Hợp tuyển Box Lịch sử- Văn hoá
Thursday, February 03, 2005
 
Mỹ thuật đời Lý

Username : Yasunari


Cuối thế kỷ thứ 10, nước ta thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc. Trải qua hai triều Đinh, Lê thống nhất nước nhá và chống tái ngoại xâm, đến thời Lý, nghệ thuật phát triển thăng hoa với bản sắc riêng nhằm hoá giải những ảnh hưởng của Văn hoá Trung Hoa.

Hai triều Đinh, Lê đã tạo dựng được một nhà nước có chủ quyền. Triều Lý nắm quyền có ý thức phục hưng Văn hoá dân tộc trên tinh thần có sự giao thoa với Văn hoá Chăm - Ấn đã tạo cơ sở cho nghệ thuật tạo hình phát triển. Thêm vào đó, việc Phật giáo trở thành quốc giáo, tăng lữ có vị trí tinh thần trọng yếu đạo Phật được phổ cập đã là nhân tố tác động vào hướng phát triển và phong cách nghệ thuật. Việc nước Đại Việt độc lập, tự chủ, đủ sức mạnh chống ngoại xâm, trải qua nhiều năm thái bình thịnh vượng cũng có tác động không nhỏ.

Ý thức dân tộc định hình cho nghệ thuật. Phật giáo ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc và đề tài các tác phẩm. Cuộc sống thái bình tự do, yên ấm ảnh hưởng đến con người. Tâm hồn người Việt trở nên thư thái, có thời gian để lãng mạn và chuyên tâm vào nghệ thuật. Nghệ thuật thời Lý thăng hoa. Tất cả là nhờ nền độc lập và sức mạnh của đất nước.

Kiến trúc thời Lý phục vụ Phật giáo. Rất nhiều quốc tự được xây dựng. Phong cách thống soái là hoành tráng, đồ sộ. Chùa Một Cột (chùa Diên Hựu) được xây ở Thăng Long với quy mô lớn hơn ngôi chùa đã có trước đó ở Hoa Lư và với sự cách điệu tuyệt diệu. Chùa Báo Ân và tháp Báo Thiên cao khoảng 70m. Chùa Phật Tích - Bắc Ninh, chùa Long Đọi - Hà Nam, chùa Bà Tấm - Hà Nội, chùa Quảng Giáo - Quảng Ninh đều là những chùa lớn.

Kiến trúc chùa tháp thời Lý đều to lớn, cao. Các chùa thường nằm trên đỉnh núi cao. Cấu trúc và bố cục chùa tháp đơn giản, chỉ gồm một ngôi chùa chính và ngọn tháp lớn có đáy vuông. Điều này phản ánh tư tưởng giản dị, phóng khoáng của nguời thời Lý. Trang trí tháp chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Chăm, với các hình chim thần (Garuđa), nữ thần đầu nguời mình chim, có lẽ do việc bắt những tù binh Chăm sau cuộc nam chinh của Lý Thánh Tông. Vì thế ấn tượng của ngôi chùa thời Lý rất độc đáo: vừa tôn nghiêm, hùng vĩ, đường bệ bởi không gian và đường sống kiến trúc, vừa phóng khoáng lãng mạn bởi gần thiên nhiên, vừa sinh động, lý thú với các hình trang trí mang hơi hướng Chăm.

Chùa thời Lý đến nay không còn nhiều. Nhưng ngay ở Hà Nội có một tác phẩm tuyệt đẹp là chùa Một Cột. Ngôi chùa chỉ dùng một cột duy nhất làm trụ đỡ. Khối nhà đồ sộ phía trên và cây cột đá mảnh khảnh tưởng rất tương phản, nhưng lại kết hợp hài hoà thành một hình ảnh tượng trưng cho bông sen giữa hồ. Nó cho thấy đạo Phật đã phát triển mạnh trong triều đại này và có tác động rõ rệt lên kiến trúc.

Có vẻ vô lý khi một nền kiến trúc hoành tráng quy mô lại có một ngôi chùa nhỏ làm đại diện. Người ta thường nghĩ rằng kích thước chùa Một Cột từ thời Lý đến nay không thay đổi. Thực ra nó đã trải qua nhiều lần làm lại, mỗi lần kích thước đều được thu nhỏ. Lần xây dựng đầu, chùa có quy mô rất lớn. Một tài liệu cổ thời Lý miêu tả chùa nằm trên ao Linh Chiểu, có cầu bắc thông qua một gian điện thờ, quanh ao có hành lang, ngoài dãy hành lang có thêm ao Bích Trì, lại có hai dãy cầu thang bắc qua ao, mỗi đầu cầu có tháp lưu ly. Rõ ràng quanh chùa Một Cột là một khối kiến trúc đồ sộ...Học giả Nguyễn Đỗ Cung đã dẫn một tài liệu mới về kích thước chùa, có đoạn tả cây cột cao tới 40 thước.

Điêu khắc thời Lý tinh vi và cân đối, mang cái trung dung tĩnh tại và cái “hư không” của Phật giáo. Vừa mới thoát khỏi nghìn năm nô lệ, được sống trong thái bình thịnh vượng, các nghệ sĩ có thể đắm mình trong tôn giáo và triết học, tỉ mỉ tạc những pho tượng thể hiện cái nhìn thoát tục.

Bên cạnh đó, điêu khắc cũng chịu ảnh hưởng Chăm. Những hình trang trí trên mặt đá của tháp Chương Sơn (Hà Nam) có bố cục, dáng điệu và hình thể gần với điêu khắc Chăm, nhưng cách biểu hiện khuôn mặt lại thuần Việt. Những khuôn mặt vũ nữ không tròn bầu, xa xăm và có phần vô cảm như những khuôn mặt Chăm, mà linh động và tươi trẻ. Pho tượng đời Lý nổi tiếng nhất là tượng A di đà ở chùa Phật Tích. Tượng cao 2m77 cả bệ, riêng tượng cao 1m87 (bằng cái Linga của chị Toet), thể hiện Đức Phật đang ngồi thuyết Pháp trên toà sen. Toà sen cao và bệ tượng tạo thành một hình tháp nhiều tầng gây cảm giác như đang nâng bổng Đức Phật lên. Dáng ngồi của Phật thanh thoát, thư giãn. Đường cong chạy từ cổ dọc theo sống lưng cộng với khuôn mặt thoát tục gợi đến cái đẹp và sự dịu dàng phi giới tính. Toàn bức tượng cho ấn tượng về sự đốn ngộ cao siêu và tâm hồn tĩnh tại Cũng rất thoát tục và lãng mạn, con rồng uốn lượn mềm mại và có một cái đầu mơ màng, những khúc uốn nhỏ dần về phía đuôi.

Rồng thời Lý có bốn chân, loại lớn có vẩy. Nó rất khác con rồng thô to và mạnh thời Trần, cũng rất khác con rồng đường bệ của Trung Hoa. Thật thú vị khi con vật biểu tượng của Hoàng đế mà lại tỏ ra mơ mộng và đáng yêu như thế. Nó chứng tỏ cái chất vị tha Phật giáo và cái lãng mạn, cái Triết lý đã thấm sâu vào thời đại ấy, từ nhà vua đến thứ dân, nhà sư và nghệ sĩ. Một thời đại thật là đẹp !

Mô típ rồng triều Lý đã xuất hiện trên nhiều loại trang trí bố cục hình tròn, hình cánh sen, hình lá đề, hình chữ nhật. Hầu như ở đâu, không gian nào, những con rồng luôn có tư thế và cấu trúc giống nhau. Nếu nhận xét một cách tương đối kỹ tính như PGS Nguyễn Du Chi, thì có thể chia rồng thời Lý làm hai loại cỏ ngẫng và cổ rụt. Phong cách thời Lý, về đề tài liên quan đến rồng và bố cục hình trang trí rồng, được các đời sau học theo và giữ gìn.

Thời Lý không chỉ thành công trong độc lập tự chủ, chống ngoại xâm về quân sự, chính trị, mà còn rất thành công trong Văn hoá nghệ thuật. Mỹ thuật thời Lý được đặt lên hàng đầu so với các triều đại khác bởi tính độc đáo và tinh tế của nó, bởi cái hiền triết sâu lắng của nó. Có lẽ nguyên nhân sâu xa là ở cuộc sống thanh bình, một thời gian dài không có chiến tranh, đô hộ.

Comments: Post a Comment

<< Home

Powered by Blogger