trở thành gần như bất khả xâm phạm, giúp Byzantine tồn tại được khoảng 1000 năm. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ bất kỳ quốc gia phong kiến nào, đế chế Byzantine phải trải qua quy luật hình thành, phát triển, suy tàn và diệt vong.

Hoàng đế vĩ đại nhất của Byzantine là Justinian (527-565). Ông không những mở rộng lãnh thổ Byzantine rộng tới tầm cỡ đế chế La Mã thời Cổ đại mà còn có nhiều cải cách tốt về quản lý và tài chính. Bộ luật nổi tiếng Corpus iuris Civilis do ông ban hành sau này còn được dùng làm cơ sở luật pháp cho các nước châu Âu. Về mặt kiến trúc, nổi tiếng trong thời kỳ này có nhà thờ Saint Sophie nổi tiếng nằm tại Constantinople (Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ), một kiệt tác hoà trộn giữa phong cách Thiên chúa giáo và Ả Rập. Tuy nhiên, sau khi Justinian chết, các hậu duệ của ông cũng mắc phải căn bệnh ham chơi, xa xỉ, giống như mọi vương triều trước và sau này khiến Tây La Mã cũng suy sụp dần. Năm 1450, đế quốc này chỉ còn lại Constantinople và các vùng đất nhỏ bé phía Tây mà thôi. Có tài liệu cho rằng Byzantine bắt đầu suy sụp không gượng dậy nổi kể từ khi bán đảo Tiểu Á mất vào tay quân Thổ. Sức mạnh quân sự của Byzantine nằm ở lực lượng kỵ binh nổi tiếng cataphract nhưng họ đã mất đồng cỏ và nơi sản sinh các kỵ sĩ. Byzantine tồn tại được lâu là nhờ sự giúp đỡ của Genoire và Venise và địa hình chiến lược của Constantinople. Nhưng khi quân Thổ vây thành và cắt đứt đường tiếp lương thực băng đường biển thì không còn gì có thể cứu vãn Byzantine được nữa. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng Byzantine suy tàn vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó là sự cô lập của châu Âu đối với Byzantine. Ðiều này có thể bắt nguồn từ việc phân chia Ðông - Tây La Mã. Byzantine dựa trên cơ sở văn hoá Hy Lạp, nói tiếng Hy Lạp còn Rome thì nói tiêng Latin. Mặc dù Constantine I có công rất lớn trong việc giúp Thiên chúa giáo trở thành quốc đạo ở cả hai đế chế, nhờ đó Thiên chúa giáo mới thống trị Châu Âu như ngày nay nhưng kể từ thế kỷ V, đạo Thiên chúa ở Rome và Constantinople là hai dòng khác nhau và luôn mâu thuẫn với nhau. Về tôn giáo, trên danh nghĩa, Giáo hội tách riêng và các vua chúa châu Âu đều chịu ảnh hưởng của Giáo hoàng. Chẳng hạn Giáo hoàng có quyền phong tước Hoàng đế Thánh La Mã cho một vài hoàng đế ví dụ như Charlemagne. Trong khi đó, ở Byzantine thì hoàng đế vừa là người có quyền lực tối cao của đất nước vừa là người đứng đầu về tôn giáo. Dòng Thiên chúa giáo ở Byzantine được gọi là Monophysite. Sau này, Justinian trong nỗ lực hoà hợp với dòng Thiên chúa giáo ở Rome đã phạm phải một sai lầm rất lớn là giết hại rất nhiều người theo "dị giáo" Monophysite ở Syria và Ai cập, vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho Hồi giáo phát triển rồi sau này tiêu diệt Byzantine. Nguyên nhân thứ hai là do sự phát triển của đạo Hồi, sau đó là người Thổ (Ottoma) đã khiến Byzantine nằm vào vị trí bất lợi, không đủ sức chống đỡ nên lãnh thổ bị co hẹp dần. Ðến năm 1071, người Thổ giành thắng lợi quyết định ở Manzikert và sau đó chiếm được Tiểu Á. Tới năm 1261, sau các đợt Thập tự chinh, đế chế Byzantine bị thu hẹp chỉ còn lại Hy Lạp. Đầu thế kỷ XV thì gần như không còn gì ngoài Constantinople và các vùng đất nhỏ bé ở phía Tây Nam. Năm 1451, tân quốc vương Ottoma, Mohammed II, lên nắm quyền bính. Là một nhà chiến lược và chỉ huy quân sự đại tài, ông muốn biến Constantinople thành thủ phủ của đế quốc ngày một mở mang của mình. Năm 1453, Mohammed II đã sử dụng một khẩu đội hoả lực bao vây Constantinople, cắt đứt đường tiếp tế lương thực và thuỷ quân từ phía các đồng minh Tây Âu. Ngày 29/5/1453, quân Thổ tràn vào Constantinople. Constantine XI, vị hoàng đế cuối cùng, đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ðế quốc do Auguste ngày xưa sáng lập đã sụp đổ hoàn toàn, đánh dấu chấm hết cho thời kỳ Trung cổ và là cột mốc cho một giai đoạn mới: thời kỳ Phục hưng.

Thời kỳ Trung cổ là một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Châu Âu với sự hình thành, lớn mạnh, sụp đổ và chia cắt của những đế quốc hùng mạnh dẫn tới sự hồi sinh và hình thành những quốc gia phong kiến mới. Cùng với sự xung đột thế lực của Thiên chúa giáo và Hồi giáo, diện mạo của Châu Âu đã hình thành rõ nét. Các hình thái xã hội, kinh tế và nghệ thuật của thời kỳ này chính là nền móng cơ bản cho các thời kỳ sau này. Lịch sử Châu Âu thời Trung cổ là một quá trình chấp nhận và thay đổi không ngừng.



 
Công thức vàng của sự thịnh vượng
Username : Annonymous

(Tổng hợp từ yuyu, Yasunari)

Bài toán phát triển và thịnh vượng luôn được đặt ra với bất cứ nước nào và trong thời đại nào. Sự giàu mạnh của một quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Đứng trước thời đại mới, giới trẻ chúng ta cần hiểu và vận dụng những yếu tố đó như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn về ảnh hưởng của từng yếu tố khác nhau.

Giàu hay không có lẽ một phần là do chính sách của chính quốc với nước di cư, thuộc địa. Chính sách thuộc địa của Anh là đào tạo người để làm công cho mình, dùng nhân công rẻ để mở rộng sản xuất. Bởi vậy các nước thuộc địa của Anh như Ấn, Mã Lai, Hồng Kông, Singapo,... nhà nước Anh khuyến khích giáo dục, dân chúng đều nói được tiếng Anh, Anh cũng mở nhiều nhà máy để sản xuất tại thuộc địa. Trong khi ấy chính sách của Pháp là đi vơ vét tài nguyên. Với chính sách như vậy thì dân càng ngu càng tốt. Cho nên trừ vài nước châu Phi mỗi bộ lạc một thứ tiếng nên phải dùng tiếng Pháp để làm tiếng chung, còn lại thì các thuộc địa khác của Pháp, đại bộ phận dân chúng không biết tiếng Pháp. Khác với Anh, Pháp chỉ xây dựng vài nhà máy để phục vụ các ông chủ thực dân tại thuộc địa thôi chứ không phải với mục tiêu sản xuất. Vì vậy, ở các thuộc địa của Pháp, dân trí thường thấp, phần lớn là nông dân, ít nhà máy có tầm cỡ lớn. Phải chăng đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giữa thuộc địa của Anh và Pháp.

Một lý do quan trọng là tôn giáo. Người Anh di cư chủ yếu theo đạo Tin lành. Đạo Tin lành khuyến khích tinh thần kinh doanh, ý thức tiết kiệm, làm giàu, và không quy định những lễ nghi phiền phức với con chiên và giáo sĩ (ví dụ mục sư có thể lấy vợ) phù hợp cho sự phát triển của CNTB.

Người Tây Ban Nha đa phần là các tín đồ Thiên chúa giáo cuồng nhiệt, nếu không muốn nói là cuồng tín (Nhớ lại các toà án dị giáo ở nước Tây Ban Nha thiên chúa giáo). Chế độ phong kiến ở Tây Ban Nha cũng có hơi hướng của phương Đông. Hơn nữa vào thời điểm thế kỷ XVII, XVIII, trong khi Anh đã tiến hành thành công công nghiệp hoá và có sự ra đời của tầng lớp trung lưu, tư sản có kiến thức kỹ thuật và tinh thần kinh doanh thì Tây-Bồ vẫn là các quốc gia phong kiến lạc hậu, tầng lớp tư sản trung lưu hầu như không phát triển. Do vậy, nếu như người Anh đến các thuộc địa mang theo công nghệ, kỹ thuật, ý chí làm giàu thì người Tây Ban Nha chủ yếu là vơ vét của cải để mang về chính quốc.

Một lý do khác là ở Mỹ, Canada, người da đỏ đã hầu như bị diệt chủng vì vậy các nước này sẽ chỉ là một nước Anh khác, với các thể chế (luật lệ, tổ chức chính quyền, quy tắc ứng xử,...) sẵn có từ chính quốc được du nhập có điều kiện hoạt động tốt trong khi ở Trung và Nam Mỹ, tỉ lệ dân cư bản địa cao hơn nhiều trong khi cũng không có được một sự hoà nhập thực sự giữa thực dân và dân bản địa. Do đó, sự phát triển xã hội nói chung cũng khó khăn hơn nhiều.

Đó là các lý do lịch sử. Nhưng nói gì thì nói, thì ngày nay các nước nói tiếng Anh cũng có điều kiện phát triển tương đối thuận lợi hơn các nước không nói tiếng Anh. Chẳng hạn, sở dĩ Ấn Độ nổi bật lên trong ngành công nghiệp phần mềm cũng một phần quan trọng nhờ người Ấn Độ thành thạo tiếng Anh.

Yếu tố xã hội vào thời điểm xâm chiếm cũng là một nguyên nhân. Thực ra nó là một phần của Văn hoá.

Phần nhiều các vùng đất người Anh xâm chiếm còn ở chế độ cộng sản nguyên thuỷ hoặc vừa thoát khỏi chế độ chiếm hữu nô lệ. Trong khi Pháp đánh vào những nước đã có một xã hội phong kiến lâu đời hoặc đang manh nha kinh tế tư sản. Vì thế văn hoá, trí tuệ đã đạt một mức nào đấy, đã cắm rễ, ngoài cách làm cho nó ngu, cho nó quên mình đi thì không còn cách nào khác. Các dân tộc ở Bắc Mỹ và Nam Thái BÌnh Dương không có cái gì để quên thì cần gì làm cho quên? Cho các dân tộc ấy học hành để thành người Anh thì càng hay.

Nếu xếp Văn hoá sau vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử là nhầm. Hai yếu tố trên chỉ là tạm thời, có tính chất sách lược. Còn cái lâu dài, cái chiến lược, cái quyết định sự phụ thuộc, sự bị đồng hoá, sự mất tự do vĩnh viễn hay tạm thời của thuộc địa vào chính quốc là Văn hoá. Văn hoá là trí tuệ của dân tộc. Dân tộc nào có Văn hoá lâu đời thì mới có cái sức mạnh căn bản để tự do. Có Văn hoá thì mới có nhận thức về mình, về tổ tiên mình. Mà tự do là sự nhận thức được mình và thế giới khách quan.

Trung Hoa bị xâu xé, Ấn Độ bị độ hộ, Việt Nam bị gông cùm gần thế kỷ, nhưng tất yếu là những nước này phải độc lập vì có Văn hoá, có bản sắc riêng không thể đồng hoá được. Còn những dân tộc Bắc Mỹ và Nam Thái Bình Dương kia, họ bị xoá sổ bởi Văn hoá yếu.

Như nước Mỹ, các bác thấy thực ra nó không có nền Văn hoá của riêng nó. Nó có lịch sử 200 năm và một nền Văn hoá không có lịch sử. Thử hỏi nền Văn hoá Mỹ có những thời kỳ nào, những di tích hiện vật và phi hiện vât nào? Vì thế mà nói Văn hoá Mỹ không có lịch sử. Họ có thể có một nền Văn minh rực rỡ nhưng Văn hoá của họ mù mịt.

Một dân tộc không có một nền Văn hoá có bề dầy sẽ rất nguy hiểm.

Dân tộc chúng ta có mấy nghìn năm lịch sử rồi. Về Văn hoá, chúng ta tự hào mình có một nền Văn hoá đầy bản sắc và sức sống. Nói sức sống vì sau bao nhiêu chiến tranh và bom đạn, chúng ta vẫn giữ được rất nhiều di vật vật thể và phi vật thể.

Mấy nước có vài trăm năm văn hoá như Mỹ, Úc,... họ lại có cái hay là sẵn sàng chấp nhận, hoà nhập với các nền văn hoá khác, đó chính là nền tảng vững chắc cho công cuộc toàn cầu hoá hiện nay. Còn mấy nước mà tự nhận có văn hóa lâu đời như Tàu, Việt Nam hay Taliban thì lại sinh ra tính tự kiêu, cực đoan, coi mình là nhất. Thêm nữa, chỉ có mỗi chúng ta là tự cho mình có 4000 năm văn hoá thôi, còn dưới mắt những người nước ngoài mà tôi từng gặp (đủ cả Âu, Á, Phi, Mỹ Latin) thì văn hóa Việt Nam chỉ là một bản sao không hoàn hảo của văn hoá Trung Quốc.

Về thời cuộc, người Á Đông thường nhìn theo thuyết Thiên, Địa, Nhân là 3 yếu tố chi phối sự hưng vong của một quốc gia. Thiên ở đây có lẽ ta hiểu như là Thời Cơ, Thời Điểm, Thời Đại, Qui Luật Xã Hội v.v... Địa thì là các yếu tố về Vị trí địa lý, Lịch Sử, Văn Hoá, nói chung là tất cả những gì thuộc về vật chất và tinh thần của một dân tộc. Nhân thì dĩ nhiên là yếu tố con người, nói đúng hơn là Trí Tuệ, nghị lực của con người,...

Những nước giàu (như nhóm G7) chẳng hạn đều là những nước da trắng (kể cả Nhật Bản) hoặc ít ra là không phải da sậm. Vậy thì dù muốn hay không ta cũng phải công nhận một yếu tố mà lập luận phát xít, phân biệt chủng tộc nêu ra: dó là giống dân da trắng thông minh hơn!!! Nói ra điều này thật rất đau lòng và phạm huý, nhưng khó có thể bác bỏ được.

Tất cả những phát minh khoa học, những sáng kiến,v.v... - Yếu tố quan trọng của sự giàu mạnh... đều thuộc về nhũng người có mầu da sáng hơn.

Sau nữa là môi trường địa lý và hoàn cảnh lịch sử. Những người châu Âu khi sang Mỹ thời thế kỷ XVI, XVII, găp một môi trường địa lý rất thuận lợi, một lục địa rộng mênh mông, giàu tài nguyên khoáng sản, lại gặp thời đại lịch sử hết sức thuận lợi là thời kỳ mới phát triển của phương thức sản xuất TBCN, mới bắt đầu cơ giới hoá và công nghiệp hoá nên có điều kiện phát triển rất nhanh vượt cả những người tổ tiên họ ở châu Âu - dù những người châu Âu cũng đã rất văn minh và phát triển hơn so với thế giới.

Vậy là yếu tố Con Người, yếu tố Thời Đại và yếu tố Địa Lý rất quan trọng.

Còn Văn Hoá thì sao?

Trong một môi trường Văn Hoá đa dạng, "Hợp chủng" như Mỹ, đã đành là những nguời có nguồn gốc Anglo-saxon vẫn là những người giàu có nhất, và có nhiều thành tựu nhất, nhưng tất cả các giống dân khác, bất kể mầu da văn hoá, cũng đều khá hơn so với chính đồng chủng, dồng văn của họ ở cố quốc. Vậy là yếu tố Văn Hoá không quan trọng. Môi trường sống mới là quan trọng.

Picaso, Vangogh, Chagal khi ở Tây Ban Nha, Hà Lan hay Nga đều không nổi tiếng, nhưng đến khi lập nghiệp ở Pháp thì họ đều trở thành các bậc Maître thế giới cũng là một chứng minh cho sự quan trọng của môi trường sống quan trọng thế nào.

Một người hay một dân tộc, cho dù có đổi tôn giáo cũng không thẻ giàu lên được, trái lại dù giữ nguyên văn hoá và tôn giáo của tổ tiên, nhưng di cư khỏi mảnh đất quê hương cằn cỗi như những người nông dân Bắc Bộ khi vào Nam Bộ lập nghiệp lại trở nên giàu có hơn. Vậy là lại một chứng minh về tầm quan trọng của môi trường địa lý.

Tóm lại theo tớ, chìa khoá của sự giàu có, trước hết nằm trong bộ óc của con người. Yếu tố Nhân. Người nào hay dân tộc thông minh, năng động, sáng tạo, cần cù, dũng cảm hơn thì người đó hay dân tộc đó giàu mạnh hơn và ngược lại.

Sau đó là Thời Thế hay Thiên Thời. Dù một dân tộc thông minh, sáng tạo, có nghị lực mà chưa gặp hoặc không gặp thời cũng khoá phát triển lên được. Châu Âu thời Trung Cổ là một ví dụ điển hình.

Sau đó là yếu tố Địa Lợi. Người châu Âu sang lập nghiệp tại châu Mỹ như Rồng xuống Biển, như Cọp vào Rừng, họ có đất "dụng võ" để thể hiện sự thông minh, nhiều sáng kiến, tinh thần khoa học thực dụng của họ, nên họ phát triển rất nhanh. Giá thử vùng đất ấy cho mấy ông da đen đến lập nghiệp thì dến bây giờ chắc vẫn còn là nơi khỉ ho cò gáy chứ làm gì có các super town và một xã hội siêu phát triển như hiện nay. Những người Hoa hay những người Ấn, khi sang Mỹ, họ vẫn giữ nguyên tôn giáo, văn hoá của họ, nhưng tại sao họ lại trở nên giàu có hơn tại chính quốc?

Nói tóm lại yếu tố Văn Hoá có tác dụng bảo tồn chứ không có tác dụng phát triển. Không có một nến văn hoá nào là mang những yếu tố kìm hãm hay thúc đẩy sự phát triển. Tất cả là tuỳ thuộc vào Con Người, Thời Thế và Môi Trường Sống.

Không nên hiểu nhầm nghĩa Văn hoá với Văn minh rồi. Hai khái niệm này hay nhập nhằng nên thường mọi người hay nhầm. Định nghĩa Văn minh là thế này: Văn minh là một lát cắt của Văn hoá.

Như nước Mỹ, các sản phẩm điện ảnh của họ chẳng hạn, là các sản phẩm Văn hoá, đúng thế, nhưng cả cái lát cắt Văn hoá hiện đại của Mỹ gồm cả nghệ thuật và tập quán v.v... chỉ là những phần của một nền Văn minh. Chứ nước Mỹ không có Văn hoá của mình.

Không có Văn hoá nên họ mới rất dễ dàng bị đồng hoá. Nói hoà nhập chính là một dạng của sự đồng hoá. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Nền Văn hoá lâu đời không dễ dàng bị đồng hoá nhưng cũng rất khó chấp nhận cái hay của một nền Văn hoá khác mình. Các dân tộc không có bản sắc dễ dàng chấp nhận nhũng gì không phải là họ, bởi vì bản sắc của họ yếu, họ không là gì cả, không là mình, nhưng cũng sẵn sàng là tất cả những gì có ích cho cuộc sống của họ.

Mà có nên gọi họ là dân tộc không? Dân Úc không phải là dân tộc. Dân Mỹ không phải là dân tộc. Họ là những quốc gia, thậm chí cường quốc, nhưng dân tộc thì không.

Nói về thế hệ trẻ con: chúng không bảo thủ như mình nên dễ dàng chấp nhận cái mới hơn, vì thế dễ tạp ra cái mới hơn. Nói ở cấp độ vĩ mô thì các quốc gia như Úc,... cũng giống như thế. Cái giống giữa họ và lũ trẻ kia là: nền tảng Văn hoá yếu. Nó có hai hệ quả: rất dễ đánh mất mình nhưng cũng rất dễ tạo ra cái mới.

Nhưng trong những quan điểm trên cũng tồn tịa những mâu thuẫn. Đầu tiên nói rằng Trí tuệ và nghị lực của con nguời mới là quan trọng, và người da trắng thông minh hơn vàng.

Sau đó lại nói môi trường mới là quan trọng. Nếu lấy dẫn chứng nguời Mỹ và người Anh, các hoạ sĩ, làm ta nhớ đến câu chuyện quýt trồng ở nước Tề khác với quýt trồng ở nước Sở. Chẳng lẽ con nguời cũng như những quả quýt kia, thực ra trí tuệ không hơn kém nhau mà chỉ phụ thuộc vào địa lý. Như thế là mâu thuẫn với luận điểm trên rồi.

Nếu hỏi: "Thế sao vào thời ấy những dân tộc Á Phi lại yếu đuối đến độ để bị xâm lược đô hộ, chẳng phải vì ngu dốt hơn ư?". Câu trả lời là không. Chẳng hạn ở Châu Á: Trung Hoa và Việt Nam dính phải chế độ phong kiến. Về mặt xã hội và kinh tế, việc bế quan toả cảng dẫn đến bóp nghẹt sự phát triển kinh tế - như các bác biết, ngoại thương vô cùng quan trọng với một nền kinh tế và trao đổi hàng hoá là thiết yếu cho sự phát triển Kinh tế, Nho giáo làm cho ý thức cá nhân chùn đụt. Về mặt khoa học, khoa học kỹ thuật không phát triển vì nguyên nhân sâu xa là ý thức hướng về xã hội và tự nhiên của người phương Đông, người phương Đông chủ trương hoà hợp với tự nhiên chứ không cải tạo, thống trị tự nhiên.

Nguyên nhân của hành động bế quan toả cảng: Các Hoàng Đế muốn quyền lực của mình là tuyệt đối - đây là yếu tố khách quan. Ý thức cá nhân kém vì Nho giáo chủ trương con người hoà vào cái Ta chung, phục vụ nhà vua. Con người vì thế trở nên thụ động, chỉ nghe lệnh trên mà không vận dụng sự sáng tạo của mình.

Nguyên nhân của khoa học kém phát triển là ý thức dung hoà với tự nhiên. Nguyên nhân của ý thức này là ảnh hưởng Nho giáo, Lão giáo. Lấy ví dụ như hai đứa bé con thông minh như nhau sinh ra trong hai gia đình có sự giáo dục khác nhau: một gia đình dạy con: "ham học là tốt", gia đình kia thì bảo: "học làm cái gì, lo mà tập cơ bắp làm ruộng, rồi tao lấy cho con vợ béo tốt". Thế thì lớn lên, hai đứa bé ấy sẽ thế nào dù thông minh như nhau? Đành rằng môi trường là quan trọng, nhưng chính cái ý thức thấm sâu trong chúng đã làm nên số phận chúng.

Về việc người Anh dùng cái đầu mình để làm giàu. Đồng ý, nhưng bảo là họ chỉ "thêm thắt vào sự giàu có của họ" thì có lẽ là không phải. Thêm thắt? Nghĩa là dù thiếu nguồn lợi từ thuộc địa thì họ cũng chẳng hề hấn gì vì nguồn thu từ bóc lột thuộc địa không mấy đáng kể so với tổng thu nhập của họ? Nếu đúng thế thì việc quái gì Pháp phải giãy nảy lên khi mất cái vùng Đông Dương nhỏ bằng lỗ mũi? Việc quái gì Anh phải ra sức giữ những thuộc địa của mình? Và nữa, việc quái gì mà vào những thế kĨIVI, XVII, Anh và Pháp tranh nhau kịch liệt mảnh đất Bắc Mỹ?

Nếu không phải, mà ý nói rằng từ "thêm thắt" này có nghĩa là sự giàu có vốn là cái gốc của họ, từ đó họ phát triển bằng cách chiếm thuộc địa và nhân sự giàu có ấy lên nhiều lần, nghĩa là nguồn thu từ thuộc địa lớn hơn tổng thu nhập Mẫu quốc làm ra, thì tớ lại có thể nhấn mạnh lại: Sự giàu có hiện nay của họ phần lớn là nhờ bóc lột



Powered by Blogger