Thursday, February 03, 2005
Tâm sự về Hà Nội
Username : Koibeto81
Sông Hồng mang đặc tính của từng mùa: khi trong khi đục. Có người bảo sông Hồng mùa nào cũng đục. Nếu nói như ai đó thì quả người ấy chưa biết sông Hồng, mới biết qua cái tên của nó mà thôi. Sông Hồng, vào khoảng cuối đông và tầm giêng hai, nước cũng khá trong. Nước Sông Hồng không giống bất kì nước của con Sông nào. Khi đỏ lựng như pha son về mùa lũ, khi phớt hồng như hoa đào về mùa thu, lại có lúc mang màu vàng nhạt như ánh hoàng hôn, rồi màu gạch của Lũ sông Đà, sông Lô, sông Chảy trộn vào. Mùa xuân, nước trong, phảng phất chút sắc hồng nhẹ như má người con gái, thoáng ửng hồng khi tiết trời se lạnh. Đôi bàn tay chụm vào nhau, vục lấy một vốc nước, không làm vậy mà chỉ đứng từ xa, hay chỉ nhìn dòng nước không thôi...khó có thể thấy cái màu đặc biệt của Sông Hồng.
Sông Hồng cũng "đỏng đảnh" lắm, lúc thì dữ dội, hung hãn những thàng lũ về, khi thì lơ thơ, uể oải...lững thững dạo ngang qua Hà thành. Từ ngàn xưa, sông Hồng cứ thế, lẳng lặng ngắm nhìn Hà Nội, gắn bó với Hà Nội...bởi vậy mới nói, Hà Nội Sông Hồng - Sông Hồng Hà Nội.
Sông Hồng vẫn chảy, người Hà Nội vẫn sống...trong cuộc sống xô bồ ấy, không biết có mấy người Hà Nội từng có đôi lần, trong tĩnh lặng, ngắm nhìn dòng sông, hay thong thả dạo bước trên cầu Long Biên để mặc cho gió sông Hồng vuốt ve, âu yếm...để ngắm nhìn dòng nước lầm lỳ nhưng dữ dội...Có người nói rằng, cách nghĩ, cách thưởng ngoạn tao nhã không mất tiền mua nhứng cái thú của cuộc đời, đó là sự giàu có của tâm hồn người Tràng An...
Bậc thánh thơ họ Cao, trong một buổi chiều tà ngắm nhìn dòng sông có thốt lên rằng: " Bức thành xây trên bụng rồng trời hùng tráng. Dòng sông cuộn theo nước đỏ, thành làn sóng hoa đào...". Thế mới biết, người ta đã và còn sẽ yêu Hà Nội không chỉ vì Hà Nội có Hồ Tây, Hồ Gươm...mà còn bởi vì Hà Nội có Sông Hồng.
Lu-đê-mít, nhà thơ Hy Lạp, cách đây mấy thập kỷ, khi ông đến Hà Nội, lúc trở về đã gửi lại mấy dòng cho Hà Nội, cho sông Hồng: " Tôi quên sao nước sông Hồng. Thêu sóng đỏ trên áo dài Hà Nội..."
Một nhà thơ Việt Nam khác, nhà thơ Quang Dũng, vẫn thường có những đêm trăng cùng nhóm bạn thơ đi bộ qua cầu Long Biên, về nhà một người bạn bên bờ Bắc...để được soi mình trên dòng Sông Hồng, để được ngắm Hà Nội. Nhà thơ có nói: "Không phải ngẫu nhiên mà vua Lý Thái Tổ dời đô về đây. Con mắt nhà vua...Phải nhìn từ bờ Bắc này mới thấy hết được: Đêm Trăng - Sông Hồng - Hà Nội. Trời ! Tuyệt quá ! Đúng là rồng đang bay lên !...". Mấy người bạn cứ ngồi lặng trong đêm nhìn về Hà Nội không biết chán. Suốt từ phía dưới cảng Vĩnh Tuy, phà Đen ngược lên Yên Phụ, cầu Thăng Long. Ánh điện lung linh, những ngọn đèn cao áp như những vì sao xanh, những ánh đèn màu toả ra từ những khung cửa sổ của một vài toà nhà cao, thấp nhấp nhô...tất cả cứ nối tiếp nhau, nhấp nhổm uốn khúc như con rồng đang ưốn khúc, chuẩn bị tung mình bay lên... Những vì sao, ánh trăng đượm buồn và ánh đèn thành phố, chen nhau, quấn quýt lấy nhau, phả xuống dòng mặt sông, in mình trên dòng nước...bập bềnh, nhún nhảy. Thỉnh thoảng trên mặt sông lại xuất hiện một vài cánh buồn lặng lẽ xuyên vào màn đêm. Những vì sao, những ngọn đèn và cả chị Hằng ý tứ rẽ ra cho thuyền đi, rồi lại nhảy múa đùa vui sau bánh lái, dưới mái chèo...Mấy con thuyền nhà chài, ngọn đèn dầu le lói run rẩy trong khoang, lặng im, góp vào bức tranh Đêm-Sông Hống-Trăng sao- Hà Nội...một nét chấm im lìm, đậm mà chắc nịch.
Hà Nội - Sông Hồng đang hân hoan chào đón thế kỉ 21, chào đón ngày sinh nhật thứ 1000. Rồi đây, Hà Nội sẽ thay đổi nhiều hơn, sẽ ồn ào hơn...nhưng có lẽ vẫn sẽ còn những kẻ phải thổn thức, phải ngỡ ngàng với bức tranh: Đêm Trăng - Sông Hồng và Hà Nội.
Vài dòng Tâm sự về Sông Hồng và Hà Nội nhân đọc bài Sông Hồng Hà Nội của Thanh Hào trên Hà Nội xưa và nay. Ôi...tôi yêu Hà Nội mất rồi !