Thursday, February 03, 2005
Tại sao thanh niên Việt Nam ít quan tâm đến lịch sử Văn Hoá nước nhà?
Nơi đây, bạn có thể nghe thanh niên Việt Nam nói lên những suy nghĩ về mối quan tâm của mình với lịch sử văn hoá nước nhà. Những ý kiến đưa ra có thể còn những điểm phiến diện, nhưng chắc chắn đều xuất phát từ một tình yêu thực sự với lịch sử và văn hóa của dân tộc.
(NguCong )
Lâu lâu, lại thấy các cụ than phiền rằng cọn cháu bây giờ hoà nhập nhanh, cứ nhất quyết coi Phổ Nghi là vua cuối cùng của Việt Nam, đọc sử thấy Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng thì than rằng thời này đưa thông tin vô trách nhiệm thật, thời đấy mới có Triều Tiên chứ đã là gì có Nam Hàn, lại còn viết sai tên nữa chứ... rồi An Dương Vương lãnh đạo nước ta đánh thắng quân xâm lược Tống (?)
Nói thật, tuy không phải là nhà đạo đức, cũng chả bao giờ dám mơ tưởng đến sứ mạng " định hướng" cho thế hệ trẻ (cái đấy chả đến lượt tớ), nhưng thỉnh thoảng nghe những câu như thế tớ cũng cảm thấy hơi cay cay thế nào. Quả thực, thanh niên Việt Nam hiện nay rất ít quan tâm đến Lịch Sử Văn Hoá nước nhà.
Tại sao thế nhỉ? Các bác cho ý kiến dùm tớ cái.
Homoerectus
Giải thích rất dễ dàng :
Sự dạy dỗ nhàm chán trong nhà trường của môn Lịch Sử (và nói chung là các môn khoa học xã hội.
Không có sự định hướng đúng đắn của các phương tiện thông tin đại chúng,thay quảng bá lịch sử, văn hoá nước nhà lại quảng cáo không công cho lịch sử, văn hoá Tàu và Hàn. Cái này biết trách ai đây?
Giacatgt
Vì nền giáo dục việt nam chưa nói cho học sinh biết vì sao chúng ta học lịch sử và tác dụng của việc học lịch sử như thế nào! cứ thế mà suy ra thì thấy nó còn kém thế nào !
Yuyu
Tại mình là chính.
Hồi Pháp thuộc nghe nói học sinh không đưọc học quốc sử mà chỉ đưọc học sử Pháp thôi. Như thế có dốt sử Việt cũng đành. Còn ngay nay nếu có ai dốt sử Việt thì tại chủ quan là chính. Nhà trường chỉ dạy một phần. Cái gì cũng thế, nếu mình muốn hiểu sâu sác hơn thì phải tự tìm sách mà đọc. Sách vở bây giờ không thiếu. Chỉ có thiếu niềm say mê thôi.
Yasunari
Thế thì định hướng cho niềm say mê ấy thế nào đây ?
Chúng ta không có sự dạy dỗ hay từ trường học, không có những cuốn sách Sử hay, không có sự chăm sóc hoàn hảo cho các di tích của ông cha thì không thể hy vọng vào chủ quan của lớp trẻ đang bị hấp dẫn bởi vô vàn say mê vào thời mở cửa.
Nói về box của chúng ta, chúng ta cũng có phần trách nhiệm dù à nhỏ bé đấy. Hãy làm cho cái box này thú vị hơn lên, hấp dẫn các bạn khác ở TTVN này, như thế là ta đã góp phần vào việc tạo ra hứng thú học Lịch sử - Văn hoá ở các bạn rồi. Có hứng thú cái đã, rồi họ sẽ học về nước nhà mình, so sánh với các nước khác để thấy mình có quyền tự hào. Phải không các bạn?
Yuyu
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Nếu nhà trường hay cha mẹ dạy rằng: Các con đừng say mê lịch sử văn hoá, đừng say mê học hành, cứ chơi bời đàn đúm phá gia chi tử cho sướng đi v.v...!!! Thì trong trường hợp ấy chúng ta cũng không nên trách nhà trường, cha mẹ, bởi ta đã lớn rồi, ta có đủ trí khôn để lựa chọn hành vi của minh. Từ 18 tuổi trở đi, ta làm gì là ta phải chịu trách nhiệm về hành vi của ta. Huống chi không có nền giáo dục nào, dù tồi đến đâu lại có những lời khuyên...phản giáo dục như trên.
Vậy thì bạn thích học hay thích chơi thì do bạn quyết định. Bạn am hiểu văn hoá hay mang một cái đầu rỗng tuếch, suốt ngày say xỉn hay nghĩ chuyện tồi bại là do bạn, trừ phi lại đổ lỗi cho....Trời thì thôi hết nói !
Tất nhiên, nhà trường, xã hội, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự định hướng phát triển của một đứa trẻ. Nhưng mình nghĩ yếu tố khách quan không phải là yếu tố quyết định. Quyết định là yếu tố chủ quan. Nhất là đối với những người có bản lĩnh và quyết tâm.
Nếu giáo dục mà thay đổi được bản chất con người thì trên thế gian này chẳng còn tội ác, mọi người đều sống thánh thiện, thương yêu nhau, đều chăm chỉ học hành, đọc sách v.v...Bọn Mafia, buôn heroin, đưa giắt gái v.v... sẽ chết đói nhăn răng. Thế giới sẽ là một thiên đường !
Ở nhũng nước văn minh nhất, giáo dục được coi là có chất lượng nhất, tội ác cũng đầy rẫy, nếu không muốn nói là còn nhiều hơn các nước kém văn minh.
Từ 2500 năm nay hết Phật lại Chúa Hay Thánh Hiền đều ra sức dạy dỗ con người làm lành lánh dữ, các nhà hiền triết đủ loại, nghĩ ra không biết bao nhiêu mô hình xã hội " ưu việt "....Nhưng rút cục, loài người ngày càng độc ác hơn. Thậm chí có thể nói Văn Minh tỷ lệ thuận với Tội Ác.
Thế giới ngày nay có nhũng bước tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật và của cải vật chất, nhưng loài người sống không hề hạnh phúc hơn so với thời trước.
Đau Khổ và Tội Ác luôn luôn đeo đẳng kiếp người từ khi mở mắt chào đời đến khi nhắm mắt....chào đời vĩnh biệt lần nữa !
Yasunari :
Hèm, bác YuYu ạ, bác đang nói ở tầm vi mô là cá nhân được thì lại nói sang tầm vĩ mô là nhân loại. Đúng là nhân loại nếu có đổ đốn thì chỉ có trách mình, nhưng một con người đổ đốn thì nên trách chế độ giáo dục trước. Chỉ có thể nói câu " tiên trách kỷ, hậu trách nhân " khi con người đã hình thành ý thức. Nhưng một đứa bé thì chưa có ý thức. Mà ý thức con người hình thành từ những va chạm với môi trường. Ăng ghen nói: "Bản chất của con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội.
Cho nên những người đứng đầu, những người có vai trò quan trọng trong hệ thống tri thức và Văn hoá của xã hội là những người chịu trách nhiệm chính trả lời câu hỏi của NguCong.
Nhân cách phần đông công dân là phản ảnh trung thực của sức sống của một xã hội.
NguCong :
Chào các bác !
Lại vào tiếp chuyện các bác cái.
Cái vấn đề này quả là tác động từ nhiều lý do thật, chủ quan, khách quan...Theo em thì một trong những lý do quan trọng là tiền, các bác ạ. Nói thật, giá của một cuốn sách Lịch Sử- Văn Hoá hơi bị... trên giời một tí. Em là thằng sinh viên nghèo, lại học khối kỹ thuật nữa, em có thích LSVH thật nhưng em chẳng thể kiếm ăn bằng nó được, thế nên, dù có thèm thế nào đi nữa, chả bao giờ em lại nghĩ mình có thể bỏ ra khoảng 300 nghìn để mua một bộ Đại Việt Sử Ký toàn thư, hay độ 60 nghìn để mua cuốn Việt Nam sử lược, mà nói thật các tác phẩm sử học nghiêm túc chả bao giờ có cái giá dưới 50 nghìn các bác ạ. Mà 50 nghìn thì đủ cho em dẫn bạn gái đi uống trá đá 2 tháng ấy chứ.
Nói chung, một số bác bảo sách của chúng ta xuất bản để cất vào thư viện là chí phải. Đơn giản vì mức giá như vậy là thách thức quá lớn với phần đông tuổi trẻ chúng ta.
Yuyu :
Các bạn có thể vào đây mà lấy 8,9 bộ sử to vật miễn phí :
http://www.viethoc.org/content.php
Trong đó chẳng những có Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bản Chính Hoà hay Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim mà còn có Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn và nhiều sách sử nối tiếng của Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn, Ngô Thì Sĩ v.v...Vấn đề chỉ là có thời gian và hứng thú không thôi. Ngoài ra để có nhũng kiến thức Văn Hoá, Lịch Sử cơ bản cũng không nhất thiết phải cày hết hàng nghìn trang sách như thế hoặc chi ra hàng bạc triệu, chỉ cần chịu khó dọc vài cuốn sách nhỏ giá rẻ hay vào thư viện của Trường cũng đủ. và có trăm nghìn cách để một người hiếu học trau dồi kiến thức. Thay nền giáo dục ư? Cũng tốt đấy. Nhưng nền giáo dục nào là tốt nhất đây? khi mà bất cứ nề giáo dục nào, bất cứ ở quốc gia nào, và bất cứ tôn giáo nào cũng đều không giải quyết được tệ nạn xã hội và sự hư hỏng của con người ?
Tóm lại, chỉ có lý do duy nhất là tại mình.
Evil-Metal
Nếu đã được giáo dục đầy đủ mà vẫn không nên thân thì là tại mình. Còn nền giáo dục ở Việt Nam như thế nào ? Nếu so sánh giáo dục ở Việt Nam với giáo dục nơi tôi đang học thì Việt Nam thua xa. Giáo dục không khi nào là hoàn thiện cả chính vì vậy mà người ta phải luôn cải tiến cho phù hợp. Chính vì vậy mà con người phát triển đến ngày hôm nay. Còn nếu suy nghĩ như thế là cùng, chắc giờ này vẫn cày ruộng, làm đồng. Lý do chính thanh niên Việt Nam không biết nhiều về lịch sử Văn Hoá nước nhà là tại vì không được dạy một cách khoa học. Không thể nói tại họ khi nền giáo dục mà họ được hưởng còn qua nhiều khuyết điểm.
Summoner131
Các bác nói hay lắm,thật lòng em vô cùng khâm phục các bác. Đúng là việc giảng dạy lịch sử trong trường phổ thông đã làm cho môn lịch sử trở nên nhàm chán, khi còn còn đi chính em cũng thấy ghét cái môn bị gọi một cách đau đớn là học thuộc lòng này, môn lịch sử không tạo được cho học sinh có cái hứng thú tìm hiểu những bí ẩn của quá khứ thì làm sao mà hấp dẫn thanh niên được. Mà cũng buồn là đa số thanh niên sống hời hợt quá, với họ thì các thầy dù có dạy hay thế nào, chương trình có hấp dẫn thế nào thì cũng chẳng cần quan tâm....Đau lắm...
Dunscule
Bác YuYu ơi, Tại mình là chính thật, cái này em đồng ý với bác. Thế nhưng theo em thì phần đông thanh niên Việt Nam không biết Internet là cái gì bác ạ. Sách, truyền hình bao giờ cũng là tài liệu phổ thông nhất, thế nây muốn khơi dậy lòng ham thích tìm hiểu lịch sử từ thanh niên thì phải đi từ những cái phổ thông nhất ấy. Việc này rõ ràng là nước ta làm rất kém, đấy là chưa kể những sách viết về Lịch Sử của nước ta đã đắt lại còn viết rất khô khan (mặc dù sử nước ta chẳng thiếu những câu chuyện hay).
Lấy ví dụ là em, nhà có mấy quyển sử thật nhưng trước khi đi ngủ em lại thích cầm quyển Teppi hơn.
Minhzhaowei
Đúng là có rất nhiều lý do về chuyện trên. Nói "thanh niên Việt Nam không biết nhiều về Lịch Sử Văn Hoá nước nhà" thì cũng không hẳn, sự hoạt động sôi nổi của box Lịch Sử chứng tỏ điều này. Thật ra ai mà chả được đào tạo qua trường lớp, ai mà chưa học qua hết các giai đoạn LS nước nhà. Nhưng phần nhiều là do học vì cô bắt thầy ép, học để đỡ "xoè" môn sử, học để được cộng điểm (nếu nó là môn thi tốt nghiệp),... nên việc tiếp thu sử thụ động. Điều này giải thích tại sao học sinh, sinh viên đến với nó với thái độ khó chịu đến thế Khâu này phải do Bộ giáo dục và các cơ quan hữu quan xem xét. Phần đông ai cũng biết và thích sử Trung Quốc hơn, nhưng thử hỏi có mấy ai đọc sử Trung Quốc bằng tiếng Tàu hay đều đọc sử Trung Quốc bằng tiếng Việt (như chúng ta bây giờ), vậy các bộ sử Trung Quốc đó do ai dịch, xin thưa là người Việt Nam dịch, chứng tỏ ngoài việc cốt sử hay còn cần có người biết truyền đạt nó. Phải chăng phương pháp tiếp cận với Thanh niên của Lịch Sử nước nhà là chưa tối ưu, việc này chắc phải do các nhà nghiên cứu cho ý kiến.
Lịch Sử Trung Quốc đến tay người đọc VN dưới nhiều cuốn sách như: LS TQ 5000 năm, Trung Hoa sử lược... nhưng mức độ chi tiết, cụ thể không thể sánh bằng những bộ sử lớn và dài của nước nhà: Đại Việt Sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục,... nhưng đa số TN lại thích đọc các quyển sử ngắn và vừa, có thể biện hộ vì thích tính súc tích nhưng suy nghĩ kĩ có lẽ là tính "mì ăn liền" đã ngấm vào cả việc tìm hiểu Lịch Sử rồi, điều này em đồng ý với bác Yuyu: "Tiên trách kỷ " nhưng "hậu" thì trách ai? phải chăng là trách "nhân"?
Hidden-man
Mọi người nói rất hay, theo tôi, thanh niên bây giờ ít hiểu sử nước mình một phần là do cách dạy ở trường, lịch sử Việt Nam cũng hay đâu kém Lịch Sử Trung Quốc, vấn đề ở đây là cách chuyển tải những kiến thức lịch sử đến cho mọi người thì như thế nào mới đạt hiệu quả được chứ....
Tuy vậy, phải nói rằng lỗi chủ yếu là tại họ chứ không thể trách ai được. Họ không có thời gian quan tâm đến những quyển sách lịch sử mà họ cho là khô khan, họ muốn tìm thú vui bên nhưng gì thời thượng hấp dẫn hơn......họ giờ chỉ quan tâm xem hoc gì: toán, văn, anh, lý, hoá....ít thời gian họ để dành cho nhưng môn khác ngoài những gì họ phải học để thi... ngoài môn lịch sử ra, ở các trường học sinh còn bỏ quên rất nhiều môn khác nữa cơ...Hơn nữa tôi nghĩ rằng để đến gần nhất với môn lịch sử thì phải có sự say mê, tôi nghĩ đây là 1 lĩnh vưc hơi khó nên cần phải yêu thích và đam mê mới được. Cũng xin nói thêm rằng giá của những cuốn sách sử là quá đắt nên thú thực dù rất ham thích nhưng tôi chưa có quyển nào thực sự nghiêm túc để mà đọc. Thế nên khi vào box này tôi rất thích được đọc nhưng trích đoạn lịch sử mà mọi người hay viết...thật hiếm có cơ hội nào như thế và cảm ơn nhưng người đã viết.
Key :
Nói hay quá !!!
Có quá nhiều lý do đưa ra nhưng sau đây em xin có một giải pháp cụ thể: thay vì học thuộc lòng một mớ bòng bong chúng ta phải bắt buộc nắm được các sự kiện chính và càng ngày càng tiến đến thi trắc nghiệm. Những bài viết luận sẽ giành cho những người đòi hỏi có sự nghiên cứu chuyên sâu, tỷ mỷ. Đối với kiến thức phổ thông chúng ta không nên đòi hỏi quá cao. Phải biết định hướng đúng đó là điều cần bàn !!!
Mystery_aries :
Bản thân tui cũng thấy hơi thờ ơ một chút về lịch sử nước nhà ! Huống chi là thanh niên thời Internet. Vì sao? Sử ký thì quá khô khan, chỉ là chép chứ đâu phải viết. Môn Lịch Sử ở trường học lại chỉ là môn học thuộc, chẳng có mấy tư liệu và phương tiện để tìm hiểu. Đã thế sách mới thì đắt, Net thì đâu phải lúc nào cũng vào được. Phim Lịch Sử Việt Nam, nói thật, quá tệ ! Vấn đề đúng là do mình có ý thức học tập hay không thôi ! Hơn nữa các bậc cha mẹ cũng có một phần trách nhiệm trong việc Giáo Dục văn hoá cho con cái đó.
Bayern_munich :
Người Việt Nam thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam.Lý do quan trọng là do phim ảnh lịch sử Trung Quốc tràn lan trên ti vi, trong khi phim về Lịch Sử Việt Nam hầu như không có. Nếu có thì dở vô cùng hoặc bịa đặt vô tổ chức. Chính điều đó phần nào gây phản cảm cho người xem.Thật đáng tiếc khi LSVN cũng hay ko kém gì LSTQ.Hơn nữa đây lại là lịch sử dân tộc,càng nghĩ càng thấy tiếc
Gallivant :
Tại sao không thấy ai nói đến nguyên nhân trong chính lịch sử văn hoá nhỉ ? Vâng, ngày nay người ta có thói quen cứ mở miệng ra là lại chép miệng - thanh niên bây giờ chán thật, chẳng biết tí tẹo gì về truyền thống lịch sử vẻ vang của nước ta, chả hiểu gì về bản sắc văn hoá của dân tộc ta - chẳng bằng mình hồi xưa.
Nhưng đã mấy ai tự hỏi, tại sao ta cần tìm hiểu về lịch sử văn hoá? Không biết về lịch sử - văn hoá liệu chúng ta có tồn tại, có phát triển được không? Hì hì, câu trả lời chẳng dễ chút nào, phải không các bác ?
Tớ thì chẳng lý tưởng cao siêu gì, miễn là tớ cứ có đủ miếng cơm, manh áo, đủ để nuôi vợ nuôi con, thỉnh thoảng làm pha nghỉ mát ở đâu đó xa xa. Thế thì tớ dùng lịch sử văn hoá làm gì hả các bác. Thú thực với các bác, tớ nghĩ nhức cả đầu mà chẳng nhìn thấy được tia sáng ở cuối đường hầm, các bác ạ. Hic, chẳng hiểu có ra ngô ra khoai gì không chứ tớ thấy cứ nửa nạc nửa mỡ, ngẩn ngơ giữa đường thế này thì có ngày va phải ôtô như chơi.
Các bác thử tính xem, theo con đường... lý tưởng của thanh niên Việt Nam hiện nay thì, đầu tiên là phấn đấu vào trường mầm non xịn, rồi "thi" vào lớp 1, sau đó lại "cày cuốc" để vào trường chuyên, lớp chọn cấp 2,3 và đại học. Chọn cho mình một chuyên ngành, phấn đấu cật lực, học hành chăm chỉ, sau đó lại học tiếp cao hơn hoặc là đi làm: kỹ sư, bác sĩ hay nhà kinh tế. Vâng, để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh thì không thể không cố gắng hết mình được, phải không các bác. Đấy, các bác thấy không, tớ chẳng thấy bóng dáng lịch sử rồi văn hoá ở đâu cả. Cứ kiến thức chuyên môn nắm sâu và vững, tác phong làm việc tích cực, hiệu quả thì chả chóng thì chầy mình cũng...vượt lên hoặc ít ra là không tụt lại quá xa so với các nước tư bản ngoài kia. Vâng, vì dân Việt Nam vốn thông minh, cần cù mà.
Đấy, các bác xem, tớ chẳng thấy mình cần lịch sử và văn hoá để làm gì. Mấy thứ đó với tớ chỉ là trò vui vẻ, lúc nào rảnh rỗi thì tớ mò vào tí chơi.Tớ chẳng thấy cần biết ngày xưa để làm gì, miễn là bây giờ tớ nói tiếng Việt, miệng cười sung sướng, tiền đầy túi, tình đầy tim.
Cavalry :
Tôi cũng chẳng ưa gì mấy cái khẩu hiệu " hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc" bởi vì thật ra, nếu cứ hô mà không hiểu thì nó cũng chẳng khác gì "đổi mới từ từ những vẫn cố bảo thủ". Văn hoá lịch sử VN các bạn muốn tìm hiểu hay không thì tuỳ. Nhưng nghiên cứu lịch sử nói chung cho ta những cái lợi sau :
Thấy được những khả năng mà con người có thể đạt, thông qua những chiến công, những danh nhân.
Thấy được những quy luật tất yếu. Lịch sử không phải là có những sự kiện gì mà còn là tại sao? Những vấn đề phát sinh từ thời xưa vẫn lặp đi lặp lại ngày nay. Những người hiểu lịch sử thì dễ tin rằng chính nghĩa cuối cùng sẽ thắng hơn là những người khác chỉ thấy tình hình tiêu cực trước mắt, hạn hẹp chung quanh. Mà những người tin rằng điều tốt sẽ thắng thì họ chỉ làm điều tốt thôi.
Lịch sử cho ta kinh nghiệm sống và tầm nhìn rộng. Một tác giả đã so sánh gữa Churchill Thủ tướng nước Anh (vốn là giáo viên lịch sử) và Hít le là đối với một vấn đề, Hitle chỉ cho rằng chỉ có một cách giải quyết đúng duy nhất trong khi Churchill với nhãn quan rộng hơn thường cho là có nhiều cách giải quyết đúng như nhau.
Koibeto81 :
Bác Gallivant làm tớ ngẩn ngơ mất mấy phút...Nói chung, là người Việt Nam thì cũng nên (không thích dùng từ "phải") biết tí lịch sử Việt Nam... cho có tí vốn dắt lưng đi ra đường cũng khỏi phải thấp thỏm. Giả dụ có bị hỏi Nguyễn Du với Nguyễn Huệ có họ hàng với nhau hay không?...không phải thộn mặt ra rồi...cười trừ...các bác nhỉ.
Còn giả thử mà bác nào thích Lịch Sử Văn Hoá, cũng hay, thêm được một bác thích thì Lịch Sử nhà tớ là sẽ cứ vẫn còn được cày cuốc cẩn thận. Tất nhiên là sẽ phải có một số người không thích cầm cái cày cái cuốc...thì thôi, không khoái cái cày cái cuốc có lẽ là vì họ có cái khác, mà họ thích hơn thôi. Những người đó, họ không quên là vẫn còn có những cái như cái cày cái cuốc, là tốt rồi. Thế là đủ.
Vo Quoc Tuan :
Tớ xin nói thêm một câu cho vui của vui nhà
Khi đến tận cùng của dân tộc, ban mới có thể bước ra thế giới
Chẳng nhớ của ai nhưng cũng hay đấy nhỉ, phải không các bác
NguCong :
Theo tớ thì biết một chút về Lịch Sử Văn Hoá để sau nước ta có phát triển thì trở thành Việt Nam phát triển, chứ không đến nỗi trở thành một Hoà Kỳ phẩy hay một Trung Quốc phẩy, có phải thế không hả bác Gallivant ? Còn những đồng chí nào chơi cái kiểu nửa nạc nửa mỡ, chuyên ngành kém tắm mà lịch sử thì chưa hiểu hết chữ A như... tớ thì để cho ôtô đâm là phải lắm. Bác Gallivant nhỉ ?
Ghen :
Chữ "MỐT": có 1 chữ "Mốt".Trong thời đại ngày nay người ta thường chạy theo mốt,ăn mặc theo mốt,chơi theo mốt....theo mốt và học cũng theo mốt. Để ý 1 chút thôi ta sẽ thấy ngày nay các bậc cha mẹ thường bắt trẻ con học đủ thứ ở các kiểu cung văn hoá,nào vẽ rồi nhạc rồi vi tính....thật là khổ thân những cô bé cậu bé mới có 5 hay 6 tuổi mà đã cận lòi vì học và....đọc.Nói tới đọc thì ngày nay các em nhỏ của chúng ta phải đọc toàn những truyện tranh của Nhật hay Trung Quốc...mà ít thấy bậc cha mẹ nào cho con đọc các truyện kể về lịch sử Việt Nam,nên trẻ em VN ngày nay biết rất rõ nhưng Subasa..hay cái gì gì đó mà em không biết mà không biêt đến ông Thánh Gióng là ai.Có lẽ lỗi này 1 phần cũng do các nhà xuất bản đã hkông chú trọng lắm việc xuất bản những cuốn truyện kể lịch sử,trình bày không được bắt mắt cho lắm,không như ngày trước chỉ có các truyện tranh như là Cù Chính Lan hay là Kơ Pa Kơ Lơng.... Còn với các cô cậu học trò lớn hơn thì các bậc cha mẹ thường hướng con cái theo học các ngành đang hái ra tiền như là Công nghệ thông tin hay ngoại ngữ...do đó nảy sinh hiện tượng gà nòi,chỉ cần tập trung vào học các môn cần cho thi đại học như toán,lý,hoá...có học thêm thì học tin,ngoại ngữ chứ không nên đọc mấy cái như kiểu lịch sử,vô bổ !!!
Về phía nhà trường.Các thầy cô vô tình đã biến môn lịch sử thành 1 môn học ác mộng đối với học trò bởi kiểu dạy tập chép của các thầy.Và thêm vào đó là các bài kiểm tra xem ai học thuộc lòng giỏi hơn,bởi vậy hầu như rất hiếm khi thấy trong 1 bài kiểm tra hay thi lịch sử có dạng câu hỏi em hãy phân tích hoặc đánh giá...1 sự kiện lịch sử hay vai trò của 1 vĩ nhân nào đó.Còn nhớ khi trước đi học,ngay từ hồi tiểu học chúng tớ đã rất hứng thú với môn lịch sử bởi những câu truyện kể lịch sử rất thú vị của thầy cô,ngày nay thì chả thấy đâu cả.Vả lại ngay các tâm lí các thầy cô dạy sử cũng chẳng thấy thú vị gì,nên các vị thường dạy nhoáng ngoàng cho hết tiết.Số lượng các thầy cô còn tâm huyết với môn sử ngày 1 giảm dần,thật đáng buồn !!!
Còn về phía xã hội thì sao??? Ngày nay các phương tiện thông tin đại chúng dành rất ít đất cho lịch sử,ví dụ như mấy bác nhà đài có mấy chương trình về lịch sử,văn hoá khá hay thì tống hết vào VTV2 nơi rất ít người để mắt tới,vả lại có để mắt tới cũng khó mà được xem vì các bác ý toàn chiếu vào giờ hiểm,tầm giờ hành chính hoặc khoảng nửa đêm hay sáng cực sớm,cha mẹ ơi !!! Như đánh đố ý !!! Mà các chương trình như vậy thời lượng phát sóng quá ít,chỉ khoảng 30 phút là cùng,làm cho chương trình tủn mủn,người xem mất cả hứng vì phí công ngồi chờ.Còn mấy cái chương trình sặc mùi fashion thì được ưu tiên phát kênh xịn <> và thời lượng phát sóng quá nhiều,1 ngày mà thấy có tới cả chục chương trình ca nhạc các kiểu cộng cả chục film truyện.Ấy là báo hình,còn báo viết cũng chẳng hơn gì.Điểm qua mấy tờ báo giới trẻ hay đọc là HHT,Sinh Viên,Tuổi Trẻ,Thanh Niên thì thấy rặt những phổ biến kiến thức....làm giàu kiểu nêu gương người tốt việc tốt <>,rồi giới thiệu các ông bà SAO to đùng,nên giới trẻ ngày nay nhiều bác thuộc ngày sinh của thần tượng hơn ngày sinh của những người sinh ra mình,hic hic buồn thay !!! Các báo ngày nay còn 1 mảng nữa là các truyện vụ án giật gân mới câu khách được,còn lịch sử thì thi thoảng được chiếm khoảng dăm dòng khiêm tốn ở vị trí thậm khiêm tốn.
Trong 1 cái trận dồ mà ở đâu cũng thấy chữ "Mốt",nó bủa vây,bưng bít các cửa vào cho anh chàng lịch sử vốn dĩ yếu ớt như vậy thì việc thanh niên không thích môn này là chuyện dễ hiểu. Bản thân chúng ta là những người có ít nhiều tâm huyết với lịch sử,chúng ta cũng có trách nhiệm giúp cho anh chàng này có chỗ đứng trong lòng giới trẻ <>.Ví dụ chúng ta có thể kể những câu truyện lịch sử thú vị cho lũ em hay cháu chúng ta,tin rằng với khả năng diễn đạt lưu loát rõ ràng và trí tưởng tượng phong phú của các thành viên trong box thì câu truyện sẽ thú vị và thu hút được lũ trẻ.Đối với những cô cậu lớn hơn thì ta có thể tạo ra những cuộc tranh luận nhỏ về các sự kiện lịch sử hay nhân vật lịch sử,để tạo hứng thú tìm hiểu cho họ.Tuổi nhỏ thì ta làm việc nhỏ các bác nhé,cùng bắt tay nhé !!!
Và hy vọng thế hệ con cháu chúng ta sẽ không có ai bảo Trần Quốc Tuấn bóp nát quả cam như kiểu 1 bạn thi Đường lên đỉnh Olimpia đã từng nhầm.