Hợp tuyển Box Lịch sử- Văn hoá
Thursday, February 03, 2005
 
Nhỏ nhoi cái húng, cái hành
Nhỏ nhoi cái húng, cái hành
Username: cuoihaymeu



Phải chăng sự đô thị hóa và những giá trị văn hóa truyền thống không thể dung hòa lẫn nhau? Đâu là câu trả lời cho câu hỏi này? Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây sẽ mãi mãi chỉ còn xuất hiện trong những câu ca dao, liệu húng Láng cũng sẽ phải chịu chung số phận?

Đất này vốn trồng rau, giờ nhà cửa cao quá nên nó thành chỗ chứa nước thải, đành xin phường làm cái sân chơi cho trẻ. Dự án chợ cấp II Láng Hạ, đường C2 Thái Hà và chợ mới cấp III Láng Thượng bắt đầu thực thi, húng Láng, hành Láng cũng theo luôn vào cổ tích – Thành phố quyết định rồi, chưa thấy cái gì dính đến rau được nhắc tới cả. Đó là một vài câu nói chúng tôi ghi lại từ Láng, vùng đất của thứ rau gia vị húng Láng và hành Láng đệ nhất Kinh kỳ thuở trước.

Qua Láng bây giờ, cả ba HTX nông nghiệp chỉ còn khoảng 5ha đất (trước là hơn 30ha) gọi là để làm nông nghiệp, phần lớn là ao hồ dùng để thả muống, liệu ai còn nhớ về sản vật đã từng được tiến vua ấy không?

Người làng Láng vốn tự hào thế này:

Ở đâu thơm húng thơm hành

Có về làng Láng cho anh theo cùng

Theo ai vai gánh vai gồng

Rau xanh níu gót bóng lồng sông Tô…


Húng Láng, hành Láng, cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì,… vốn là những sản vật của riêng kinh thành Thăng Long. Vậy mà lúc nãy, đi qua cái hẻo đất teo teo trồng rau cạnh đường Láng, ông bạn phàn nàn: Đất ngay trung tâm, sao không xây lên mà kinh doanh nốt?. Chợt chạnh lòng. Người ta hầu như không biết nơi ấy là một trong những chỗ hiếm hoi còn sót lại của thứ sản vật càng ngày càng xa xăm: húng Láng và hành Láng.



Tìm cái tinh của đất:

Láng là tên Nôm của xã Yên Lãng, làng cổ ven thành Thăng Long, một trong 61 phường của Thăng Long thời Trần. Theo Việt điện u linh, thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), ở hương Yên Lãng có người con gái tên là Tăng Thị Loan lấy đạo sỹ Từ Vinh, sinh ra Từ Đạo Hạnh. Thôn Thượng nay còn di tích chùa Nền (vốn là nền nhà ông bà Vinh ngày trước). Như vậy, ít nhất làng Láng cũng có người ở cách đây hàng chục thế kỷ.

Xã Yên Lãng có ba thôn là Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ, giờ là ba phường cùng tên chạy theo chiều dài hơn 3 km trên dải đất bờ Bắc sông Tô Lịch. Đây là vùng đất duy nhất trồng được thứ rau húng (tên gốc là rau thơm Láng) và hành hoa thơm ngon không đâu bằng.

Bà Nguyễn Thị Tâm, 65 tuổi, tóc vấn tròn, miệng tươi trầu tự hào nói với VASC Orient: “Thơm Láng bao giờ lá, cọng cũng gầy hơn những loại thơm vùng khác, cọng tía sẫm, lá ít răng cưa và mỏng, thả ra tay còn nguyên mùi thơm dịu, rất đậm đà, không gắt quá mà cũng không vương mùi bạc hà. Chẳng riêng những người làm rau, những ai sành ăn đi đâu cũng nhận ra thơm Láng…".

Dù có mua cùng rau giống ở chợ Bưởi, chợ Mơ… Nhưng chỉ khi trồng ở Láng, rau thơm mới có những đặc tính quý hiếm trên. Làng Đăm (Tây Tựu) và một số nơi ở Thanh Trì đều trồng nhiều húng nhưng không đâu được thơm ngon như húng Láng. Không biết bao người đã về làng, mang giống đi với tâm nguyện nhân rộng, giữ gìn giống rau quý, nhưng cây đều biến giống, giảm chất lượng dù có được chăm sóc cẩn thận bao nhiêu. Ngay như Yên Hoà, cách Láng có vài chục bước chân qua sông Tô Lịch mà cũng chẳng trộm được thứ húng này. Chưa kịp qua sông, húng đã mất vị rồi.

Tất nhiên, có được thứ rau ngon bởi một phần nhờ công người chăm bón. Các rẻo đất trồng rau thấm hết cái vất vả, công phu của người làng Láng. Vì thu nhập? Cũng chỉ một phần. Bởi nguồn thu 200.000-300.000 đồng từ cây rau thấp hơn nhiều so với nghề tay trái của những dân cư khu vực đô thị hoá tự lúc nào này. Nhưng họ vẫn yêu cây rau, vẫn trồng rau như muốn giữ gìn một cái gì xưa cũ. Bởi từ sâu trong tâm khảm họ, cây húng đã thành hồn vía của quê hương.

Nói đến húng Láng mà không nói đến hành là một thiếu sót lớn. Trăm thứ canh không có hành không ngon, ai đã từng ăn phở mà không có hành mới thấy nó vô vị biết chừng nào. Thứ hành Láng nhỏ cọng, nhỏ củ, ngắn rễ, có mùi thơm đăc trưng này đã góp phần tạo nên hồn của vị phở Hà Nội. Chả trách các hàng phở nổi tiếng ở hàng Bông, Khâm Thiên, Bà Kiệu xưa kia đều lặn lội về tận Láng lấy hành.

Hành và húng đều không ưa trồng chung với bất cứ giống rau nào khác, cứ phải một mình một luống. Chẳng ai dám bỏ quên chúng đến 3-4 ngày. Cỏ dại mà tốt lên, chúng đã giận dỗi mà bớt đậm đà rồi. Húng Láng không trồng bằng hạt như các nơi khác. Vụ thu đông thì giâm bằng ngọn bánh tẻ, hè thu thì giữ lại rễ từ vụ trước, để ẩm cho mọc mầm trắng rồi đem rải xuống rãnh, gơ đất lên, ngọn sẽ tự bung ra.

Lạ cái giống này chỉ ưa ăn bã khô dầu, rơm mục, trấu, bùn ao, phân chuồng và đặc biệt là nước giải pha loãng, nhưng phải bón trước khi hái một thời gian đủ để không mất vệ sinh. Rau ngon cũng vì không có những phụ gia công nghiệp thời kinh tế thị trường. Và người làng Láng cũng không vì năng suất mà bón bừa cho rau quý.

Húng mà “ăn” thuốc, phân hoá học sẽ bạch tạng mà chết hay xanh um lên, nhạt thếch… coi như hỏng. Ngày nào cũng phải tưới nhẹ một lượt trước khi mặt trời mọc và một lượt trước khi mặt trời lặn. Nhổ cỏ, làm đất, cấu ngọn có cỡ tuỳ theo mùa … Rồi lại cấu dài, cấu ngắn… Ai bảo đó không phải là thứ công nghệ trồng rau - thứ công nghệ được tạo ra bởi những con người còn mang nguyên dáng dấp nông thôn giữa lòng Hà Nội?

Ngoài cái tâm của người trồng húng, cái chất đất Láng, căn nguyên của sự độc đáo trong húng Láng còn được lý giải bằng cơ sở khoa học. Năm 1978, Bộ môn Rau quả của Đại học Nông nghiệp I đã có một đề tài nghiên cứu về cây húng Láng. Kết quả chỉ ra rằng yếu tố thổ nhưỡng và vùng tiểu khí hậu khác biệt là nguyên nhân tạo cho cây húng ở đây có địa vị độc tôn.

Cụ Lộc (70 tuổi), cụ Phát (70 tuổi), cụ Cẩn (85 tuổi) đều đồng tình rằng, ông bà chúng họ ngày trước cũng đã dặn lại, đất Làng chỉ để trồng cây hành, cây húng. Bà Lược, Chủ nhiệm Hợp tác xã Láng Trung nói: "Đó là cái tinh của đất, vốn quý cha ông để lại cho Làng, vậy mà bây giờ…". Bà bỏ lửng câu nói, thở dài.

Đâu rồi “Rau xanh níu gót bóng lồng sông Tô”?

Vừa đóng cửa HTX để về thì bị chúng tôi đến quấy, ông Phó Chủ nhiệm HTX Láng Hạ kêu ồi ồi: “Hỏi làm gì? Còn đất đâu mà hỏi.”. Nói vậy nhưng ông vui ra mặt, sốt sắng mở cửa mời khách vào. Chưa kịp ngồi, ông đã hào hứng: “Mấy cái khoanh đất trồng rau mà các cô trông thấy cạnh đường Láng rồi sẽ thành chợ cấp II Láng Hạ. Dự án đã đi vào thực hiện rồi đấy. HTX chúng tôi mất đi hơn 7.000m2 trồng rau.

Chợ mọc lên, khu A một bên, khu B một bên, đúng vừa. Cái tên cũng sẽ được thay cho hợp thời - Chẳng lẽ chợ không còn cách nào tránh rau?” – Thành phố đã quyết định rồi, chưa thấy cái gì liên quan đến rau được nhắc tới cả, chúng tôi cũng đã đề cập mãi. Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp I, về HTX từ năm 21 tuổi, nay đã 44 năm, ông Vượng đành ngậm ngùi nhìn cây rau mình gắn bó cả đời mai một.

Không riêng phường Láng Hạ, hai phường còn lại cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Khi thành phố quy hoạch, đất trồng rau thành đất làm nhà, làm đường gần hết. Chỗ đất còn lại cũng đang bị tấn công từng ngày. Ông Châu, chủ nhiệm HTX Láng Thượng, quần xắn tận đầu gối đang chỉ đạo mấy tài xế xe ben đổ đất trước cửa HTX hổn hển nói: “Đất này vốn trồng rau, giờ nhà cửa cao quá nên nó thành chỗ chứa nước thải, đành phải xin phường làm cái sân chơi cho trẻ".

Đất trồng rau bây giờ chỉ còn là những miếng nhỏ, bị xé lẻ, bằm nát bởi nhà cao tầng ngang dọc. Cả ba HTX nông nghiệp còn hơn 5ha đất gọi là để làm nông nghiệp. Năm 1973, HTX Láng Hạ còn hơn 2ha, đến nay chỉ còn chưa đầy 1ha. Láng Trung trước có 27ha nay còn hơn…1ha (phần lớn là ao hồ dùng để thả muống).

Đến Láng bây giờ khó mà bói ra kẻ trồng rau. Họ thích làm nghề khác hơn. Mà vẫn thích làm rau cũng khó vì cả ba HTX đều ngừng nhận xã viên từ năm 1991. Bây giờ, bên những luống rau chỉ còn lại mấy ông mấy bà ngoại tứ, ngũ tuần. Phải chăng chính yếu tố này cũng thúc giục sản vật nổi tiếng một thời của kẻ Láng nhanh trôi vào quá khứ hơn?

Chỉ cần 1-2 trận mưa thôi, hầu hết các vườn đều úng ngập. Khi thiên hạ đua nhau lên tầng, thứ rau thanh khiết kia phải tập bơi. Dự án chợ cấp II Láng Hạ, đường mới C2 Thái Hà và chợ mới cấp III Láng Thượng bát đầu thực thi, húng Láng, hành Láng cũng theo luôn vào cổ tích. Liệu ai còn nhớ về cái sản vật đã từng được tiến vua ấy không?



Nỗi niềm người kẻ Láng:

Cả buổi sáng, bà Đức mới bó được 40 cặp húng, tính ra chưa được 5.000 đồng cho rổ rau đầy ắp. Bà cụ ngậm ngùi: “Húng nào mà chả giá ấy, chỉ những người sành ăn mới chọn húng Láng, còn thì nháo nhào cả. Chúng tôi còn khốn đốn vì cái đận Truyền hình về quay ruộng rau rồi đưa lên phê phán đây không phải là rau sạch. Hôm sau, chẳng ai đến lấy hàng…"

Nhưng những người trồng rau kẻ Láng lại thua người mua một cách thảm hại bởi có trồng cầu kỳ như thế chứ có hơn thế nữa cũng chỉ đổ buôn được 50 đồng/mớ. Nhưng lạ cái là đi hàng rau thơm nào, người bán cũng khăng khăng đấy là húng Láng. Chẳng lẽ người Láng trồng rau du kích trong nhà?

Nhưng vượt lên thói thường, người kẻ Láng ai cũng mong có được một diện tích đất dù nhỏ để làm nơi cho rau Láng, đặc biệt là húng, hành tồn tại với đời. Cái gì đã mất thì không bao giờ lấy lại được, chi bằng chúng ta hãy giữ nó khi còn chưa muộn. Chẳng có bảo tàng nào giữ được giống rau ấy bằng một bảo tàng sống. Chẳng lẽ chúng ta không xót xa khi nhìn húng Láng, hành Láng sắp làm bạn đồng hành cùng cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây trong quá vãng hay sao?


Comments: Post a Comment

<< Home

Powered by Blogger