Thursday, February 03, 2005
Về lịch sử ngôn ngữ Việt Nam và Trung Quốc
Username : Annonymous
Trước hết nói về lịch sử ngôn ngữ Trung Quốc và Việt Nam là như thế này:
Trước kia, từ nhà Chu về trước (tức là tính trước Tần Thuỷ Hoàng) thì thực ra Tung Quốc cũng chỉ là một vùng rất nhỏ so với Trung Quốc bây giờ, nằm ở hạ lưu sông Hoàng Hà và Trường Giang (Dương Tử). Còn vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) vẫn chưa được coi là thuộc Trung Quốc. Hơn nữa, khi đó Trung Quốc không chỉ chia năm xẻ bảy, mà bị chia trăm xẻ ngàn. Mỗi ngôn ngữ mỗi nước nhỏ cũng khác nhau rất nhiều. Đến Tần Thuỷ Hoàng, Lý Tư đã làm nhiệm vụ thống nhất chữ viết toàn Trung Quốc. Đó là một công lao rất lớn luôn được nhắc đến khi nói về Tần Thuỷ Hoàng (Tần Thuỷ Hoàng đã nói "xa đồng quỹ, thư đồng văn").
Vào thời kỳ đó, nước ta chưa bước vào thời kỳ Bắc thuộc. Theo mình biết thời đó ta đã có chữ viết của riêng mình. Người ta bảo nó chữ như giun theo kiểu Lào và Campuchia (cần nói thêm rằng ngôn ngữ của ta thuộc nhóm Môn-Khmer) bây giờ, nhưng hiện nay không ai biết thứ chữ đó nữa.
Từ đời nhà Tần, Trung Quốc bắt đầu xâm lược ta, nhưng chẳng mấy chốc nhà Tần sụp đổ và nhà Hán thay. Các vua nhà Hán cũng như các đời vua sau này luôn có ý định đồng hoá dân tộc Việt, chữ Hán trở thành thứ chữ bắt buộc trong các kỳ thi (tất nhiên là mình chỉ nói đến những lúc có giặc thôi). Chữ Hán xâm nhập vào ta từ đó. Nhưng người Trung Quốc đã không đạt được mục đích. Ban đầu người Việt đã cố dùng chữ Hán để ghi các âm Việt bằng cách dùng những từ phát âm gần đúng trong tiếng Việt, nhưng tất nhiên những chữ đó không thể đủ để ghi những từ trong tiếng Việt được. Vì vậy, chữ Nôm đã ra đời (có trên dưới 1 vạn chữ, mình sẽ nói cấu tạo chữ Nôm ở dưới). Người ta thấy rằng nhiều chữ Nôm đã xuất hiện ngay từ thế kỷ I nhưng đến thế kỷ VI thì mới phát triển nhất.
Tuy nhiên chữ Hán vẫn khá phổ biến trong sáng tác thơ văn của Việt Nam, hầu hết các trước tác đều bằng tiếng Hán. Ngay cả Hịch tướng sĩ đời Trần và Bình Ngô đại cáo đời Lê vẫn được viết bằng tiếng Hán. Chỉ đến sau này mới có phong trào khuyến khích dùng chữ Nôm thay chữ Hán (nhất là Hồ Quý Ly, trước đó là Nguyễn Trãi). Một số tác giả thơ Nôm nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Du và đến Nguyễn Khuyến thì đã khá gần ta rồi.
Cần phải nói rằng chúng ta chưa bao giờ được gọi là nói tiếng Hán cả. Tiếng Việt ta đang dùng vẫn được dùng từ thuở sơ khai, tất nhiên có thể có nhiều khác biệt về cách phát âm và ngữ nghĩa của nhiều từ. Chữ quốc ngữ ta đang dùng chỉ là phần sáng tạo về chữ viết của các nhà truyền đạo Bồ Đào Nha.
Chữ Hán: Nói lại rằng chữ Hán là chữ của người Trung Quốc dùng vào thời Hán nhưng đã được đọc trệch theo âm tiếng Việt. Tuy nhiên cách phát âm đó khá gần với cách đọc thật. Đến nay, cách phát âm của người Trung Quốc đã biến đổi rất nhiều. Người ta thấy rằng vào đời nhà Đường (tức là bắt đầu sau nhà Hán khoảng 3 thế kỷ và kết thúc sau 7 thế kỷ) thì cách phát âm vẫn khá giống với cách đọc chữ Hán. Vì thế cho nên người ta nói rằng ở Trung Quốc hiện nay không ai có khả năng làm thơ Đường luật nữa do sẽ thất niêm vì lý do phát âm khác nhau. Chữ Trung Quốc hiện nay cũng có rất nhiều chữ được lược bớt các nét cho đơn giản (gọi là lối viết giản thể, hơn một nửa số chữ Trung Quốc đã có cách viết mới, có những chữ có đến 3 cách viết). Nhưng nếu bạn viết chữ theo kiểu cũ thì người Trung Quốc vẫn có thể đọc được. Nhưng mà có một số bạn mới học tiếng TQ khi mình thử viết một số chữ kiểu cũ thì lại không biết.
Chữ Nôm: thực chất là cách viết theo hệ thống của chữ Hán, vẫn dùng 214 bộ, 6 nét vốn có của chữ Hán. Có một số cách tạo thành chữ Nôm như sau:
Lấy luôn từ chữ Hán: tức là những chữ có sẵn trong tiếng Hán, mượn cả âm lẫn nghĩa. Hiện nay đây chính là những từ Hán Việt. Cái này khỏi phải lấy ví dụ nữa nhé.
Mượn âm: mượn một chữ có âm giống hoặc gần giống trong chữ Hán và gán cho nó một nghĩa mới của tiếng Việt. Ví dụ: "qua" (tiếng Hán là cái mác để đánh nhau). Cũng vì lý do này mà một chữ Nôm có thể có cách đọc, mỗi cách đọc lại ứng với một nghĩa khác nhau. Ví dụ: "nhưng" và "những" (hai chữ này trong chữ Nôm viết giống nhau và giống chữ "nhưng" trong tiếng Hán).
Mượn nghĩa: mượn một chữ phát âm khác hẳn nhưng lại giống nghĩa trong tiếng Hán. Như vậy, những chữ này trong tiếng Hán đọc một kiểu nhưng chữ Nôm lại đọc một kiểu. Ví dụ: "cụ" trong tiếng Hán đọc là "sợ" trong tiếng Nôm.
Ghép chữ: có thể coi là phổ biến nhất, nó tương tự với kiểu hình thanh trong việc lý giải nguồn gốc một lượng lớn chữ Hán (trong chữ Hán, có nhiều chữ do ghép từ 2 chữ lại, một chữ có nghĩa gần giống và một chữ có cách phát âm gần giống, và tạo ra một chữ mới, nên gọi là hình thanh), chỉ khác là mượn một chữ trong tiếng Hán có nghĩa giống hoặc tương tự ghép với một chữ Hán khác có cách phát âm giống hoặc tương tự và tạo nên một chữ Nôm mới. Ví dụ: chữ "má" ghép từ hai chữ trong tiếng Hán là "nhục" (nghĩa là thịt, gần về nghĩa) và chữ "mã" (là con ngựa, gần về phát âm).
Ngoài ra cũng có nhiều chữ Nôm có nhiều cách viết khác nhau. Lý do là mỗi vùng có một cách sáng tạo khác nhau. Như vậy bạn cũng thấy rằng thực tế chữ Nôm khá lộn xộn. Những người học chữ Nôm bây giờ nhiều khi nhìn một văn bản (nếu có ít chữ) mà không biết là chữ Nôm hay chữ Hán. Nếu nhận ra là chữ Nôm thì nhiều khi cũng không biết là đọc như thế nào và nghĩa như thế nào.