Hợp tuyển Box Lịch sử- Văn hoá
Thursday, February 03, 2005
 
Về phố cổ Hà Nội

Câu hỏi của GodFatherHN và câu trả lời của Cuoihaymeu

GodFatherHN:

Chào các bạn. Tôi là một người đã sống ở Hà Nội hơn 20 năm nay, cũng như nhiều người khác đã từng ở Hà Nội, tôi rất yêu thành phố này. Nhưng tôi thấy hiểu biết của mình về Hà Nội còn quá hời hợt. Lịch sử và văn hoá của thủ đô chúng ta đã và đang như thế nào? Tôi muốn nhờ các bạn cho ý kiến. Trước hết là về các khái niệm: Thế nào là phố cổ Hà Nội ?

Khu phố cổ Hà Nội nằm ở đâu? Có lẽ là khu 36 phố phường (tạm gọi như thế cho dễ hình dung) với những phố như Bát Đàn, Hoè Nhai, Gia Ngư, Hàng Bông, Hàng Đào …Khu phố cổ thì cứ cho là như vậy, còn phố Hàng Cháo (gần sân Hàng Đẫy, bây giờ toàn bán bánh răng và dây điện) liệu có được gọi là phố cổ không? Nó có là một phố trong 36 phố phường ngày xưa không? Không thể nói cứ phố nào có chữ ‘Hàng’ ở đầu thì thuộc 36 phố phường được, vì tôi thấy có gần 50 phố có chữ ‘Hàng’ ở đầu, chưa kể một số phố đã mất như Hàng Đẫy, Hàng Sơn…

Một trường hợp khác là phố Khâm Thiên: ngày xưa là phố ăn chơi của Hà Nội nhưng đã bị bom Mỹ phá hủy hoàn toàn. Tôi muốn hỏi qua hai phố trên liệu có thể gọi một phố là phố cổ dựa vào giá trị lịch sử của phố đó được không ?

Tôi là dân Bách Khoa nên ngày trước hay đi qua các phố Đại La, Bạch Mai, tôi thấy nhiều nhà vẫn giữ được kiến trúc cổ, rất đẹp. Nếu chỉ chụp ảnh một đoạn phố thì tôi chắc nhiều người sẽ tưởng lầm đó là một phố thuộc khu 36 phố phường. Vậy có thể dựa vào kiến trúc của một phố để cho đó là phố cổ được không ?

Giả sử là ta dựa vào kiến trúc để xét một phố là phố cổ. Vậy những phố có nhiều kiến trúc kiểu Pháp như Quang Trung với các biệt thự, Trần Hưng Đạo với các cơ quan nhà nước, Nguyễn Quang Bích… có được coi là phố cổ không, hay phố cổ chỉ áp dụng với những phố có kiến trúc thuần Việt?

Cuoihaymeu:

Bác nào bên Box HN đặt vấn đề hay quá.

Cổ là cổ so với cái gì, phải có tiêu chí thì mới xác định được. Nhưng đúng là sẽ có chuyện nếu gọi đa số những nhà trong "khu phố cổ" (khu 36 phố phường) của Hà Nội hiện nay là "cổ" vì chúng kịch kim chỉ có niên đại 40-50 năm trở lại đây mà thôi, ghê lắm thì có được một ít chiếc khoảng từ những năm 30. Còn cái nhà cổ nhất là số 87 Mã Mây, được xây từ cuối thế kỷ 19, tôi không nhớ chính xác là năm 187x hay 188x... Tuy nhiên khi nói đến "khu phố cổ" người ta vẫn xác định là khu vực 36 phố phường này.

Cần phải nhớ là kiến trúc dân dụng (tôi mới nói dân dụng, đừng bác nào quy đồng lên thành Kiến Trúc nhá) của người HN ta nói riêng và người VN ta nói chung cho đến gần đây (khoảng nửa TK) vẫn là kiến trúc tre nứa gỗ (chủ yếu là tre). Các bác có thể tham khảo những ảnh tư liệu trên tạp chí Xưa và Nay về Hà Nội, sẽ thấy đại đa số nhà ở của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 trong khu vực nay được gọi là khu phố cổ là nhà tranh vách đất, ngay bên cạnh những những khu "phố" công sở to đẹp của Pháp. Thậm chí cả đến năm 1945 Cách Mạng Tháng Tám, trong ảnh tư liệu của các cụ Ng Bá Khoản, Võ An Ninh, Trần Văn Lưu... ta vẫn thấy nhà tranh vách đất là chủ yếu. Những công trình làm từ tre nứa không thể tồn tại nổi quá nửa thế kỷ, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều như Việt Nam ta, chưa kể chiến tranh và những ảnh hưởng khác.

Bên cạnh vấn đề phân biệt cổ với phố cũ, theo tôi cần phải chú ý thêm một chi tiết dễ gây nhầm lẫn nữa là phân biệt "phố cổ " với " nhà cổ". Hà Nội có (ít nhất là) một căn nhà cổ mà tôi đã nói ở trên. Nhưng "phố cổ" hay "khu phố cổ" thì tiêu chí để xác đinh nó lại không phải chỉ là có nhà cổ hay không ?

Phố là gì? Tôi tìm trong từ điển yếu tố Hán Việt (Viện Ngôn ngữ học- NXB KHXH 1991, HN) thấy họ định nghĩa bằng đúng một từ:" Vườn". Sau này được đọc nhiều tài liệu tìm về nguồn gốc của chữ Phố thấy nó tiến triển dần lên thành cửa hàng, khu, dãy cửa hàng, có cả mấy cái chuyện bán vải (vải âm Hán là "bố") đọc chệch thành phố...

Nhưng tóm lại cái được gọi là Phố được hiểu một cách thông dụng và phổ biến là một khu vực giao thông có: buôn bán (hoặc phường nghề), có nhà ở, có dân cư sinh sống tại chỗ (3 trong 1 chứ không phải là 1 trong 3 đâu nhá), thậm chí còn yêu cầu có đặc trưng sinh hoạt và nghề nghiệp riêng một cách tương đối (vd như Hàng Bún chuyên bún, Hàng Đồng chuyên đồng, Hàng Bạc...

Tức là Phố cổ phải được xem xét đến không chỉ mặt kiến trúc có cổ không (và ngay mặt này cũng nên hiểu theo nghĩa là một quần thể KT, trong đó có những quan hệ hũu cơ giữa nhà ở và không gian KT xung quanh) mà còn phải xem xét cả đến những đặc trưng sinh hoạt và dân cư sinh sống trong đó, (xemnhững cái đó nó có "cổ" không, hì hì), có bảo lưu được những nét lịch sử văn hoá của cả tiến trình phát triển cho đến ngày nay không, tất nhiên là hết sức tương đối và được ưu ái về cả lượng lẫn chất.

Có nghĩa là một khu phố cổ thật sự cổ phải giống như một bảo tàng sống (tương đối), vẫn thở những hơi thở của lịch sử (như PGS Dương Trung Quốc liên hệ đến sự ngủ quên của Hội An vậy). Còn nếu nó chỉ có kiến trúc cổ, trong khi những đặc trưng văn hoá, sinh hoạt, dân cư bản địa... đã mất đi, chặc, thì kể ra cũng có thể gọi là cổ nếu ta "rộng rãi" trong quan niệm. Nhưng như thế nó chỉ còn như một bảo tàng chết trưng bày hiện vật đơn thuần mà thôi.

Đó là lý do vì sao ko ai tranh cãi Hội An có phải là khu phố cổ hay không, còn thủ đô yêu dấu của chúng ta thì có đến gần 1000 năm văn hiến mà vẫn chưa tìm thấy một khu dân cư nào đáng gọi là kiến trúc cổ, chứ chưa nói đến một "khu phố cổ" thật là xịn.

Nhưng cũng có vẻ vô lý khi một kinh đô hàng nghìn năm lịch sử như kinh thành Thăng Long ta, trải qua bao triều đại phong kiến với những giai đoạn phát triển rực rỡ chẳng lẽ lại không có một khu phố nào đáng gọi là cổ ư? Những thành quách, phố xá... thời Lý, Trần, Lê... đâu cả rồi? Thật ra là có đấy các bác ạ, nhưng chúng nằm đâu đó trong lòng đất, ngay dưới chân chúng ta thôi, nhưng đố biết ở chỗ nào. Gần đây có mấy vụ đào móng thi công các công trình hồi Đại hội Pháp ngữ, Bách hoá Tràng Tiền... giới sử học và khảo cổ học nháo nhào lên vì chỉ trong một khoảnh be bé mấy nghìn mét vuông đã thấy cơ man nào là dấu tích, là hiện vật về những khu dân cư cổ xưa.

Bên cạnh khu vực cho đến nay gọi là "khu phố cổ", người ta quên đi một loại khu phố rất đẹp nữa của HN là "khu phố Tây" (trong ngoặc kép đấy nhá), chính là toàn bộ những công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng ở Đông và Nam Hà Nội, quanh hồ Hoàn Kiếm, cầu Tràng Tiền, các dãy công sở, dinh thự nằm trong tam giác Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Tràng Thi - Tràng Tiền và khu vực phụ cận, một phần trong "khu phố cổ.

Khu phố này cũng chỉ còn "Tây" về hình thái kiến trúc thôi. Nhưng bên cạnh cái hồn của phố Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái, ta vẫn có, còn, cái đẹp, cái cuốn hút, cái Hà Nội của phố Tây. Không thể phủ nhận giá trị văn hoá, thẩm mỹ và lịch sử (vô cùng quan trọng) của phố Tây đối với Hà Nội và người Hà Nội. Chính khu phố Tây cũng đã và đang làm nên bản sắc văn hóa, đặc trưng kiến trúc, cái "Hà Nội". Thế mà cái gia tài ấy hình như hiện nay đang bị bỏ quên- như "phố cổ" đã bị bỏ quên cách đây vài năm trở về trước vậy. Tốc độ khai thác và phá hoại kiến trúc phố Tây đang ở mức báo động, nhưng hình như tôi chưa thấy có một hội thảo KH nào bàn về giá trị của phố Tây, chưa có một động thái nào của các CQ quản lý, cụ thể là Bộ VHTT, Sở VHTT HN, Chính quyền TP Hà Nội, giới Khoa học... nhằm giữ gìn và bảo vệ nó, để rồi độ 10 năm nữa lại đau đớn, nuối tiếc trước Lịch sử, lại đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm Lịch Sử.


Comments: Post a Comment

<< Home

Powered by Blogger