Hợp tuyển Box Lịch sử- Văn hoá
Thursday, February 03, 2005
 
Thú uống trà của ngưòi Hà Nội

Username : Ghen


"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An."


Chẳng hiểu tự bao giờ,cái tên Tràng An - vốn là kinh đô xưa của người Trung Quốc - được lấy làm hình tượng của người Hà Nội. Nhưng cái thanh lịch của người Hà Nội thì không ai có thể phủ nhận được.Người Hà Nội thanh lịch, quý phái mà không cầu kỳ, không kiêu căng hợm hĩnh. Đấy là nét rất riêng của Hà Nội để đến hôm nay 2 tiếng thân thương Hà Nội ấy đã chuyển hoá thành tính từ.

Trong nét văn hoá của người Hà Nội, ta cần phải kể đến văn hoá ẩm thực. Hôm nay tôi muốn nói tới một trong những cái thú trong nét văn hoá ẩm thực của người Hà Nội, ấy là cái thú uống trà. Thú uống trà vốn xuất phát từ trong các nhà chùa, từ những thế kỉ thứ 10 - 11. Sau đó nó trở thành cái thú tao nhã của các nhà Nho thời phong kiến. Nhưng người Hà Nội lại là những người đã có công nâng nó lên thành 1 thứ nghệ thuật - nghệ thuật thưởng trà.

Nguyên liệu cũng bao gồm nước sôi và lá chè đã được sao tẩm và sấy khô, nhưng người Hà Nội có cách thưởng trà rất riêng, nó thể hiện cái tinh tế cái khiếu thẩm mĩ rất cao của người Hà Nội.

Trời mưa chừng mười phút, bắt đầu đem chậu hoặc xô ra hứng nước ngay giữa trời, để 1 thời gian cho lắng bụi xuống. Lấy nước ấy đun sôi chừng tới khi sủi bọt mắt cua, ấy là nước dùng để pha trà. Chè phải là chè loại ngon được lựa chọn và sao tẩm kĩ lưỡng, ướp với các loại hoa như hoa sen, hoa cúc, hoa nhài... Ấm chén phải sạch sẽ, mà lý tưởng nhất là loại ấm màu gan gà để mộc (không tráng men).Cho chè vào ấm đã tráng qua nước sôi, sau đó đổ nước sôi vào rửa chè, nước ấy đổ bỏ. Rồi rót nước sôi vào. Cần chú ý rót từ từ, đưa miệng phích nước từ trên xuống đến gần miệng ấm. Cần rót cho nước đầy tràn ấm để tráng cho sạch hết bụi còn sót ở miệng ấm trà. Để chừng dăm bảy phút là ta có ấm trà ngon. Nhưng có được một ấm trà ngon mà không biết thưởng thức thì cũng như không, thà ra hàng nước ven đường gọi chén nước cho đỡ mất công.

Người Hà Nội trước khi thực sự thưởng trà cần giữ cho tâm thanh tĩnh, vì tâm có tĩnh thì mới thấy hết cái ngon cái đẹp của trà. Trà nóng rót ra chén khói nghi ngút, người Hà Nội không vội cầm lên dốc ngay vào miệng, như vậy là phàm ăn tục uống.Trước hết thưởng thức bằng mắt, người sành trà chỉ nhìn màu trà cũng biết trà ngon hay dở. Cái màu vàng pha một chút sắc xanh, trong như hổ phách, nhìn thấy đã muốn mê. Sau đó hãy để cho thính giác làm việc, không phải chỉ đơn thuần là hít vào lấy được mà là thưởng thức cái hương thơm, cái một nắng hai sương của những người trồng chè, cái chất đất vùng trung du hay vùng núi cao nơi trồng những cây chè, và cả mùi hương hoa sen hay cúc...quyện lẫn vào đó, hương thơm ấy sẽ ám ảnh ta suốt cả ngày. Rồi sau đó đưa chén lên miệng nhấp một ngụm nhỏ và để nó nơi đầu lưỡi, để cho nó từ từ thấm vào, để thấy hết cái ngon, cái tinh tuý của trà và của vị hoa pha lẫn vào đó. Cuối cùng, vận dụng hết những cơ quan cảm giác trên cơ thể để thưởng thức. Ngay việc cầm chén trà ra sao, người Hà Nội cũng có nguyên tắc riêng: ngón trỏ và ngón cái nhẹ nhàng cầm lấy phần trên của chén, ngón áp út đưa xuống phía dưới đáy chén để đỡ lấy, còn ngón út hơi cong cong. Nhìn cách cầm chén vậy thôi cũng đủ thấy nét thanh lịch, vẻ quý phái của con người ở nơi " lắng hồn núi sông ngàn năm ".

Ngày nay cái thú uống trà đã dần mai một đi. Thời đại công nghiệp, người ta chỉ mê những Lipton hay Dilma. Có chăng thì chén trà cũng chỉ là cái cớ để ngồi hàn huyên với nhau. Mới đây tôi lại còn thấy có cả quán Trà đạo Việt Nam. Thật không thể hiểu nổi Việt Nam có trà đạo từ bao giờ ! Theo tôi được biết thì Trà đạo là phong cách uống trà gắn liền với tín ngưỡng, nó có như những nghi lễ linh thiêng trước khi uống, trên thế giới hiện nay chỉ có Nhật Bản là nước duy nhất có Trà đạo.


Comments: Post a Comment

<< Home

Powered by Blogger