Thursday, February 03, 2005
Những mốc lịch sử quan trọng nhất của Hà Nội
Những mốc lịch sử quan trọng nhất của Hà Nội
Username: Koibeto81
Câu "Hà Nội ngàn năm văn vật" chắc ai cũng biết và cũng có thể nói ra được, vậy mà chẳng mấy ai nhớ nổi những thời khắc quan trọng nhất mà Hà Nội đã trải qua.
Cái tên Hà Nội thực ra xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1831 nhân một cuộc cải cách hành chính lớn thời Minh Mạng. Lúc đó nhà Nguyễn gọi là tỉnh Hà Nội, Hà Nội của nhà mình được gọi là thành phố khi Pháp thành lập "thành phố Hà Nội" vào năm 1886 sau khi chiếm được tỉnh Hà Nội vào năm 1883. Còn bà con mình thì vẫn cứ gọi là Hà Nội cho ngắn gọn.
Nhưng theo tớ nếu tính lịch sử Hà Nội từ năm nào thì nên tính từ khi Hà Nội bắt đầu đóng vai trò quan trọng nổi bật trong đời sống kinh tế, văn hoá, chính trị của nước mình, do đó tớ thấy bắt đầu từ năm 1010 là được, giống bác cuoihaymeu.
Đúng là kể từ thời điểm đó Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi xảy ra những sự kiện quan trọng đối với mệnh hệ của dân tộc mình.
Vua Lý Thái Tổ khi dời đô về Đại La, rồi như chúng ta vẫn biết là dựa vào truyền thuyết "rồng bay lên" mà sinh ra cái tên Thăng Long. Chuyện có thể không thật nhưng các cụ nghĩ ra chuyện đó chắc không phải đề loè ai cả mà có lẽ chỉ là một niềm tin, một dự đoán, một mong muốn rằng từ đây Thăng Long rồi Hà Nội sau này, đi vào lịch sử như là trái tim của dân tộc Việt.
Tớ xin được nhắc lại một số mốc quan trọng trong lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trong 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông, Thăng Long đã 3 lần thành "vườn không nhà trống" làm cho quân giặc lâm vào cái cảnh "lui thì không xong mà đánh thì chẳng biết đánh nhau với ai" rồi cuối cùng cũng bị đánh cho chạy mất dép.
Đến thời Lê Lợi, Nguyễn Trãi đánh giặc Minh. Thăng Long trở thành chiến trường cuối cùng khi quân giặc, khiếp sợ trước sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn, đã phải thề ở cổng thành phía Nam (không biết là cửa ô nào trong năm cửa ô), xin đầu hàng.
Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Thăng Long lại trở thành nơi chứng kiến thiên tài quân sự của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, bằng một cuộc cuộc hành quân thần tốc (tớ không rõ nó diễn ra trong bao lâu mà chỉ biết điểm đến là Thăng Long và vào ngày mồng 5 Tết) đã đánh tan 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh.
Dưới triều Nguyễn (kể từ Nguyễn Ánh) tuy không còn là thủ đô nữa nhưng Thăng Long - Hà Nội vẫn là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của thời đó.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi Mỹ, Thăng Long - Hà Nội vẫn xứng đáng là trái tim của cả nước. Nổi bật là trong Cách mạng tháng Tám, Hà Nội là một trong những địa phương nổi dậy giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, và đến ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa..., rồi đến ngày 19/12/1946, Hà Nội lại là nơi mở đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm của cả dân tộc. Đến thời chống Mỹ thì Hà Nội cùng với các tỉnh miền Bắc trở thành hậu phương lớn của miền Nam ruột thịt. Rồi trong 12 ngày đêm ác liệt năm 1972 nhân dân Hà Nội đã làm lên một Điện Biên Phủ trên không, buộc Mỹ phải ký hiệp ước Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Ha... Hà Nội nhà mình cũng anh hùng ra phết đấy chứ nhỉ.