Hợp tuyển Box Lịch sử- Văn hoá
Thursday, February 03, 2005
 
Tản mạn về kiến trúc lăng tẩm Huế
Tản mạn về kiến trúc lăng tẩm Huế
Username: NguCong


Người du khách đã từng một lần đến với Huế, nơi dòng sông Hương lững lờ chảy, tất không tránh khỏi ngỡ ngàng. Là một trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, thế nhưng, khác với các thành phố phát triển anh em, ở Huế, ta bắt gặp một nhịp sống nhẹ nhàng, thanh thản. Con người Huế ung dung, tự tại. Cảnh sắc Huế dịu dàng, thơ mộng. Kiến trúc Huế độc đáo và tinh tế. Ba yếu tố đó hoà quyện với nhau, nâng đỡ nhau và nuôi dưỡng lẫn nhau tạo nên một miền đất cố đô xinh xắn. Huế đẹp và ngây thơ như một cô gái đương thì.
Nói đến Huế là nói đến cả chiều dài của một nền phong kiến Việt Nam. Huế là mảnh đất cuối cùng lưu lại được những đường nét kiến trúc độc đáo, đặc trưng cho một nền quân chủ đã tồn tại trên đất nước ta suốt hơn một nghìn năm lịch sử. Thế nên, nghiên cứu lịch sử kiến trúc Việt Nam mà không tìm đến với Huế là một thiếu sót lớn. Và sẽ lại càng thiếu sót hơn nếu nghiên cứu kiến trúc Huế mà không cảm được con người Huế, thiên nhiên Huế.
Trong bài viết nho nhỏ này, tôi không hề có ý định trình bày tất cả đặc điểm kiến trúc Huế. Việc đó vượt xa khả năng của một bài báo. Chỉ xin mời bạn cùng tôi tìm đến và cảm nhận một loại hình kiến trúc rất đặc trưng cho Huế. Đó là kiến trúc lăng tẩm.
Theo quan điểm của triết học phương Đông, vua là biểu trưng của mặt trời cao cả, là đấng chí tôn của muôn vật. Hình ảnh mặt trời lặn biểu thị khái niệm vua băng hà. Thế nên, các vua triều Nguyễn trước khi mất đều chọn cho mình mảnh đất an nghỉ tại vùng đồi núi tĩnh mịch nằm khá biệt lập ở phía Tây và Tây Nam kinh thành. Trải qua 13 đời vua, nhưng do điều kiện lịch sử có nhiều biến động của đất nước ta dưới thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, tại Huế hiện nay chỉ có 7 khu lăng tẩm. Đó là các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh và Khải Định.
Xây dựng lăng tẩm cho nhà vua, các nhà kiến trúc thời Nguyễn phải triệt để tuân thủ yếu tố phong thuỷ. Âm phần nhà vua, hậu vận của hoàng tộc tốt hay xấu đều phụ thuộc vào sự lựa chọn đất để xây lăng, sự định đặt phương hướng và ngày khởi công xây dựng. Lăng tẩm nào cũng phải theo đúng các nguyên tắc phong thuỷ phương Đông như sơn triều, thuỷ tụ, tiền án, hậu chẩm, tả long hữu hổ, huyền thuỷ minh đường... và "huyền cung", nơi trung tâm điểm của kiến trúc, phải toạ lạc đúng long mạch. Để tìm được một mảnh đất hội đủ những yếu tố như vậy, các nhà địa lý giỏi nhất thời bấy giờ đã phải bỏ công sức hàng tháng, thậm chí cả năm trời đi khắp vùng đồi núi phía Tây kinh thành. Thế nên, đến thăm lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn, ta không thể chỉ quan tâm đến những công trình kiến trúc ngay trước mặt mà phải phóng tầm mắt ra rất xa. Có như vậy, ta mới thấy hết được thực thể địa lý thiên nhiên gắn liền với nó, mới thưởng thức được sự hoà quyện tuyệt vời giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Ít ai ngờ rằng, tổng diện tích lăng Gia Long lên tới 2875 ha, có đến 42 ngọn núi chầu vào trung tâm điểm là mộ địa. Vùng lăng Triêu Trị rộng tới 475 ha, phía trước, bên phải có đồi Vọng Cảnh, bên trái của núi Ngọc Trản đứng thành thế "tả long hữu hổ", ngọn núi Chằm đứng làm tiền án cách xa tới 8m. Còn trước mặt lăng Khải Định là dòng khe Châu Ê chảy khuất khúc từ trái sang phải rồi rẽ lại theo thế "chi huyền thuỷ". Ở đây, mọi chi tiết của thiên nhiên đều đã được các nhà kiến trúc thời Nguyễn khai thác một cách triệt để, tận dụng và chỉnh trang lại để phục vụ cho ý tưởng của mình, tạo ra bối cảnh cho kiến trúc lăng. Sự hoà hợp ở đây đã đặt tới mức tuyệt diệu. Có thể nói là kiệt tác nhân tạo nằm trong lòng kiệt tác thiên nhiên vậy. Bảy lăng tẩm, mỗi lăng một tên gọi, và mỗi lăng lại cho ta một kiến trúc độc đáo, khác biệt.

Tại lăng Minh Mạng, các công trình kiên trúc được bố trí đối xứng từng cặp qua một trục chính đi xuyên qua tâm lăng, thưa ở phần đầu và dày dần lên ở phần cuối trục. Cách bố trí này tạo nên một bố cục chặt chẽ, thống nhất. Xen kẽ giữa các các công trình kiến trúc là hai hồ lớn được uốn nắn, điều chỉnh, tạo cho lăng sự cân đối về âm dương. Sụ kết hợp hài hoà của kiến trúc lăng đem đến cho du khách một cảm giác thành kính, nghiêm cẩn nhưng vẫn rất bình ổn trong tâm hồn.

Trái ngược lại với phong cách kiến trúc chặt chẽ của lăng Minh Mạng là phong cách kiến trúc hết sức phóng khoáng của lăng Tự Đức. Tại đây, mô hình đối xứng trong nghệ thuật kiên trúc cổ điển phương Đông bị phá vỡ. Mỗi công trình đều mang một đường nét khác nhau về nghệ thuật tạo hình, không hề trùng lặp, hết sức sinh động nhưng vẫn đảm bảo được tính nhất quán, gần gũi của một thực thể thống nhất. Các nhà kiến trúc thời Tự Đức đã khéo léo lợi dụng nguồn nước tự nhiên của một con suối nhỏ để nới rộng, đào sâu và uốn nắn các thế đất, tạo nên hồ Lưu Khiêm và đắp thành đảo Tịnh Khiêm thơ mộng, tạo ra những con đường uốn lượn mềm mại như dải lụa phất phơ trước gió. Tại đây, ta nhận thấy một sự hoà quyện tuyệt vời giữa kiến trúc nhân tao và kiến trúc thiên nhiên."Lăng Tự Đức trở thành một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, gợi cho du khác một hồn êm thơ mộng"(Phan Thuân An).

Nội thất lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn thực sự là những viện bảo tàng vô giá. Nơi đây lưu giữ những kiệt tác của dân tộc về hội hoạ, về trang trí, về gốm, sứ... phản ánh bàn tay tài hoa và bộ óc nghệ thuật tinh tế của các nghệ nhân nước ta qua hai thế kỉ. Đỉnh cao của sự xa hoa và hoành tránh trong trang trí nội thất lăng tẩm phải kể đến lăng Khải Định, vị vua được biết đến do tính cách thích trưng diện, do tác phẩm "Con rồng tre" nhiều hơn là do tài năng cai trị đất nước. Theo một số tư liệu còn lưu giữ được đến nay thì để có tiền xây lăng cho mình, nhà vua đã quyết định tăng thuế trên toàn quốc lên thêm 30%. Một con số cho thấy tính xa hoa đến kì lạ của con người đứng đầu đất nước này. Trên các bức tường trong cung Thiên Định, công trình kiến trúc chủ yếu của lăng, các nghệ nhân đầu thế kỉ hai mươi đã dùng hàng vạn mẩu sành, sứ, thuỷ tinh đủ màu sặc sỡ để đắp nổi thành hàng ngàn hình ảnh, hoạ tiết sống đông, vui mắt, và hết sức tinh xảo. Đặc biệt trên nóc trần của cung Thiên Định, còn lưu lại bức hoạ long vân độc đáo với diện tích hàng chục mét vuông, do cụ Phan Văn Tánh, một nghệ nhân nổi tiếng trong " Nê ngoã tượng cuộc" ở Huế thời đó tạo thành bằng cả... chân và tay.

Bức hoạ dùng màu xanh sẫm vẽ lên nền chất liệu ximăng trông như làm từ cẩm thạch, đến nay vẫn được coi là bức hoạ hoành tráng có giá trị mĩ thuật cao nhất của nền hội hoạ nước nhà.

Xuất phát từ quan điểm "sống gửi thác về" của con người thời bấy giờ, mà theo đó, cuộc sống dù có dài đến trăm năm thì cũng sẽ qua đi như một giấc mộng, chết không phải là hết, mà chết tức là bước vào một cuộc sống vĩnh hằng. Quan điểm này ta có thể tìm thấy ở hai câu thơ trong bài "Ngẫm sự đời" của Tự Đức, vị vua thứ tư và cũng đồng thời là vị vua thi sĩ bậc nhất trong các vua triều Nguyễn.

Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê
Sống gửi rồi ra thác lại về

Thế nên, các ông vua triều Nguyễn đều có ý định xây lăng cho mình ngay từ lúc còn sống. Nhà vua chính là người phê duyệt việc chọn đất, tự lựa chọn kiến trúc và cũng là người trực tiếp đôn đốc việc thi công lăng tẩm cho mình. Điều đó lý giải tại sao, sau này, khi nhìn vào toàn bộ quy hoạch, kiến trúc và nội thất của lăng, ta như thấy thấp thoáng tính cảch, phẩm chất của từng ông vua trong đó. Lăng Gia Long hoành tráng, uy nghiêm mà thanh thản như cuộc đời một võ tướng đã công thành, danh toại. Lăng Minh Mạng chặt chẽ, hệ thống và đường bệ. Lăng Tự Đức phóng khoáng, hữu tình phản ánh tâm hồn lãng mạn của một ông vua thi sĩ. Lăng Khải Định xa hoa tráng lệ mà thô cứng...

Cũng chính xuất phát từ quan niệm về sự sống, cái chết rất phóng khoáng, nhẹ nhàng ấy mà đến với lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn, ta không hề nhận thấy cảm giác ảm đạm, tang tóc. Trái lại, du khách như đặt chân đến chốn bồng lai tiên cảnh, để hồn khơi lên những cảm xúc lâng lâng, nhẹ nhõm. Làm cho cái tang tóc biết cười, e rằng chỉ đây mới có...



Comments: Post a Comment

<< Home

Powered by Blogger