Hợp tuyển Box Lịch sử- Văn hoá
Thursday, February 03, 2005
 
Hội hoạ Trung Hoa đời Tống
Username : Yuyu

Thời Đường, hội hoạ đã rất phát triển và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, nhất là về nghệ thuật vẽ nhân vật và chân dung truyền thần - theo đúng nghĩa cao quí của nó chứ không phải hiểu truyền thần như là kiểu vẽ của những người không học vẽ ngày nay. Ngoài Diên Lập Bản (?-673) chuyên vẽ chân dung các Hoàng Đế, Hàn Cán (720 - 780) chuyên vẽ Ngựa và Kỵ Mã, có 2 hoạ sĩ nổi tiếng khác là Ngô Đạo Tử (700 -?) vàTrương Huyên với 2 phong cách vẽ nhân vật trái ngược nhau:

Ngô Đạo Tử với nét bút hừng hực, dữ dội, thần sầu quỉ khốc, ào ạt như mưa tuôn gió thổi và vẽ rất nhanh. Bức " Giang Lăng Tam bách Lý đồ " ông vẽ trên một bức tường của điện Đại Đồng trong vòng vỏn vẹn có một ngày. Trong khi cùng đề tài ấy ở bức tường bên kia Lý Tư Huấn phải thể hiện mất ba tháng. Về bức "Địa ngục biến tướng đồ”, Đoàn Thành Thức bình luận rằng: “...sức bút dữ tợn, biến dạng ghê gớm, nhìn xem bất giác tóc dựng..” và có thơ khen rằng:

“Thảm đạm thập đổ nội
Ngô sinh tung cuồng tích
Phong vân tương bức nhân
Quỉ thần như thoát bích”
(Ảm đạm suốt 10 bức tường
Ngô Sinh điên cuồng phóng bút
Gió mây như hãm người
Quỉ thần như bay ra khỏi vách)

Người đương thời gọi ông là “Thánh Hoạ” và các nhà phê bình sau này cũng đánh giá ông là bậc “maitre” Hội Hoạ lớn nhất của các triều đại. Nhưng rất tiếc, tác phẩm của ông ngày nay hầu như thất lạc hết, chỉ còn những bức sao chép lại của người đời sau nên không được hoàn hảo lắm.

Đối lập với Ngô Đạo Tử là một ông “Thánh Hoạ” khác tên Trương Huyên (thế kỷ VIII) với bút pháp cực kỳ dịu dàng, trau chuốt, chuyên vẽ các tiểu thư, công tử, ngựa xe, màn trướng,cung điện khuê các v.v...

Tuy nhiên cũng như Ngô Đạo Tử, các kiệt tác của Trương Huyên cũng hầu hết thất lạc, chỉ còn các bản tranh sao chép lại của người đời sau, trong đó nổi tiếng nhất là bức “Quắc quốc phu nhân đồ” và “Đảo Luyện đồ” do vua Tống Huy Tông Triệu Cát chép lại.

Tuy nhiên 2 bức hoạ nổi tiếng nhất đời Tống là bức “Giang Sơn Thiên Lý đồ” (núi sông nghìn dặm) của Vương Hy Mạnh, một hoạ sĩ cung đình dưới triều vua Tống Huy Tông.

Vương Hy Mạnh (1096 - 1120) được coi là một thần đồng, cả đời chỉ vẽ được bức tranh lụa lớn nhất trong lịch sử hội hoạ Trung Quốc và chết ngay sau khi vẽ xong tranh lúc mới có 24 tuổi.

Bức nổi tiếng thứ hai là “Thanh Minh Thượng Hà đồ” (buổi sáng trên sông) của Trương Trạch Đoan, vẽ tả thực toàn bộ Kinh Đô Khai Phong của Bắc Tống thời Tống Huy Tông, bức này cũng khá lớn vì tuy cao có 25 cm nhưng dài tới 5,5 m.

Cả hai bức này hiện đều lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung.


Comments: Post a Comment

<< Home

Powered by Blogger