Thursday, February 03, 2005
Tản mạn về quá trình mở mang bờ cõi đất nước Việt Nam qua các thời kỳ
Tản mạn về quá trình mở mang bờ cõi đất nước Việt Nam qua các thời kỳ
Username: ctdphuc
Tranh giành quyền lực luôn đi đôi với xâm chiếm và cát cứ đất đai, đó là đặc điểm chung của thời kỳ phong kiến ở bất cứ nước nào. Để có được một cơ đồ như ngày hôm nay, cha ông ta đã trải qua biết bao gian nan đi chinh phục các miền đất. Quá trình đó diễn ra như thế nào? Mời các bạn theo dõi.
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
A. Vài lời nhận xét:
Tử thuở xưa, các dân tộc Việt chưa có một vùng lãnh thổ xác định, đất nước tồn tại chủ yếu dưới hình thức các bộ lạc. Tiếp sau đó lại rơi vào cảnh bị các triều đại Trung Quốc nhòm ngó, thôn tính, xen lẫn với các cuộc đấu tranh, khởi nghĩa. Đất nước vì thế cứ hết bị sáp nhập lại tách ra... nên chưa thể gọi là có một vùng lãnh thổ xác định rõ ràng. Vậy ta sẽ lấy mốc là thời kỳ đất nước đã bước vào thời đại tự chủ, tức là từ nhà Ngô (938) để xem xét quá trình "mang gươm đi mở cõi" của cha ông ta ngày xưa.
Thực ra cũng chưa có một tài liệu lịch sử nào xác định rõ ràng cương giới của Việt Nam trong và sau thời kỳ Bắc thuộc (những năm đầu) (hoặc có mà tôi ko biết!). Tuy nhiên, dựa vào một số mốc ta có thể tạm suy đoán như sau (hì hì, "suy luận" và "đánh giá" cũng là một trong những cách học sử, phải không các bác nhể?): Trong Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) có nói rằng năm Kỷ Mão (678) Đường Cao Tông bên Trung Quốc đã "quy hoạch" lại Việt Nam thành 12 châu, 59 huyện. Trong đó có các châu Giao Châu (Hà Nội, Nam Định), Lục Châu (Quảng Yên, Lạng Sơn), Ái Châu (Thanh Hoá), Hoan Châu (Nghệ An),....
Như vậy, có thể nói rằng trong những năm (cuối) của thời kỳ Bắc thuộc đến các triều đại sau của Việt Nam, biên cương lãnh thổ nước ta đã được định hình một cách tương đối, kéo dài từ vùng rừng núi phía Bắc (Lạng Sơn) đến Bắc Trung Bộ (Nghệ An).
Đất nước từ thời còn manh mún, rời rạc cho đến lúc ấy đã có sự phát triển đáng kể. Tuy nhiên, sự mở rộng lãnh thổ trong thời kỳ đó còn mang tính tự phát (di dân..) hoặc do ý muốn của các quan Tàu muốn sáp nhập các vùng lại để cai trị cho "gọn" hơn. Ý thức mở mang bờ cõi (một cách chủ động) trong thời kỳ này hầu như chưa xuất hiện. Phải bắt đầu bước vào thời đại tự chủ sau hơn một ngàn năm đằng đẵng đau khổ dưới ách ngoại xâm, công cuộc mở mang bờ cõi mới đuợc chú ý thực sự. Cha ông ta đã có ý thức tự lực tự cường rất cao. Một mặt lo quan sát, đề phòng Bắc phương, mặt khác không ngừng ra sức mở mang bờ cõi để đất nước ngày một giàu mạnh, ít lệ thuộc vào ông hàng xóm khổng lồ kia.
Cũng xin nói rằng quá trình mở rộng bờ cõi của đất nước trong tất cả các thời kỳ đều chỉ gói gọn trong hai chữ: Nam tiến. Có thể các bạn sẽ thắc mắc hỏi rằng tại sao chúng ta không phát triển một cách "đồng đều" cho đất nước nó vuông vuông một tí, khôn phải "dẹt " như hình dáng ngày nay. Xin thưa rằng không phải cha ông ta không muốn nhưng do hoàn cảnh "khách quan" mà điều đó không thể thực hiện được. Phía Đông ta giáp biển, dĩ nhiên là không thể "mở" gì được cả. Phía Bắc thì lại "đụng" anh Trung Quốc, lo thủ chưa xong làm gì mà dám lấn tới! (Coi trong Lịch sử Việt Nam chỉ có vua Quang Trung Nguyễn Huệ là dám có tư tưởng Bắc tiến táo bạo, nhưng hỡi ôi, trời chẳng chiều người). Phía Tây thì gặp phải địa hình rừng núi, thung lũng,... đầy hiểm trở, cũng không thể "xơ múi" gì nhiều. Vậy thì chỉ còn lại phía Nam: đất đai bằng phẳng, nhân tình ôn hoà, lại toàn là các nước nhược tiểu (dĩ nhiên là so với Việt Nam) nên cha ông ta cứ thế mà thẳng tiến. Và quá trình Nam tiến liên tục được tiếp nối cho đến khi gặp phải mũi Cà Mau thì (đành) dừng lại.
Nhân đây cũng xin nói thêm về vấn đề "chính nghĩa" của quá trình mở cõi. Một số sử gia có khuynh hướng cho rằng việc mở mang bờ cõi của VN ta là điều "tất yếu" phải xảy ra, bởi lẽ dân số ngày một nhiều mà đất đai thì có hạn. Nhưng nếu "ní nuận" theo kiểu đó thì té ra anh Trung Quốc cũng có lý lẽ để thôn tính nước ta, và thậm chí ngay cả Chiêm Thành cũng có thể làm điều đó nhưng không có đủ thực lực (và thực tế là họ đã "thử" nhưng không được). Theo tôi thì việc xâm chiếm, thôn tính lẫn nhau là lẽ đương nhiên, nhất là trong thời kỳ loạn lạc bấy giờ. Trong LS thế giới đã có biết bao những cuộc sát nhập, phân khai giữa các vùng lãnh thổ, có những cuộc thành công cho đến tận bây giờ, nhưng cũng có những cuộc thôn tính bất thành. Lý lẽ ở đây là mạnh được yếu thua. Dân tộc nào còn giữ được bản sắc văn hoá thì còn có thể khôi phục, còn không sẽ bị đồng hoá và trở thành một bộ phận của nước đi thôn tính. Bởi thế, theo quan điểm của tôi, chúng ta nên cho điều đó là tự nhiên, không cần biện hộ một cách khiên cưỡng làm gì.
Sau đây xin đi vào một số mốc cụ thể của quá trình mở đất của cha ông ta từ thuở xưa cho đến những năm sau này của thời kỳ cận đại (Chẹp, đã định nói phần này "ngăn ngắn" một tí mà té ra lại thành dài thế này, thôi thì các bác chịu khó đọc vậy).
Một số mốc cụ thể trong quá trình Nam tiến, mở rộng bờ cõi của đất nước:
Như đã nói ở trên, khi đất nước bắt đầu bước vào độc lập thì ý chí và hoạt động mở mang lãnh thổ đã được "liên tục phát triển". Lãnh thổ được mở rộng dần theo kiểu "tằm ăn dâu", tuy nhiên vẫn có một số mốc cụ thể để ta xác định các bước của quá trình Nam tiến (sẽ được đề cập sau). Nói ngắn gọn thì quá trình mở nước của cha ông ta chỉ gồm 2 bước:
1. Xâm chiếm và "nuốt dần" nước Chiêm Thành cho đến khi nước này mất hẳn.
2. Xâm chiếm và chiếm của Chân Lạp (Campuchia) một vùng đất rất "đáng kể", trong đó có đồng bằng Sông Cửu Long (vựa lúa lớn nhất nước của VN ngày nay).
Tuy nhiên, các bước trên được tiến hành dần dần, mỗi triều đại góp một chút công, để cuối cùng, đến triều Nguyễn, khi dấu chân của người Việt Nam đã đặt lên mảnh đất địa đầu Cà Mau thì nhiệm vụ cao cả đã được xem như hoàn thành. (Ngoài ra ta cũng đã xâm nhập một tí (gọi nôm na là "chấm mút") lãnh thổ của anh bạn láng giềng "dễ thương" là nước Ai Lao (Lào) nhưng nói chung là không đáng kể.)
B. Giai đoạn đánh chiếm Chiêm Thành:
Dưới thời nhà Đinh:
Như trên đã nói khi nước ta bước vào thời kỳ tự chủ, bắt đầu từ nhà Ngô thì lãnh thổ đã kéo dài từ miền Lạng Sơn phía Bắc đến Nghệ An phía Nam, giáp ranh với Chiêm Thành. Sau đó đất nước không may rơi vào thời kỳ loạn lạc 12 sứ quân, lãnh thổ lại bị chia năm xẻ bảy. Đến năm 968 Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lãnh thổ bao gồm cả miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cho đến Hoành Sơn.
Giai đoạn này, đất nước ta mới thống nhất, quan hệ với Chiêm Thành nói chung là "êm đẹp".
Dưới thời nhà Tiền Lê:
Năm 981, dưới thời Lê Hoàn, nước ta lần đầu tiên đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành, chiếm được Địa Lý Châu (gồm Quảng Ninh, Quảng Bình). Chiêm Thành đã phải dời kinh đô (Yudrapura) từ miền Trà Kiệu vào thành Phật Thệ (Vijaya, tức Bình Định ngày nay). Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt: Chiêm Thành từ trước vẫn là một nước lớn (đối với Việt Nam) nhưng từ sau sự kiện này đã trở thành một "tiểu quốc", chịu thần phục Đại Việt, và có thể nói là đã tạo "tiền đề" cho các cuộc Nam tiến của các triều đại sau này.
Dưới thời nhà (Hậu) Lý:
Sau khi chiếm được Địa Lý Châu, Lê Đại Hành đã trả lại cho Chiêm Thành, nhưng công cuộc Nam tiến thì vẫn được nhà Lý tiếp nối mạnh mẽ.
Năm 1044, vua Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành, giết được vua Chiêm là Sạ Đẩu, chiếm được kinh đô, bắt cả vợ cả và vợ lẽ của Sạ Đẩu (!!!) nhưng sau đó lại rút về.
Năm 1068, vua Lý Thánh Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Nhưng khác với các lần chinh phạt trước (quân ta chỉ lo đánh thắng Chiêm Thành rồi "trưng dụng" của cải, bắt vua Chiêm phải cống nộp chứ không có ý muốn lấy đất), lần này, dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt, quân ta không chỉ chiến thắng vẻ vang mà còn bắt Chiêm Thành phải nộp cống, không chỉ của cải mà còn là ba châu: Địa Lý (nay thuộc Quảng Bình), Ma Linh (Quảng Trị) và Bố Chính (Quảng Bình). (Lý Thường Kiệt là người có cái nhìn chiến lược. Ông đã nhận thấy sự chật hẹp của đồng bằng Bắc Bộ và nhận định rằng muốn phát triển đất nước hùng mạnh, bắt buộc phải mở rộng bờ cõi về phương Nam. Ông là người có công lớn trong việc thu phục lãnh thổ của Chiêm Thành).
Năm 1103, nhân vụ Lý Giác làm phản chạy sang Chiêm Thành, xúi giục vua Chiêm tiến quân đòi lại 3 châu, Chiêm Thành bèn rục rịch kéo quân nhưng đã bị Lý Thường Kiệt đánh cho một trận đại bại, không còn dám "đòi" lại nữa. (Nhân đây cũng xin nói thêm rằng nước ta từ thời ấy, sau nhiều sự kiện "oanh liệt" với Chiêm Thành, đã trở thành một "tiểu đế quốc" ở phương Nam. Các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, Ai Lao,... đều "xưng thần" và hàng năm triều cống rất chu đáo! Tất nhiên, tiểu quốc mà lơ là thì đại quốc phải đem quân sang hỏi tội thôi. (Kể cũng oai ra phết!).
Dưới thời nhà Trần:
Thời nhà Trần có thể được xem là giai đoạn thịnh nhất trong lịch sử nước ta thời phong kiến (giống như nhà Đường được xem là thời kỳ rực rỡ nhất của chế độ phong kiến ở Trung Quốc). Tuy nhiên, đáng tiếc là trong thời kỳ này nước ta phải nhiều phen anh dũng chống ngoại xâm (Mông Cổ) nên công cuộc Nam tiến không "phát huy" được nhiều.
Năm 1306 vua Trần Anh Tông thực hiện một cuộc "đổi giai nhân lấy đất" không tiền khoáng hậu, tạo nên một trong những giai thoại "hấp dẫn" nhất của lịch sử Việt nam. Nhà Trần gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy 2 châu: châu (???) và châu Lý. Đến năm 1037 Việt Nam chính thức tiếp quản 2 châu này: đưa dân vào, thiết lập chính quyền và đổi lại tên thành Thuận Châu và Hoá Châu.
Sau đó nhà Trần trở nên suy yếu dần, các vua đời sau chỉ lo ăn chơi hưởng lạc. Trong các năm 1353 và 1367 dưới thời Trần Dụ Tông nước ta đã hai phen đem quân chinh phạt Chiêm Thành nhưng đều thu lấy thất bại nặng nề, làm ảnh hưởng đến uy tín với các nước lân bang. Lại "không may" cho ta là lúc này Chiêm Thành có một vị vua rất giỏi là Chế Bồng Nga. Nhân lúc nhà Trần ngày càng suy vi, Chế Bồng Nga không những đã đem quân đòi lại các châu bị mất ở các thời vua trước mà còn nhiều lần đem quân đến tận Thăng Long, tàn phá kinh thành, làm vua tôi nhà Trần phải trốn chạy rất vất vả, quả là một hình ảnh không đẹp chút nào.
Dưới thời nhà Hồ:
Tuy Hồ Quý Ly tại vị không được lâu và nói chung trong thời nhà Hồ, nội tình trong nước còn nhiều rối ren, nhưng Hồ Quý Ly cũng đã kịp ghi cho mình một số chiến công trong việc chinh phục lãnh thổ của Chiêm Thành.
Năm 1402 tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn cử binh sang đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm là Ba Địch Lại phải dâng đất Chiêm Động (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) để được yên. Tuy nhiên, nhà Hồ còn "vòi" thêm cả đất Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) nữa rồi di dân vào, đặt nền hành chính của nước ta ở các nơi mới thu phục.
Sau đó nhà Hồ bị sụp đổ. Đất nước lại rơi vào tay Bắc phương. Công cuộc Nam chinh xem như bị đình lại.
Dưới thời nhà Hậu Lê:
Dưới thời nhà Hậu Lê, nước ta đã tiến một bước khá dài trong công cuộc Nam tiến.
Sau những năm đầu lo ổn định tình hình chính trị, kinh tế (và cả lo diệt trừ công thần, bè phái, đấu đá lẫn nhau nữa!), đến thời Lê Thánh Tông, nước ta đã có những cuộc chinh phạt Chiêm Thành mới.
Năm 1470, nhân chuyện Chiêm Thành "khiêu khích" trước, vua Lê Thành Tông thân chinh đem 26 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Quân Chiêm đại bại. Quân ta đánh rốc vào tận kinh đô Đồ Bàn, giết được vua Chiêm. Nhằm làm cho Chiêm Thành yếu đi, Lê Thành Tông thực hiện chính sách "chia để trị" (xem ra không chỉ người Pháp mà cả người Việt ta cũng rành món này!), chia nước Chiêm Thành 3 phần: Chiêm Thành, Hoá Anh và Nam Phan, giao cho các cựu thần của nước Chiêm cũ cai trị. Đồng thời vua "thu hồi" lại các đất Đồ Bàn, Đại Chiêm và Cổ Luỹ, lập ra đạo Quảng Nam để "nhập" vào nước ta. Trận đánh này làm nước Nam lừng danh, khôi phục lại uy tín cũ, các nước lân bang lại tới tấp sang chầu và xưng thần!
Sau chiến công oanh liệt này, Chiêm Thành đã đi vào chỗ suy vi, không còn cơ hội cường thịnh trở lại. Vì vậy, các triều đại sau, tuy không thật mạnh nhưng công cuộc chinh phạt Chiêm Thành vẫn được tiến hành từng bước vững chắc, và cho đến các đời sau này, Chiêm Thành cứ mất dần mất dần cho đến khi bị tiêu diệt hẳn vào đời chúa Nguyễn.
Thời kỳ loạn lạc:
Nhà Lê, sau các triều vua đầu anh minh, đã trở nên suy vi với các vị vua kém tài kém đức, dẫn đến việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi, đẩy đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng triền miên, sự nghiệp Nam tiến một lần nữa lại bị đình lại.
Dưới thời chúa Nguyễn:
Sau khi sự nghiệp "Diệt Mạc phù Lê" thành công thì hai họ Trịnh Nguyễn lại quay sang đấu đá lẫn nhau. Trịnh ở phía Bắc, Nguyễn ở phía Nam. Để khuếch trương lực lượng nhằm "chiến đấu lâu dài" với họ Trịnh hùng mạnh ở Bắc Hà, chúa Nguyễn đã tiến hành "mở rộng" lãnh thổ về phương Nam.
Năm 1611, Nguyễn Hoàng đem quân vào đánh Chiêm Thành, chiếm đất lập ra phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hoà.
Năm 1617, chúa Nguyễn chiếm thêm đất Chiêm Thành, lập ra dinh Trấn Biên.
Năm 1653, Chiêm Vương là Bà Thấm "không biết điều", đem quân quấy nhiễu phủ Phú Yên, bị quân Nguyễn đánh bại. Nhà Nguyễn, nhân cơ hội đó tiếp tục lấy thêm đất của Chiêm Thành, lập ra phủ Diên Khánh (nay thuộc tỉnh Khánh Hoà).
Năm 1693, Chiêm vương Bà Tranh bỏ tiến cống. Nhà Nguyễn không bỏ lỡ cơ hội này. Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai tổng binh Nguyễn Phúc Kính đem quân "hỏi tội", bắt được vua Chiêm. Đất đai của Chiêm chiếm được bị đổi thành phủ Thuận Thành, sau đổi lại thành phủ Bình Thuận, lại lấy đất Phan Lý (Phan Tri), Phan Lang (Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và huyện Hoà Đa. Từ đó Chiêm Thành xem như mất hẳn.
Như vậy trong khoảng chưa đến một thế kỷ mà nhà Nguyễn đã thôn tính được hoàn toàn Chiêm Thành, điều mà những triều đại trước tốn bao công sức mà không gặt hái được nhiều thành công. Điều này có nguyên do rất lớn từ bản thân Chiêm Thành. Thực ra quân lực chúa Nguyễn không phải là quá mạnh, nhưng kể từ sau thất bại trước vua Lê Thánh Tông nhà Lê, rồi bị chia thành 3, Chiêm Thành đã ngày càng suy yếu, không thể gượng dậy được và chỉ còn chờ ngày diệt vong.
C. Giai đoạn đánh chiếm Chân Lạp:
Các cuộc xâm chiếm đất Chân Lạp (Campuchia) để mở mang bờ cõi về phương Nam của người Việt diễn ra có phần êm thắm hơn. Nguyên do dải đất miền Trung của cúa chúa Nguyễn vốn không được màu mỡ. Đất đai cằn cỗi, làm ăn khó khăn, lại thêm hoạ chiến tranh Trịnh-Nguyễn nên người dân dần dần di cư vào Nam, lúc ấy còn thuộc Chân Lạp, rất nhiều.
Cả miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long bấy giờ thời ấy còn khá hoang vu, đất rộng người thưa. Đất đai lại trù phú, màu mỡ, thành ra người Việt di cư vào đó ngày càng đông.
Trong những năm 1658 đến 1674, Chân Lạp có nạn tranh giành quyền lực, có phe lại "mời" chúa Nguyễn vô "giải quyết dùm". Nhà Nguyễn được thể cứ kéo binh vào "bình định", mỗi năm lại mở rộng thêm tầm ảnh hưởng của mình ở đấy.
Năm 1679, có quan nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến vì bất mãn nhà Thanh nên theo về. Chúa Nguyễn nhân cơ hội đó muốn khai khẩn thêm đất ở Chân Lạp, bèn cho họ vào ở đất Đông Phố, đất Lộc (nay thuộc Gia Định, Đồng Nai), Mỹ Tho,...
Năm 1698, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông phố ra làm dinh, huyện, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Nhà Nguyễn bắt đầu củng cố địa vị và quyền lực của mình ở rẻo đất phía Nam màu mỡ này.
Thời bấy giờ có người Trung Quốc là Mạc Cửu, nhân vì hoạ nhà Thanh, lưu lạc sang đất Chân Lạp. Ông chiêu mộ lưu dân, lập nên 7 xã gọi là Hà Tiên.
Năm 1708, Mạc Cửu xin thuộc về nhà Nguyễn. Lãnh thổ nước ta lại được mở rộng thêm một phần.
Trong khoảng thời gian đó nước Chân Lạp xảy ra biến luôn, các vua tranh giành quyền lực rồi lại chạy sang nhờ chúa Nguyễn hay Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên. Sau mỗi lần bình ổn ta lại được vua Chân Lạp "tạ ơn", mỗi lần vài huyện... Cuối cùng đất đai 6 tỉnh Nam Kỳ đều thuộc về ta.
Đến sau khi Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn thì ta còn có nhiều dịp "can thiệp vào nội bộ" của Chân Lạp, nhưng tiếc là các quan ta hành xử không khéo nên không "mở" thêm được bờ cõi mấy.
Đến đây, công cuộc "mang gươm" đi mở cõi của cha ông ta có thể xem như đã hoàn thành.
Nhìn chung cuộc Nam tiến chiếm đất của Chân Lạp được diễn ra tương đối thuận lợi. Bởi lẽ Chân Lạp thời ấy đã suy vi, các triều vua lo tranh giành quyền lực, không ngó ngàng gì đến lãnh thổ đất nước. Các vua được nước ta đưa về nắm chính quyền thì lại sung sướng, sẵn sàng "tặng" đất để tỏ lòng biết ơn. Có thể nói ta đã có những cơ hội "trời cho" hết sức quý giá để mở rộng được lãnh thổ về phương Nam. Trong đó đáng kể nhất là miền Đông Nam Bộ (nay là đầu tàu của nền công nghiệp Việt Nam) và ĐBSCL (mà theo một số chuyên gia, nếu quy hoạch khéo có thể trở thành vựa lúa của cả khu vực Đông Nam Á.
D. Đôi điều nhìn lại:
Đến đây xin mời các bác chúng ta cùng nhìn lại quá trình Nam tiến từ thuở xưa cho đến thời Cận đại một lần nữa.
Lãnh thổ nước ta từ thuở Bắc thuộc chỉ là một dải đất chật hẹp ở đồng bằng Bắc Bộ, cho đến thời kỳ Cận đại, vươn dài đến tận mũi đất Cà Mau, đã trải qua một quá trình phát triển rất dài và nhiều biến động. Cuộc Nam tiến vĩ đại đó đã chứng tỏ một tinh thần anh dũng, quật cường và ý chí vươn lên của dân tộc ta.
Ta hãy nhớ lại. Từ thời nước ta vẫn còn là những miền đất manh mún, chia cắt và bị đè nặng dưới ách ngoại xâm thì Chiêm Thành đã là một nước lớn ở phía Nam. Ấy thế mà theo thời gian Việt Nam ta đã lớn mạnh dần và ngày càng cường thịnh còn Chiêm Thành ngày càng lụn bại, và cuối cùng bị Việt Nam thôn tính. Như vậy, chúng ta có quyền tự hào về sức sống mãnh liệt của dân tộc, về các võ công oai hùng của cha ông thuở trước.
Có thể có người còn thương xót luyến tiếc cho Chiêm Thành một thuở oanh liệt với lầu son gác tía, với đền đài lộng lẫy của một nền văn hoá rực rỡ. Có thể có người đứng nhìn những tháp Chàm đổ nát trơ gan cùng tuế nguyệt mà cảm khái, không khỏi cảm thấy cha ông ta ngày xưa đã có phần "quá đáng" (?!). Một trong những người tỏ lòng luyến tiếc với quá khứ "tiêu biểu" nhất có lẽ là nhà thơ Chế Lan Viên. Trong tập thơ Điêu tàn nổi tiếng với sắc màu đầy vẻ huyền bí, hư ảo của mình, ông đã bộc lộ một tâm trạng nhớ thương, đồng cảm với nỗi đau mất nước của một trong những dân tộc đã có thời mạnh mẽ, lẫy lừng vào bậc nhất Đông Nam Á như dân tộc Chămpa.
Vâng, tất cả những điều đó dường như rất đáng để chúng ta mủi lòng. Nhưng..., hãy thử nhìn nhận vấn đề dưới một khía cạnh khác xem sao. Thực ra, việc Chiêm Thành bị tiêu diệt không hẳn chỉ do "dã tâm" của dân tộc Việt. Bản thân họ đã phải trả giá cho những sai lầm của chính họ. Ngay từ thời nước ta còn đang trong vòng nô lệ của giặc Hán, Chiêm Thành đã không ít lần "thừa nước đục thả câu", sang quấy nhiễu, cướp bóc nước ta, thậm chí đã có lần táo gan "đề nghị" phía Trung Quốc cho nước ta trở thành một vùng nội thuộc của Chiêm Thành để...dễ "quản lý"! Cho đến khi nước ta giành được độc lập thì Chiêm Thành vẫn không để yên, thường sang quấy nhiễu biên giới ta luôn. Hầu hết những cuộc chinh phạt Chiêm Thành của các triều đại Việt Nam đều bắt nguồn từ những vụ xâm phạm, cướp bóc biên giới của phía Chiêm Thành. Có một điều rất lạ là đã bao lần quân Chiêm bị quân ta đánh cho đại bại, nhiều lần bị đánh đến tận kinh đô, không ít lần vua bị giết, bị bắt sống. Ấy thế nhưng họ vẫn không "tỉnh ngộ", vẫn không chịu "thần phục" để đến nỗi rước lấy cái hoạ mất nước (thậm chí đến thời chúa Nguyễn, lãnh thổ chỉ còn một tẹo, vậy mà vua Chiêm vẫn còn đem quân quấy nhiễu Phú Yên (!), để rước lấy nhục vào thân và phải dâng gần hết đất, dẫn đến việc kết thúc sự tồn tại của nhà nước Chiêm Thành). Sử xưa có chép, người Chiêm Thành vốn tính tình hung dữ, ngang tàng... phải chăng đó là nguyên do cho sự tàn lụi của họ?!
Về Chân Lạp, dù có cùng kết cục với Chiêm Thành nhưng thực ra "ân oán" với nước Đại Việt có thể nói là chưa nhiều. Tuy nhiên, do thời thế mà miền đồng bằng trù phú phía Nam đã trở thành một phần của lãnh thổ Việt Nam. Phải chăng, đó là một hình thức đền bù của trời đất, muốn dành cho cho Việt Nam mảnh đất giàu có này để thay thế cho miền Lưỡng Quảng rộng lớn đã bị mất về tay Trung Quốc (?).
Dẫu sao đi nữa thì lãnh thổ của Việt Nam, cùng với các nước xung quanh, ngày nay cũng đã định hình (và được quốc tế thừa nhận!), và trong tương lai cũng khó có thể biến cải gì lớn. Nhắc lại chuyện xưa chỉ như để hồi tưởng lại một thời quá khứ hào hùng của dân tộc, cái thuở ngàn năm "đem gươm đi mở cõi" ấy.
…
Vịnh bức dư đồ rách
Tản Đà
Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Ấy trước cha ông mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm chơi!
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ,
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.