Thursday, February 03, 2005
Qua thời gian
Khi trong ta nảy sinh những mối hoài nghi, khi thấy cuộc sống không còn ý nghĩa, ta sẽ cần đến sách và những loại hình văn hoá đủ mạnh để nâng mình lên cao, mở rộng chân trời, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống...
(C.Danuksky )
--------------------------------------------------------------------------------
Username : Quang
Lịch nghĩa là trải qua,là rõ ràng.Sử là ghi chép. Nhưng Lịch sử không chỉ đơn thuần là thu thập thông tin về quá khứ, mà còn là những tư tưởng mong muốn phát hiện trên con đường của những sự kiện, hiểu được nó.Vậy đấy là cái mà hậu thế nhận được trong lĩnh vực hiểu biết đời sống con người trước đó đã trải qua. Văn hoá là danh từ cửa miệng, sâu vào tâm trí con người, cho dù là một bác nông dân,một anh thợ nề hay một học giả trí thức. Đơn giản, văn hoá là môi trường sống của con người về mặt tinh thần và vật chất trải qua thời gian. Bỏ qua khái niệm và những sự lý giải cặn kẽ, tôi thích nhìn vào những gì còn lại, những gì đã mất qua thời gian. Nói cho cùng, năm tháng là thước đo giá trị của Lịch sử và Văn hoá. Đi xa tìm học, đọc Lịch sử Tây Tàu đủ cả, sâu trong lòng vẫn thấy điều thiết thực là hơn, chẳng đâu xa, lịch sử văn hoá xã hội nước ta cũng tốt đẹp.
Hôm nay ngó cái TV xem chương trình Phố Hà Nội. Người Việt vốn có câu "sâu rễ,bền gốc". Thoắt giật mình. những khu phố mới, những toà chung cư cao tầng đang thi nhau đua chen mà chưa kịp biết tường tận thế nào có nơi mang danh: Khu phố cổ
Khu Phố cổ sót lại trên Hà thành hiện thấy chỉ có từ thế kỷ 19, nhưng theo sử sách đích thị đây là nhân lõi của kinh đô Thăng Long từ khi mới thành lập, tức là có đến ngàn năm tuổi.
Có thể coi không gian khu phố cổ là một hình tam giác cân có đỉnh là phố Hàng Than,cạnh phía đông là đê sông Hồng,cạnh phí tây là các phố Hàng Cót,Hàng Điếu,Hàng Da,đáy là trục Hàng Bông,Hàng Gai,Cầu Gỗ. Phố chi chít dọc ngang như bàn cờ,hầu hết mang tên mặt hàng sản xuất hoặc kinh doanh. Nhà thì cùng một loại kiến trúc,san sát hai bên đường theo kiểu nhà ống.Có dịp hãy quan sát kĩ lưỡng những căn nhà dài như cái ống, hẹp và sâu, có khi thông liền ra một mặt phố khác.Gian ngoài là gian dùng để buôn bán hoặc làm hàng Đi vào trong là một khoảng sân lộ thiên để hứng nắng, gió. Đi tiếp là vào gian nhà dùng để ăn,ở. Nhà nào cũng bình dị, nhỏ bé, vừa làm nơi sản xuất, vừa làm chỗ ra vào sinh hoạt. Hầu hết đều rất thấp, chẳng mấy khi có không gian để trổ cửa sổ. Nếu có cũng rất nhỏ. Đứng ở giữa một phố cổ nhộn nhịp sầm uất bán mua, ngắm nhìn những căn nhà liền mái,liền tường, gồng mình chống đối lại với dấu ấn thời gian để nâng đỡ, nương tựa vào nhau, dễ thấy khu phố cổ như một cơ thể gắn bó khăng khít. Thi thoảng bắt gặp những mái đình chùa cong cong, một chút không gian cây xanh mềm mại còn sót lại. Giữa cái không gian đô thị vật chất kia, hương vị cổ muôn năm cũ nay thấp thoáng, ẩn chìm như muốn giữ cho muôn đời tâm linh của người Hà nội xưa.
Nối với Hồ gươm là Hàng Đào ngược xuống. Được biết dân Hải Hưng (Đan Loan) xưa đến đây nhuộm vải rồi dần dà thành phố bán tơ lụa, gấm, vóc. Bây giờ bộ mặt khu phố thay đổi nhiều, những cửa hiệu đồng hồ sang trọng, bóng nhoáng. Dân nơi đây nam thanh nữ tú xa hoa vào loại bậc nhất. Chẳng trách từ xưa phố có tiếng là hào hoa nhất đô thành.
Đi tiếp lên trên là Hàng Đường. Nay, so với Hàng Đào, phố này còn giữ được phần nhiều bóng dáng xa xưa. Vẫn những cửa hàng buôn bán tạp hoá đủ loại, những chị bán hàng xồ xuề phe phẩy cái quạt nan. Giữa phố có mái chùa Cầu Đông còn giữ được bức tượng "Bụt cười". Góc phố có hàng bánh dày, bánh giò, chả cốm, giò lụa, nem chua đủ loại. Người già con trẻ vui vẻ kề cà cầm tay miếng bánh, miếng nem ngồi ăn bên vỉa hè như một thú vui dân dã cố hữu. Quán này có loại bánh dày Tàu rất lạ. Bánh to bằng lòng bàn tay, lớp bột mịn màng trắng dẻo bao lấy nhân vừng đen. Cắn một miếng, vừa mới nhận ra vẻ tinh khiết của thứ bột nếp nguyên chất, khô nhưng mịn màng không dai thì vị ngọt bùi của cùi dừa xen lẫn mùi thơm đặc trưng của vừng đen kịp trào ra đúng lúc. Ai thích ăn đồ khô ắt hẳn không nên bỏ qua loại bánh này.
Có lẽ, trong những phố cổ Hà thành, tôi thích thú nhất với phố Hàng Đường. Mỗi giờ, mỗi ngày đi qua đây tôi đều cảm nhận được những gì của xa xưa không giống trước. Hôm nay phát hiện ra hàng bún bánh đa cua vỉa hè, cũ mà mới. Ngày mai Tết đến, chen chân trước chợ Cầu Đông ngắm nhìn những đào, những thược dược, những Violet, mới mà không cũ. Hôm nào tháng giêng ngày rộng dài, loăng quăng đem tiền mừng tuổi ra cuối phố mua vài gói ô mai, vài cái nơ kẹp tóc nhét vào cặp làm quà, đến lớp mừng tuổi cho lũ bạn. Đồ quen thuộc nhưng vun đắp thêm một tình cảm mới mẻ vững bền...Đó là sự hoà đồng tự nhiên, là một sự giao hoà từ qua khứ đến hiện tại trong mỗi góc tâm linh nhỏ bé của con người.
Lại phải kể đến phố Hàng Mã...Những ngày còn thơ dại, tôi hay theo mẹ lên nhà bà chơi. Bà tôi làm đèn giấy trung thu cổ truyền có tiếng vào bậc nhất Hà thành. Lúc đó Hàng Mã chỉ bày bán đồ chơi làm từ giấy, không có đồ dùng pin và bằng nhựa hiện đại như bây giờ. Dịp trung thu, đi dọc phố chỉ thấy hai màu xanh và đỏ. Tôi cũng hay bám áo bà đi xích lô từ Hàng Chuối vòng ra Hàng Mã giao hàng, mỗi bận bán cả trăm cái đèn lồng. Để chuẩn bị cho một đợt giao hàng vào trung thu như thế, bà tôi mất nửa năm để quét phẩm, in hoa, gấp, chun và hồ từng chiếc đèn. Không biết bây giờ thế nàonhưng những năm 90, người buôn bán trên Hàng Mã, tay lúc nào cũng đỏ lự, tim tím vì dính phải phẩm màu chưa khô. Bán những thứ đồ này, ngoài trung thu ra thì quanh năm trầm lặng. Người ta buôn bán hương, giấy, tiền vàng âm phủ, có lẽ vì thế nên ít mau mồm mau miệng. Phố Hàng Mã ngày nay vắng bóng những đèn lồng, những ông tiến sĩ bằng giấy mộc. Thay vào đó là vô vàn màu sắc rực rỡ của đủ loại đồ chơi vui mắt, vui tai. Đời sống, nhà cửa đầy đủ, văn hoá nhiều mặt đến chỗ suy đồi, nhưng thú vui sắm đồ trung thu cho trẻ nhỏ, cho cả lũ thanh niên vẫn ngày một góp phần khiến một nét văn hoá tươi tắn và nhộn nhịp hẳn lên.
Khi con sông Tô còn chen chân chảy trong khu phố cổ, người ta nói, có thể mua cá tươi ở phố Chả Cá. Lại có người kể xưa kia phố này mang tên Hàng Sơn, chỉ bán sơn. Mãi đến cuối thế kỉ 19, có gia đình họ Đoàn ở số nhà 14 nghĩ ra cách nướng cá làm chả, ăn kèm với bún và một số gia vị. Nhiều người thích thú đâm thành tên phố. Trước cửa hiệu, chủ nhà bày tượng Lã Vọng, một tay cầm cần câu, một tay xách xâu cá. Cái tên chả cá Lã Vọng cũng từ đấy ra. Cho đến nay khách nước ngoài vẫn tìm đến phố để yêu cầu thưởng thức món chả đặc sắc này. Khách tới, ngồi vào bàn ăn, theo đúng cung cách thì nhà hàng đem đến một cái lò đất con hừng hực than hồng, trên đặt chiếc chảo nhỏ mỡ nổ lách tách vui tai. Xung quanh là vài ba đĩa ra ăn kèm. Nhất thiết không thể thiếu thì là và hành hoa. Một bát nước chấm pha chanh, ớt tỏi hoặc mắm tôm tuỳ sở thích, một cuộn bánh đa gỏi, một đĩa bún đơm tơi bông lên. Tất nhiên chú ý nhất là đĩa cá chủ đạo. Ngon nhất là làm bằng thịt cá lăng, nếu không may thì dùng cá quả, cá chuối hay cá trắm đen thay thế. Cá được lạng ra thành từng miếng không dày cũng không mỏng, bản to vừa, ướp tiêu hành ớt, sả gia vị vừa ngon, miếng cá bóng màu vàng ngậy của nước nghệ, xếp thành đĩa. Mùa đông, bên ngoài gió rét, mưa phùn lạnh cóng, bên trong chụm đầu quây quanh lò than hồng, đợi chảo mỡ nóng, thả ít hành hoa vào lèo xèo rồi nhúng từng miếng cá cho săn đều hai mặt, gắp ra ngay đặt vào miếng bánh đa cuộn thành gỏi có kèm bún và các loại gia giảm. Cầm cái gỏi cuốn chấm đẫm nước mắm tôm hoặc mắm tỏi, nhỏ thêm vài giọt cà cuống thì thật tuyệt. Ngó xung quanh, không gian mờ mờ, khói thơm lan toả, thật quyến rũ đậm đà.!
Buổi chiều tối mùa đông, bước ra từ hàng Chả Cá, đi một đoạn, gặp ngay mùi thuốc Bắc đang được sao tẩm trên phố Lãn Ông. Đi một đoạn lại thoáng nghe tiếng gò bạc, gò đồng ở phía sau, phố Lò rèn, nay là Hàng Dừa. Loăng quăng một vòng, thấm mệt, quay lại đầu Hàng Gai ngắm những cửa hiệu tranh thêu,lụa Hà Đông trang trọng. Xưa kia nơi đây nổi tiếng bởi con người lịch thiệp và tao nhã vì lòng yêu mến và trân trọng nghệ thuật. Ngay đầu phố, men theo lối vào tối và hẹp là hàng Cafe Phố Cổ, đã bao lâu vẫn giữ được một khoản không gian nguyên sắc nguyên tình. Khách ngồi giữa sân giời, gọi ly càphê trứng, (bác Sốt nhỉ hihihìhì), ngắm buồng chuối cảnh trước mặt đang độ trổ hoa đỏ rực, tựa lưng vào bức tường ẩm mùi rêu phong, nhâm nhi cái vị ngọt mềm và tan nhanh của kem trứng, đứng dậy bước chân vào trong nhà sờ tận tay mân mê những món đồ cũ đầy bí hiểm. Chủ nhà hẳn là người lịch thiệp và nhã nhặn khi để khách mặc sức tỏ ý trân trọng kỉ vật, như nếp xưa, như người Hàng Gai của những căn nhà theo lối sắp xếp cũ, đàm đạo thơ văn giữa sân cảnh và giếng trời...Bước chân ra, gặp ngay cái ồn ào của đô thị khi thành phố lên đèn...
Bấy nhiêu chưa đủ, nhưng đọng lại trong tâm trí những dư âm của một Hà thành cổ xưa đang bền bỉ, bền bỉ thở cùng nhịp thở thời đại.