Hợp tuyển Box Lịch sử- Văn hoá
Thursday, February 03, 2005
 
Nước ta có mấy nghìn năm lịch sử ?
Phần thứ 5- Diễn đàn

Ðây mới chỉ là hai topic tiêu biểu nhất trong nhiều topic mang tính tranh luận của box LS-VH mà thôi. Hy vọng diễn đàn này sẽ là nơi hội tụ được nhiều ý kiến cũng như mang lại cho các user nhiều cơ hội giao lưu cũng như nâng cao hiểu biết của mình trong lĩnh vực LS-VH.



Nước ta có mấy nghìn năm lịch sử ?

Ở đây, bạn có thể tìm thấy những ý kiễn tranh luận của các thành viên trong TTVNonline về một vấn đề lịch sử, văn hoá còn nhiều nghi vấn: lịch sử Việt Nam dài bao lâu, cuối cùng thì nước ta có mấy nghìn năm lịch sử, 4000 năm hay 2700 năm hay...?



Trích từ topic "Lịch sử Văn Hoá Việt Nam nè các bác... " do Lolera gửi

Lorela

Em nghĩ ta phải bắt đầu từ cái cơ bản nhất là lịch sử Việt Nam dài bao nhiêu năm(đã hỏi một lần nhưng chưa ai trả lời). Theo tính toán của em thì không phải 4000 năm mà là khoảng 2600 năm, chính xác hơn là em muốn hỏi về "cận trên" của thời đại Hùng Vương.



VuaEch

Ếch tớ chỉ biết Việt Nam có mấy nghìn năm lịch sử thôi. Kể ra thì dài 4000 năm hay ngắn hơn cũng khó nói. Nếu nói từ lúc ở trên đầu con rồng bắt đầu có người ở thì chắc là cũng lâu, nhưng nếu tính từ lúc bắt đầu có nhà nước thì chắc cũng độ gần ba nghìn năm thôi.



Lorela

Chán quá, tớ định viết một bài rất to có dẫn chứng ngày tháng, sách vở tác giả đầy đủ nhưng bị xoá mất tiêu rồi, tớ lại quên hết năm tháng dẫn chứng chỉ còn nhớ từng này thôi. Cho đến nay, hầu hết những công trình nghiên cứu cho rằng mở đầu thời đại các Hùng Vương tương ứng với khoảng năm 2879 trước CN, và các vua Hùng tồn tại kéo dài đến 2621 năm., tức là 18 đời vua Hùng tồn tại hơn 2600 năm, vị chi một đời vua kéo dài đến 130 năm. Chính Ngô Thì Sĩ đã không tin một đời người có thể kéo dài như thế.

Sách Việt sử lược có một đoạn rất hay: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682) ở bộ Gia Minh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương”. Chỉ dẫn niên đại này của Việt Sử Lược hơn hẳn thông tin niên đại do các nguồn tư liệu khảo cổ học thu được trong nhiều thập kỷ qua. Hơn nữa, cái Logic nội tại của nó cũng không thể hoài nghi được: 18 đời vua Hùng với tổng cộng chừng 450-500 năm là hợp lý, mỗi đời Vua Hùng chỉ khoảng 25 năm là đáng tin cậy.

Vậy tớ băn khoăn không biết có phải dân tộc ta có 4000 năm văn hiến không? Và nếu đúng là 4000 năm văn hiến thì sẽ giải thích thế nào với gần 1000 năm dôi ra đây?



TruongLaoCaiBang

Theo tôi, mọi người quen gọi 18 đời vua là chỉ 18 ông vua.Nhưng nếu quan niệm 18 đời vua này là do 18 triều đại khác nhau hay có thể nói là 18 dòng họ thay nhau trị vì thì như thế không có gì là lạ cả. Điều này có thể xem rõ trong biên niên sử các triều đại TQ và VN qua các thời kì.



Chaien1

Vấn đề là tư liệu về các thời kỳ ấy có đáng được gọi là Tài liệu Sử học theo đúng định nghĩa của môn Khoa học lịch sử hay không? Hay thuộc về phần Dã Sử? Hầu hết các sách sử Việt Nam khi nói đến giai đoạn này đều đưa ra dẫn chứng quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư- được viết từ quãng TK13, sau Ngô Sĩ Liên thống nhất và bản phổ biến nhất là bản in năm Chính Hòa 18 (1697). Có vấn đề là: quyển sử này cũng chép lại truyền thuyết, hoặc đôi chỗ phóng tác theo một số pho sử cổ đại Trung Quốc.



Bayern_munich

Trích Đại Việt Sử Kí Toàn Thư:

“Thời Hoàng Đế dựng nước,lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam,xa ngoài đất Bách Việt.Vua Nghiêu sai Hy thị đến ở Nam Giao để định đất Giao Chỉ.Từ Đời thành Vương nhà Chu mới gọi là Việt Thường thị,tên Việt có từ thời ấy.”

Triều đình đầu tiên của VN là Kỉ Hồng Bàng Thị kéo dài từ năm 2878 TCN đến 256 TCN.Vua đầu tiên là Kinh Dương Vương.Theo ĐVSKTT thì Kinh Dương Vương tên huý là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh nhân đi tuần phương Nam gặp con gái Vụ tiên sinh ra Kinh Dương Vương.Sau này Đế Minh cho Kinh Dương Vương cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình quân tên là Thần Long,sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh được trăm con trai,là tổ tiên người Bách Việt. Lạc Long Quân phong con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi vua

Sử cho rằng có 18 đời vua Hùng,nhưng do thời đó văn tự chưa phát triển nên không có nhiều cơ sở thực tế để khẳng định.Lịch sử hơn 2000 năm này chủ yếu do dân gian lưu truyền qua các truyền thuyết như Sơn tinh-Thuỷ Tinh,chuyện Lang Liêu,Chử Đồng Tử- Tiên Dung,Thánh Gióng...Sau thời Hùng Vương là Âu Lạc.Như vậy cộng lại LSVN từ năm 2878TCN tới nay là năm 2002 tổng cộng 4880 năm.Nói LSVN 4000 năm là đã làm tròn xuống rất nhiều rồi.Đó là còn chưa kể thời kì nước Việt ta chưa có nhà nước thì còn lâu nữa



Chaien1

“Từ Đời thành Vương nhà Chu mới gọi là Việt Thường thị,tên Việt có từ thời ấy”

Có nhiều người nghi ngờ Việt Thường Thị có thể là Chăm-pa. Bản thân bản gốc TQ cũng không nói rõ Việt Thường thị ở đâu, chỉ nói đến chuyện có mấy ông sứ giả sang cống Bạch Trĩ và một số sản vật khác, phải qua đến mấy lần phiên dịch.



Yuyu

Việc ta hay quen nói Việt nam có 4000 hay thậm chí 5000 năm lịch sử là do bắt nguồn từ đoạn văn sau đây trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Ngoại Kỷ, quyển I, trang 131:



KỶ HỒNG BÀNG THỊ

KINH DƯƠNG VƯƠNG

Tên huý là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông

Nhâm Tuất năm thứ nhất [ 2789 trước Công Nguyên?].

Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh [ theo Quảng Châu Ký là 5 ngọn núi ở phía nam TQ là Đại Dũ, Thuỷ An, Lâm Hạ, Quế Dương, Yết Dương ] lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [ Kinh Dương Vương ]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quí, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam gọi là nước Xích Quỉ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân



LẠC LONG QUÂN

Tên huý là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là thuỷ tổ của Bách Việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng:

“Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thuỷ hoả khắc nhau, chung hợp thật khó”.

Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong con trưởng là Hùng Vương, nối ngôi vua.

HÙNG VƯƠNG

Con Lạc Long Quân (không rõ tên huý), đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ). Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là:

Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức ; đều là đất thần thuộc Hùng Vương ; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng độ.

Đặt tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng (chữLạc tướng sau chép sai là Hùng tướng). Con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mị nương. Quan coi việc gọi là Bồ chính, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương. Trở lên là kỷ Hồng Bàng Thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 [ 258 TCN] là năm Quí Mão thì hết, tất cả 2622 năm (?) [ 2879 - 258 TCN? ]. Dựa vào đoạn văn trên, tất cả các bộ quốc sử sau này đều coi cái mốc 2879 TCN là năm mở đầu lịch sử Việt Nam, do đó nếu tính đến nay ta đã có 2879 + 2002 = 4881 năm lịch sử ? Nhưng vấn đề là những điều Ngô Sĩ Liên viết trên kia về giai đoạn bình minh của lịch sử nước nhà là căn cứ vào đâu ? Điều này đã được ông nói rõ trong Quyển thủ - Phàm Lệ về việc biên soạn sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như sau:

Sách này làm ra gốc ở hai bộ Đại Việt Sử Ký của Lê văn Hưu và Phan Phu Tiên, tham khảo thêm Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền lại, rồi khảo đính, biên tậ p mà thành …Kinh Dương Vương là vua bắt đầu được phong của nước Đại Việt, cùng với Đế Nghi đồng thời, cho nên chép năm đầu ngang với năm đầu của Đế Nghi.

Những việc chép trong Ngoại kỷ là gốc ở dã sử, những việc quá quái đản thì bỏ đi không chép. Từ Hùng Vương trở về trước, không có niên biểu, thứ tự các đời vua truyền nhau không thể biết được, có thuyết nói là 18 đời, sợ chưa chắc đã đúng. Liệu chúng ta có nên tin hết những gì đã được chép trong chính sử như trên không? Và nếu không tin hết thì những đoạn nào đáng ngờ ?

Nhận xét về đoạn được chép trong chính sử này, Học giả Trần Trọng Kim (1882 - 1953) viết trong Việt Nam Sử Lược trang 13, như sau:

Xét từ đời Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm Nhâm Tuất (2879) đến năm Quí Mão (258 TCN) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm ! Dẫu là người đời thường cổ nữa, thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. Xem thế thì đủ biết chuyện đời Hồng Bàng không chắc là chuyện xác thực. Mà trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chỉ từ Đinh Tiên Hoàng trở đi mới được chép vào Bản Kỷ, nghĩa là Thời Kỳ Gốc, Thời Kỳ Chính Thức, còn trước đó đều thuộc phần Ngoại Kỷ.

Bây giờ thử xét Kỷ Hồng Bàng Thị ta thấy rõ có hai đoạn đầu Ngô mình Sở:

Đoạn từ Lạc Long Quân trở ngược về quá khứ là ghép từ Bắc Sử của Tầu:

Này nhé, cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra:

Con cả là Đế Nghi.

Con thứ hai là Kinh Dương Vương.

Con thứ ba là Đế Lai.

Hãy xếp riêng Đế Nghi và Đế Lai ra, tại sao con thứ hai của Đế Minh không có chữ Đế mà lại có chữ Kinh ?

Chỗ này Ngô Sĩ Liên viết:

Xét: Đường Kỷ chép: Thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi.

Rõ ràng Kinh Dương Vương là dòng dõi của vua Kinh Xuyên (Có thể là Kinh Châu, Tây Xuyên sau này?), và vì thông gia với Động Đình Quân nên được Ngô Sĩ Liên “ưu ái” ghép thêm lãnh thổ của nhà vợ thành ra nước Xích Quỉ của vua Kinh Dương mới rộng đến tận hồ Động Đình ? Vua Kinh Dương sinh ra thái tử Sùng Lãm …Thế là hết Bắc sử.

Không hiểu sao đến đây Ngô Sĩ Liên (và cả Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên đời Trần vì Ngô Sĩ Liên đã tham khảo từ bộ sử của hai vị này) lại coi thái tử Sùng Lãm con vua Kinh Dương là Lạc Long Quân để rồi ghép với huyền thoại dã sử Việt Nam là Lạc Long Quân lấy Âu Cơ ? Nếu đúng Lạc Long Quân là thái tử Sùng Lãm thì chả hoá ra quốc tổ Việt Nam là con một ông vua Trung Quốc sao ? Tất nhiên cái tên Lạc Long Quân cũng đã đặc sệt Tầu rồi.

Thành thử đến đây ta phải đặt nghi vấn về toàn bộ tiểu sử của vị quốc tổ Việt Nam có tên là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân Việt Nam (nếu có) không thể là thái tử Sùng Lãm con vua Tầu Kinh Dương được, vì đang từ một nhân vật hiện thực có gia phả, tên huý rõ ràng trong sử Tàu, lại thành một nhân vật huyền thoại, hoang đường, có phép thần thông quảng đại, diệt quái trừ yêu trong sử Ta.

Rõ ràng ở đây Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, và Ngô Sĩ Liên sau này đã sài lầm khi ghép sử Trung Quốc vào sử nước ta làm nên chuyện đầu Ngô mình Sở, gây ngộ nhận cho hậu thế.



Vì thế ta thấy đến đời con Lạc Long Quân, Việt sử mới thực sự quay về huyền thoại dân tộc :

Theo đó, mẹ Âu Cơ đẻ một bọc trăm trứng và các con của bà là các vua Hùng đều chỉ là những tên giả định, không có huý, không có niên hiệu rõ ràng, như ông bố ….hờ có gốc Tầu !!?? Cũng có giả thuyết cho là Âu Cơ chỉ là tên phiên âm Hán - Việt của tiếng gọi O Cò, nghĩa là Cô Cò theo cách nói của người Mường - một dân tộc được các nhà sử học và nhân chủng học cho là có nhiều điểm gần nhất với người Việt cổ.

Tóm lại 4000 hay 5000 năm văn hiến của Việt nam có thể là một nghi vấn vì bắt đầu bởi một sai lầm được chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vốn cũng chép lại những sai lầm trước đó của Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu mà nay đã thất truyền.

Một điều cũng cần nhấn mạnh là niên đại 2879 TCN cũng chỉ là một niên đại ước định, hoàn toàn không có gì chính xác, vì ngay trong sử Trung Quốc cũng chỉ đến đời Lệ Vương nhà Chu (841 TCN) thì niên đại mới bắt đầu được thiết lập chính xác.

Lịch sử văn hiến thực sự của Việt nam có lẽ sẽ chỉ được xác định do những thành quả của khoa khảo cổ mà thôi. Và có lẽ cái độ dài khoảng 2700 năm là hợp lý?



Bayern_munich

Yuyu viết

Này nhé cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra :

Con cả là Đế Nghi,

Con thứ hai là Kinh Dương Vương

Con thứ ba là Đế Lai.

Hãy xếp riêng Đế Nghi và Đế Lai ra, tại sao con thứ hai của Đế Minh không có chữ Đế mà lại có chữ Kinh ?



Có thể đây chỉ là danh hiệu thôi.Với lại vốn Đế Minh là người Trung Hoa, khi tuần thú Phương Nam mới gặp con gái của vụ tiên rồi sinh ra Kinh Dương Vương (không phải con chính thống).Có thể phương Nam ở đây là muốn ám chỉ lãnh thổ Việt Nam sau này.Khi Kinh Dương Vương lớn lên được Đế Minh yêu quý mới cho cai quản vùng phương Nam này mà thành thuỷ tổ của người Việt. Nói tổ tiên của người Việt là một người Trung Quốc cũng không chính xác vì dân cư được quy định theo lãnh thổ. Ngay cả Trung Quốc thời đó cũng còn chưa đầy đủ các bộ tộc như ngày nay.Việc hình thành một dân tộc là do quá trình đồng hoá lâu dài.Có thể Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân là người Trung Hoa, nhưng các bộ lạc họ cai quản để trở thành tộc Việt sau này lại là cư dân sinh sống trên đất Việt.Ngay cả con trưởng Lạc Long Quân là Hùng Vương thứ nhất cũng chỉ là người lãnh đạo, còn những bộ tộc mà Hùng Vương cai quản cũng vậy. Giả thuyết về trăm con trai có thể là thật,nhưng trăm người con ấy không phải là khởi nguồn tổ tiên của người Việt, có lẽ chỉ do suy đoán của người xưa thôi. Tôi luôn tin vào thuyết tiến hoá của Đác-uyn. Vì vậy tôi cho rằng tộc Việt của chúng ta là những nhóm người sống thành bộ lạc,dần dần tụ tập lại mà thành một nước. Còn Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân hay Hùng Vương là người đã tụ tập họ lại thì đúng hơn là sản sinh ra họ.

Điều khả nghi lớn nhất là: phương Nam ở đây có phải chính là lãnh thổ Việt Nam sau này hay không?



Yuyu

Chắc chắn là không phải ! Đế Minh lập nghiệp ở vùng giữa châu thổ sông Hoàng hà và Dương Tử (trường Giang), với “trình độ công nghệ” của thời cổ đại, Đế Minh không thể nào đi xa đến thế, vả lại địa hình từ phía nam trung Quốc đến phía bắc Việt Nam ngày nay vô cùng hiểm trở. Hàng ngàn năm sau khi Mã Viện đánh sang Giao Chỉ còn phải lập đường sạn đạo thì quân mới sang được, liệu Đế Minh (nếu có thật) có thể xuống tận vùng trung du hay châu thổ bắc bộ Việt nam để...lấy vợ?

Tóm lại câu chuyện Thần Nông với Đế Minh chỉ là câu chuyện hoang đường của Tầu, đã được các sử gia tiên khởi của hai triều Trần, Lê ghép vào dã sử Việt Nam vốn theo Mẫu Hệ thời cổ đại, chỉ biết có mẹ O Cò, để trở thành một câu chuyện đầu Ngô, mình Sở với ông bố lai Tầu Lạc Long Quân, gây ngộ nhận cho hậu thế nhiều đời....Hiện nay, với các khám phá mới của khoa khảo cổ học, càng ngày, người ta càng tin người Việt có nguồn gốc bản địa hoặc từ Đông Nam Á di cư lên, chứ không phải từ Trung Quốc di cư xuống.



NguCong

Vấn đề ở đây là, chúng ta xác định mốc thời gian nào làm điểm bắt đầu cho lịch sử nước ta? Tính từ lúc dân tộc Việt Nam: chủ thể của văn hoá hình thành trên lãnh thổ nước ta hay tính từ lúc thành lập nhà nước đầu tiên ?

Nếu xét quá trình hình thành dân tộc Việt Nam thì manh nha của quá trình đó đã xuất hiện từ thời đồ đá giữa (khoảng 8.000 năm trước CN), với sự kiện người Mongoloid nguồn gốc từ dãy Himalaya hợp nhất với cư dân Melanesien bản đia, dẫn đến sự hình thành của chủng Indonésien tại khu vực Đông Nam Á cổ đại. Vào cuối thời đồ đá mới, đầu thời đại đồ đồng (khoảng 3000 năm trước CN), chủng người Indonésien bản địa, dưới tác động của sụ tiếp xúc thường xuyên với người Mongoloid phương bắc đã hình thành một chủng mới là chủng Nam-Á. Dần dần, chủng Nam-Á này đã hình thành một loạt dân tộc, đó chính là Bách Việt. Các dân tộc đó là một công đồng dân cư hùng hậu, bao gồm nhiều tộc người Việt như Điền Việt, Dương Việt, Mân Việt, Nam Việt, Lạc Việt... (theo Cơ sở Văn Hoá Việt Nam) Như vậy, có thể thấy rằng dân tộc Việt Nam đã hình thành và xuất hiện trên lãnh thổ hiện nay vào khoảng 5000 năm trước đây (điều này phù hợp với cột mốc lập nước huyền thoại năm 2879 trước CN của các vua Hùng). Họ còn để lại rất nhiều thành tựu văn hoá, tiêu biểu là nghề nông nghiệp lúa nước và nghề luyện kim đồng (văn hóa Đông Sơn). Họ cũng đã đạt đến đỉnh cao của văn hoá là sáng tạo một loại chữ viết riêng biệt, khác hẳn với chữ Hán và chữ Nôm xuất hiện sau, tiếc là hiện này, chúng ta chưa chưa có nhiều tài liệu về các mẫu ký tự cổ này, ngoại trừ một số đoạn văn rời rạc về nó được ghi trong thư tịch cổ Trung Quốc. Theo đó thì chữ nước ta lúc đó “giống đàn nòng nọc đang bơi”. Xem vậy thì có thể kết luận rằng, dân tộc Việt Nam đã xuất hiện rất sơm trên lãnh thổ nước ta, và con số hơn 4000 năm cho chiều dài của lịch sử nước ta là hợp lý.



Songminh

Tôi có ý kiến chút !

Theo giáo sư Trần Quốc Vượng thì danh hiệu Hùng trong Hùng Vương có thể là ký âm Hán Việt của Khun, là tiếng để chỉ những người đứng đầu bộ lạc thời Việt cổ. Hiện nay, một số dân tộc thiểu số ở tây bắc Việt Nam ta vẫn gọi thủ lĩnh của họ là Pò Khun đấy.Vấn đề 4000 năm lịch sử có thể là sai lầm, thế nhưng chỉ dựa vào các thư tịch cổ để chứng minh thì rất khó, có lẽ nên đơi những kêt quả nghiên cứu sâu hơn của các nhà khảo cổ học Việt Nam vậy.

Có điều cũng không thể trách những bậc đã đặt nền móng cho sử học Việt Nam vì sai lầm đó, tôi tin là không phải các cụ không trăn trở khi chép như vây, đôi khi sai lầm một chút lại cần thiết. Nước ta khi đó mới thoát khỏi ách thông trị gần 1000 năm của Trung Hoa chưa lâu. Và tất nhiên, các cụ không thể có trong tay những kết quả khảo cổ học như hiện nay được. Độc lập dân tộc không thể chỉ dựa vào súng đạn, nó còn là vấn đề thuộc về tâm linh nữa. Thử hỏi, khi đó các cụ chép là nước ta mới " ly khai" khỏi nước mẹ Trung Hoa được mấy năm thì hậu quả sẽ ra sao ?

Cái cần thiết hơn cả là làm sao cho nước ta tạo được một vị thế ngang hàng với Trung Quốc, điều đầu tiên là ít nhất nước ta phải có 1 nguồn gốc rõ ràng, và khá biệt lập so với bọn nó và nhất là nên phát sinh gần như cùng thời điểm với bọn nó thì càng tốt, các bạn ạ. Mấu chốt nằm ở đó. Tôi nhớ có bạn đã từng phê phán Nguyễn Trãi là sai lầm khi viết

“Từ Triệu Đinh Lý Trần bao lần gây nên độc lập

Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”

Có sai lầm thật, có điều nên chăng phê phán Nguyễn Trãi về việc ghép nước Triệu của Triệu Đà vào dân tộc ta? Ông phải tôn thờ những lẽ phải lớn hơn rất nhiều khi chấp nhận viết một câu khá sai lầm như vậy.

Cám ơn các bạn.



Yuyu

Rất tán thành y’ kiến của SONGMINH.

Chính Ngô Sĩ Liên cũng cũng chép trong Phàm Lệ Về việc soạn sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là việc nâng niên đại Kinh Dương Vương lên ngang hàng Đế Nghi được phong vương bên Trung Quốc năm 2789 trước CN là để “nâng cao quốc thống”. Đúng là bậc sĩ phu nhiều khi có trách nhiệm phải nâng cao tinh thần dân tộc cho nhân dân mình, nhất là vào thời kỳ quốc gia còn mới mở mang, nên nhiều khi phải nói...phóng đại lên một chút !

Kể ra cũng là một cái đại ngôn....đáng yêu và có lẽ hậu thế về sau thực ra cũng ngờ ngợ, nhưng ai cũng chép miệng cho qua vì sai thế chẳng có hại gì mà còn có lợi.

Nhưng ngày nay khi dân trí đã trưởng thành, có lẽ chúng ta cần phải biết sự thực hơn về mình và dù nếu ta biết rằng sự thực nền văn hiến của dân tộc ta không dài đến 4000 năm mà có lẽ chỉ khoảng 2700 năm hay ngắn hơn, thì cũng không vì thế mà lòng tự hào dân tộc của ta giảm sút.

Ngược lại có lẽ chính vì thế mà lớp hậu sinh chúng ta cần phải cố gắng hơn để đưa đất nước muôn vàn yêu quí của tổ tiên để lại tiến bước nhanh hơn trên con đường hiện đại hoá và công nghiệp hoá để xứng đáng với công lao của tiền nhân.



Comments: Post a Comment

<< Home

Powered by Blogger